Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giới thiệu Vương quốc Anh : Phát triển quốc tế

28. PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ

Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) là một Bộ thuộc Chính phủ Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề phát triển quốc tế. Mục tiêu của DFID là giảm nghèo ở các nước nghèo, cụ thể là thông qua việc đạt được Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Khi chúng tôi nói về phát triển quốc tế thì có nghĩa là chúng tôi đang đề cập đến những nỗ lực của cả các nước phát triển và đang phát triển nhằm giải phóng người dân khỏi nghèo đói và giảm sự phụ thuộc của các nước nghèo vào viện trợ nước ngoài. Nhiều thứ có thể đóng góp cho sự phát triển để tiến tới giảm nghèo, như giải quyết xung đột, tăng cường thương mại, đảm bảo viện trợ nhiều hơn và có hiệu quả hơn, và cải thiện y tế và giáo dục.

DFID hoạt động theo quy định của Đạo luật Phát triển Quốc tế có hiệu lực từ năm 2002. Đạo luật này cũng xác lập cơ sở pháp lý cho sự trợ giúp phát triển của Vương quốc Anh. Quốc vụ khanh (Bộ trưởng) phụ trách Phát triển Quốc tế có thể quyết định vấn đề trợ giúp phát triển liên quan đến vấn đề phúc lợi và phát triển bền vững, miễn là phải đảm bảo rằng sự trợ giúp này sẽ góp phần giảm nghèo.

DFID có quan hệ đối tác với các nước phát triển và đang phát triển, và với các tổ chức quốc tế cam kết giảm nghèo trên phạm vi toàn cầu.

Chúng tôi đang làm gì để giảm nghèo?

Viện trợ đem lại hiệu quả. Mỗi năm, viện trợ của DFID giúp 3 triệu người vĩnh viễn thoát nghèo. Kể từ năm 1997, DFID đã giúp:

    * Ethiopia có thêm 6 triệu trẻ em được đi học tiểu học; và, Mozambique có hơn 1 triệu trẻ em được đi học;
    * Uganda bỏ phí khám chữa bệnh thông qua hỗ trợ ngân sách. Tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi tăng từ 41% lên 83%;
    * Nepal giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ thông qua hỗ trợ các chương trình an toàn cho bà mẹ với khoảng 3,5 triệu phụ nữ được trợ giúp;
    * Tanzania bỏ học phí tiểu học; hiện nay, cứ 10 trẻ em thì có 9 em được đi học (năm 1999, trong số 10 em thì chưa đến 6 em được đi học).

Năm 2006, Vương quốc Anh đã dành 6.770 triệu Bảng cho trợ giúp phát triển chính thức (ODA), đưa Vương quốc Anh trở thành nước cấp viện lớn thứ hai trong số các nước thuộc OECD-DAC. ODA của Vương quốc Anh tăng từ 0,26% tổng thu nhập quốc dân năm 1997 lên 0,51% năm 2006, đưa Vương quốc Anh đứng hàng thứ 7 trong số 22 nước cấp viện thuộc DAC.

Hơn một nửa số tiền viện trợ của Vương quốc Anh dành trực tiếp cho các nước đang phát triển. Việc cấp viện kiểu này được gọi là viện trợ song phương. Phần viện trợ còn lại – gọi là viện trợ đa phương – được phân bổ qua các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Liên hợp quốc.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về hoạt động của chúng tôi trong việc xóa nghèo trên trang thông tin Bộ Phát triển Quốc tế.

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) là trọng tâm trong hoạt động của DFID, vì những mục tiêu này có vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo và khuyến khích sự phát triển của các nước nghèo nhất trên thế giới. Tám mục tiêu đó là:

    * Xóa cực nghèo và đói 
    * Đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho tất cả trẻ em 
    * Thúc đẩy quyền bình đẳng cho phụ nữ 
    * Giảm tử vong ở trẻ em 
    * Cải thiện chăm sóc y tế cho bà mẹ và phụ nữ mang thai 
    * Ngăn chặn việc lây lan các căn bệnh gây chết người, như AIDS và sốt rét 
    * Bảo vệ môi trường thế giới 
    * Cung cấp viện trợ nhiều hơn và hiệu quả hơn, đảm bảo thương mại công bằng hơn và xóa nợ

Vương quốc Anh đã ký cam kết thực hiện tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2000. Từ đó đến nay, khoảng 190 quốc gia đã ký cam kết thực hiện các mục tiêu này với quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về nỗ lực của Vương quốc Anh tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu này trên trang thông tin của DFID.

