Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 5: Tính tất yếu của dân chủ

Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh đang được sửa chữa để chuẩn bị cho lễ Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1.10 - Ảnh: AFP

Để thúc đẩy cải cách chính trị tại Trung Quốc, giới truyền thông nước này đã đi sâu phân tích những nguyên tắc và phương hướng của nó.

Chính quyền toàn năng sang chính quyền hữu hạn

Thực ra không phải tới tận bây giờ Trung Quốc mới tập trung phân tích nguyên tắc và tính chất của cải cách chính trị ở nước này. Theo mạng Nhân Dân tháng 5.2007, chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc là Vương Nhất Trình cho rằng tính chất cải cách thể chế nước này là tự hoàn thiện và phát triển chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Điều này được quyết định bởi nội dung và mục tiêu của cải cách thể chế chính trị cùng tính chất xã hội của Trung Quốc. Ông Vương nhận định việc cải cách nhất định phải kết hợp dân chủ và tập trung, dân chủ và pháp chế, dân chủ và kỷ cương, dân chủ và lãnh đạo Đảng.

Báo Tân Dân hồi tháng trước cho rằng dân chủ chính là sự biểu đạt đầy đủ và cùng thỏa hiệp đi tới thống nhất các ý kiến của lãnh đạo, của chuyên gia và của quần chúng. Bài báo nhắc lại lời của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân: “Dân chủ và tự do ở bất kỳ quốc gia nào cũng có tính giai cấp, nhưng đều có tính tương đối, không hề tuyệt đối. Ở mỗi quốc gia, chúng đều có nội dung cụ thể riêng. Thực hiện chế độ Đại hội đại biểu nhân dân và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc là hình thức biểu hiện chủ yếu của dân chủ Trung Quốc”.

Theo báo này, những điểm quan trọng của cải cách chính trị gồm: sự chuyển dịch quyền lợi chính trị, từ một chính quyền toàn năng quản lý tất cả chuyển sang một chính quyền hữu hạn, chuyên tâm cung cấp dịch vụ cộng đồng. Quyết tâm xây dựng hệ thống giám sát nghiêm khắc và chặt chẽ. Trong đó, không ngừng tăng cường độ giám sát trong thể chế, hoàn thiện thể chế chất vấn, thể chế công khai thu nhập quan chức đồng thời phải tăng cường giám sát có sức mạnh nhân dân. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống pháp luật, thông qua lập pháp hoàn chỉnh, chấp pháp nghiêm khắc để thực hiện công khai giữa mọi chủ thể và quyền lợi, quy phạm hành vi của chính phủ, bảo vệ quyền lợi cơ bản của công dân. Bài báo cũng cho rằng một khi làm được điều này, xã hội sẽ có trật tự, một đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa tăng cường sự hài hòa dân chủ văn minh cũng có cơ sở vững chắc. Ngoài ra còn phải kiên trì kết hợp cải cách chính trị với cải cách kinh tế, kết hợp  phát triển dân chủ với kiện toàn pháp chế, nhấn mạnh dân chủ cần chế độ hóa, pháp luật hóa, trị quốc theo pháp luật.

Quan chức phải công khai tài sản

Báo Tân Dân đưa ra các phương hướng cải cách chính trị cụ thể sau: Đẩy mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền. Đảng cần không ngừng học tập, thích ứng với hoàn cảnh mới, giải quyết vấn đề mới. Đảng cần tin tưởng vào dân, thúc đẩy dân chủ trong Đảng. Tại mỗi hội nghị Đảng, các đảng viên cần phát biểu ý kiến đầy đủ, không bỏ phiếu nặc danh. Quan chức mới lên cần phải công khai tài sản với xã hội, chấp nhận sự giám sát của xã hội.

Chính phủ điều hành đúng pháp luật. Nhất thiết phải xây dựng nên một chính phủ dạng phục vụ nhân dân với những biện pháp quản lý có tính quyền lực cao, chịu hạn chế và quy chế pháp luật. Những thủ pháp quản lý mới phải có tính mềm dẻo, cần sử dụng nhiều ứng dụng trong quản lý hành chính như: chỉ đạo hành chính, hợp đồng hành chính, hòa giải hành chính...

Ngoài ra, còn phải đẩy mạnh chức năng của Quốc hội, của Chính hiệp. Đẩy mạnh chức năng của hiệp thương chính trị, thúc đẩy cải cách bộ máy tư pháp và thúc đẩy dân chủ từ cơ sở. Dân chủ và chính trị không được chia tách.

(Theo Nguyễn Lệ Chi // Thanhnien Online)