
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Hơn 1,1 triệu lao động sẽ thất nghiệp trong năm 2009 thay vì chỉ dừng ở 300 nghìn như con số ước tính ban đầu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dự báo về một tương lai "ảm đạm" của thị trường lao động Việt Nam năm 2009.
Không xuất được 1 triệu USD hàng thì 1.000 lao động mất việc
Thưa ông, theo dự báo thì tình hình kinh tế năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn do sản xuất đình đốn, xuất khẩu sụt giảm... Liệu rằng sẽ có một số lượng lớn người lao động mất việc?
- Năm 2008 đã là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam.
Hồi đầu năm thì lạm phát cao, bội chi ngân sách lớn, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, cuối năm lại phải chịu thêm một cú "sốc" rất nặng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sâu rộng nhất trong vòng 70 năm qua.
Hai cú sốc này đã đặt chúng ta vào một tình hình vô cùng khó khăn, và dự báo tình hình năm 2009 còn khó khăn hơn nữa.
Khả năng các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phải đóng cửa, tạm thời ngừng hoạt động là hoàn toàn xảy ra.
Hiện, tỷ lệ các hợp đồng xuất khẩu mà các DN Việt Nam có thể ký được đang giảm đi nhanh chóng. Cũng lưu ý rằng, xuất khẩu Việt Nam chiếm tới 68% GDP và thu hút một lượng lao động lớn. Điều đó làm cho các khu vực DN từ trước đến nay sống bằng xuất khẩu bị tác động rất nặng nề.
Ví dụ, cứ xuất khẩu 1 triệu USD hàng dệt may thì tạo được 1.000 công ăn việc làm. Nếu bây giờ xuất khẩu của nhiều mặt hàng khác lên tới hàng trăm triệu USD bị đình trệ thì tính ra số bị mất công ăn việc làm đó là bao nhiêu?
Đó là chưa kể đến còn khoảng 2.000 làng nghề bị tác động ảnh hưởng nặng nề, rồi các DN làm dịch vụ khác như du lịch, đóng tàu, vận tải viễn dương... đều bị tác động theo.
Điều mà bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy được ngay đó là ngay trong những ngày vừa qua đã có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp cắt giảm lao động, dừng sản xuất.
Tôi tin rằng, từ nay đến hết quý I/2009, số người tạm thời mất công ăn việc làm sẽ tăng lên một cách nhanh chóng.
Với tình trạng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp như vậy, sẽ có tác động tiêu cực như thế nào đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đặt ra trong năm 2009?
- Điều này sẽ gây ra một tác động rất tiêu cực đến sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, thêm vào đó sẽ gây ra một số vấn đề tiêu cực lớn về an sinh xã hội.
Đặc biệt, nếu để xảy ra tình trạng người không có công ăn việc làm tập trung cao ở những khu công nghiệp, khu tập trung vốn đầu tư nước ngoài thì có thể dẫn đến những tác động xấu của xã hội như mất trật tự, trộm cắp...
Mặc dù Chính phủ cũng đã có những nỗ lực trong giải quyết vấn nạn này song những nỗ lực để trợ giúp cho những người mất công ăn việc làm đến bây giờ tôi chưa thấy có hiệu quả thực tế và chưa đến được những người cần sự giúp đỡ đó. Trong khi đó, Chính phủ có tuyên bố bảo hiểm thất nghiệp nhưng mãi đến 1/1/2010 mới được thực hiện.
Số người sẽ thất nghiệp không chỉ dừng ở 300 nghìn
- Như vậy dự báo về một tình hình vô cùng khó khăn cho thị trường lao động 2009 sẽ xảy ra, thưa ông?
- Rất khó khăn! Và cũng phải chú ý là bên cạnh những người đang có việc làm và có khả năng mất chính công việc đó vào năm sau thì chúng ta còn phải tính đến con số khoảng 1,1 triệu lao động mới sẽ tham gia vào thị trường lao động trong năm 2009. Những người lao động đó cũng cần phải có việc làm.
Theo dự báo của Bộ động Thương binh và Xã hội, năm 2009 con số thất nghiệp khoảng 0,65%, tương đương với khoảng 300 nghìn người. Song theo tôi, con số đó thấp hơn nhiều so với thực tế.
Đó là chưa kể, chúng ta cũng phải tính đến cả những lao động trong làng nghề rải rác ở nông thôn. Thậm chí đến giờ, các Sở Lao động thương binh xã hội cũng chưa báo cáo về và cũng chưa có một hệ thống báo cáo đăng ký những người thất nghiệp nên bức tranh thực của nó chưa hoàn toàn cụ thể và chính xác.
- Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn lạc quan và kỳ vọng với gói kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ sẽ là "phao cứu sinh" để giúp cho họ có công ăn việc làm trong thời điểm khó khăn này?
- Đến bây giờ, tôi chưa thấy Chính phủ công bố các biện pháp cụ thể hoá để đảm bảo an sinh xã hội, mới chỉ thấy nói là hỗ trợ lương thực, chi phí sửa chữa nhà ở, phòng chống dịch bệnh, xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Tôi thấy vấn đề hiện tại không hoàn toàn là phải là xây dựng nhà ở cho người nghèo mà cấp thiết là phải "cứu" để cho người lao động vượt qua khó khăn, có việc làm để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tôi nghĩ rằng, cần phải bổ sung thêm một số biện pháp nữa như trợ cấp 1 lần cho những người thất nghiệp, duy trì an sinh cho những người tạm thời mất việc...
Điều quan trọng nhất lúc này là nắm được chính xác về tình hình lao động trong cả nước. Song, e rằng con số chính xác về vấn đề này đến nay vẫn chưa có.
- Các DNVVN sẽ là đối tượng chịu sức ép nhiều nhất của "cơn bão suy thoái" diễn ra ngày một mạnh. Vậy có cách nào đó để giúp khu vực DN này vượt qua khó khăn không, thưa ông?
- Tôi cho rằng các DN vẫn phải tự cứu mình là chính. Khi "chống chọi" với bão tự khắc cơ thể sẽ phải sản sinh ra sức đề kháng. Hơn nữa, đây cũng là lúc DN phải cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, cấu trúc lại mặt hàng... làm thế nào để giảm tối đa chi phí kinh doanh.
Đồng thời, để hài hoà lợi ích của DN và người lao động thì đây là lúc mọi người phải cùng nhau chia sẻ khó khăn. Người sử dụng lao động cũng phải giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ gánh nặng cho người lao động; ngược lại người lao động cũng phải có sự thông cảm, hy sinh chấp nhận giảm thu nhập để cùng DN chung tay tiếp tục duy trì sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo vtc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com