Nếu bạn quan tâm tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, bạn có thể truy cập vào trang thông tin Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc .

Một vài ví dụ về hoạt động của chúng tôi

Các dự án của DFID tạo ra một sự chuyển biến khác biệt trên toàn thế giới. Một vài hoạt động trong số đó hiện nay là:

- Giúp người dân ở Lesotho canh tác trên những khu vườn thâm canh để thích ứng với sự biến đổi của khí hậu
- Cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh ở Ethiopia
- Nâng cao nhà trên mực nước lụt ở Bangladesh

Bạn có thể xem thêm ví dụ về những dự án khác trong trang mục Nghiên cứu Trường hợp trên trang thông tin của DFID.

Quan hệ đối tác


DFID có quan hệ đối tác với một số tổ chức cam kết đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Bạn có thể tìm thấy thông tin về những chương trình tài trợ này trên trang thông tin của DFID.


29. CÁC ĐỐI TÁC TOÀN CẦU

Vương quốc Anh hợp tác với một số thể chế quan trọng toàn cầu nhằm nâng cao sự quan tâm về các vấn đề môi trường – đặc biệt là sự biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Liên minh châu Âu (EU)

Vương quốc Anh phối hợp với EU nhằm đạt được một số mục tiêu về môi trường toàn cầu. Bạn có thể tìm hiểu thêm về sự hợp tác này của chúng tôi với EU trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao. Các chính sách cốt lõi về môi trường của EU cũng được giới thiệu trong báo cáo Môi trường năm 2010: Tương lai của Chúng ta, Sự lựa chọn của Chúng ta.

Chương trình Hành động thứ sáu về môi trường của châu Âu  tập trung vào:

    * Biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu
    * Môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã 
    * Môi trường và các vấn đề sức khỏe
    * Tài nguyên và xử lý chất thải.

Liên hợp quốc

Vương quốc Anh cũng là một thành viên chủ chốt của Liên hợp quốc (UN) hoạt động về vấn đề biến đổi khí hậu.

Cùng với một số nước khác, Vương quốc Anh đã ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) – một điều ước khuyến khích các nước duy trì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở thời điểm năm 1992.

Năm 1997, Vương quốc Anh cũng đã ký một văn kiện ra đời trước UNFCCC, Nghị định thư Kyoto. Nghị định này đặt ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm giảm tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm cả khí các-bon.

Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8)

Vương quốc Anh – cùng với Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Nga và Mỹ - là một thành viên của G8. Nhóm này tập trung giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu, bao gồm cả vấn đề môi trường.

Năm 2005 – năm Vương quốc Anh đảm nhiệm chức Chủ tịch G8 – nhiều hiệp định quan trọng về biến đổi khí hậu đã đạt được tại hội nghị thường niên này.

(Nguồn: Đại Sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

  • Giới thiệu Vương quốc Anh
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Đến thăm vương quốc Anh và lập kế hoạch cho chuyến đi của bạn
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Vấn đề việc làm và chăm sóc sức khỏe ở Vương quốc Anh
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Hệ thống thuế và tài chính cá nhân
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Sinh viên và vấn đề học tập tại Vương quốc Anh
  • Giới thiệu Vương quốc Anh: Văn hóa
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Lịch sử và di sản
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Các vấn đề nghệ thuật
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Con người và chế độ chính trị
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Khoa học - Công nghệ và hợp tác
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Phát triển quốc tế
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Phát triển bền vững
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Vương quốc Anh với các vấn đề môi trường
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Biến đổi khí hậu và Vương quốc Anh
  • Giới thiệu Vương quốc Anh : Hợp tác với ngành công nghiệp