Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kích cầu đầu tư, tiêu dùng và kiềm chế lạm phát: Mục tiêu “2 trong 1”

Như vậy chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý II-2009 liên tục tăng, dẫn đến chỉ số giá bình quân 6 tháng đầu năm tăng 10,27% so với thời kỳ tương ứng của năm 2008. Câu hỏi được quan tâm hiện nay là giá cả thời gian tới sẽ diễn biến thế nào? Tái lạm phát liệu có xảy ra hay không? Có thể có những nhận định, đánh giá khác nhau, song kích cầu đầu tư, tiêu dùng và kiềm chế lạm phát là mục tiêu "2 trong 1" phải đạt được trong năm nay.

 

Giá 10 nhóm hàng chính tăng trong tháng 7

 Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2009 của 10 nhóm mặt hàng chính trên thị trường vẫn được kiểm soát ở mức tăng 0,94% so với tháng trước đó, tuy nhiên so với mức tăng CPI các tháng đầu năm đến nay thì CPI tháng 7 đã có mức độ tăng mạnh nhất. Ở tất cả 10 nhóm mặt hàng chính đã tăng từ 0,08-1,59%, trong số đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm lương thực, thực phẩm) tăng cao nhất: 1,59%, riêng thực phẩm tăng 2,29%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,73%. Đặc biệt, trong tháng 7, do ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1, đang có nguy cơ lan rộng, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, khu vực nông thôn đã vượt lên cả khu vực thành thị về mức độ tăng giá tiêu dùng. CPI khu vực này đã tăng mạnh với mức 0,97%, cao hơn cả mức chung cả nước, trong khi CPI khu vực thành thị chỉ ở mức 0,84%.

 Cần nói thêm, CPI tháng 6-2009 đã tăng 0,55%, cao hơn mức tăng 0,44% của tháng trước đó. Chỉ số giá bình quân 6 tháng đầu năm 2009 so với thời kỳ tương ứng của năm 2008 cũng đã tăng 10,27%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục trong quý II-2009, với tháng sau cao hơn tháng trước. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại. Câu hỏi được quan tâm hiện nay là thị trường và giá cả trong thời gian tới sẽ diễn biến thế nào? Tái lạm phát năm nay liệu có xảy ra không?

 Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau khi nhận định về giá cả và lạm phát. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, vấn đề của năm 2009 không phải là lạm phát mà là kích thích kinh tế để chống suy giảm tăng trưởng. CPI nửa đầu năm chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008 là cơ sở thực tế vững chắc cho nhận định này. Những con số chỉ mức độ tăng giá nửa đầu năm 2009 đã thấp hơn rất nhiều so với 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy một căn cứ quan trọng để tin CPI cả năm 2009 sẽ đứng ở 1 con số. Ngược lại, nhóm ý kiến thứ hai khẳng định, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, có thể vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2010 là rất đáng lo ngại. Luận cứ cho dự báo này là "vòng xoáy" tăng giá những nguyên, nhiên liệu cơ bản như xăng dầu, điện, nước, sắt thép… và đáng quan tâm hơn là hệ quả trực tiếp của nới lỏng chính sách tiền tệ - tín dụng liên quan tới gói kích cầu khổng lồ trị giá 8-9 tỷ USD, là thâm hụt ngân sách tăng vọt lên 7-8% GDP. Sự trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng là dấu hiệu được các chuyên gia lưu tâm. Trong khi thị trường chứng khoán thế giới nói chung là nguội lạnh thì chứng khoán Việt Nam lại sốt kéo dài khá lâu khiến giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng chóng mặt, từ mức 15% GDP cuối năm 2008, lên mức 32% GDP chỉ trong vài chục ngày, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử 9 năm hình thành và phát triển chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, giá cả trên thị trường bất động sản trong nước đang nóng lên cũng là một hiện tượng trái ngược với xu hướng bán đổ, bán tháo trên thị trường bất động sản Mỹ hoặc không khí trầm lắng chung bao phủ trên thế giới...

 Không quá lo ngại nhưng cần cảnh giác

 TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng: Qua quan sát diễn biến tốc độ tăng giá hằng tháng những năm gần đây, diễn biến thị trường giá cả năm 2008 vượt ra khỏi quy luật thông thường và kết quả là lạm phát cả năm tăng đột biến. Sang năm 2009, tính quy luật của diễn biến giá cả hằng tháng lại được phục hồi. Theo đó, giá cả có xu hướng tăng cao trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của tiêu dùng dịp Tết, sau đó giảm trong tháng 3 rồi tăng đều đặn đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ hơn từ  tháng 8 đến tháng 10 và lại tăng cao trong 2 tháng cuối năm do áp lực chi tiêu dùng và đầu tư. Nếu tính quy luật được củng cố trong những tháng còn lại của năm 2009 thì có thể dự báo CPI cả năm đứng ở mức giữa năm 2005 và 2006, nói cách khác, CPI năm 2009 khoảng 7% - đạt mục tiêu lạm phát cả năm vừa được Quốc hội điều chỉnh. Nhiều tổ chức cũng thống nhất với dự báo đến cuối năm 2009 mức lạm phát sẽ không vượt quá mức 10%: Ngân hàng Nhà nước dự báo 6-9%, Bộ KH-ĐT: 7-8%, Ngân hàng Thế giới 8%, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch: 7,3%.

 Tuy nhiên, mức lạm phát thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới cần hết sức lưu ý đến các yếu tố tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài chính bao gồm: việc thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) và kích cầu đầu tư và tiêu dùng (hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế...) góp phần đưa tín dụng tăng trở lại. Hiện nay chính sách tiền tệ, tài chính đang được nới lỏng hơn, vì vậy cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thận trọng theo sự biến động của thị trường trong nước và ngoài nước để chủ động ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại sau giai đoạn kích cầu. Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường cũng cần phải có lộ trình, tránh gây sốc và lo ngại cho người dân; tránh  tạo ra cơ hội cho đầu cơ, đẩy giá hàng lên cao. Nhà nước cần kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động thị trường để đầu cơ nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng như xăng dầu, thép xây dựng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm. Công tác ngăn chặn nạn buôn lậu qua biên giới cũng cần được làm quyết liệt hơn.

 Theo các chuyên gia, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát  năm 2009 khó hơn năm 2008, vì phải đồng thời bảo đảm mục tiêu kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, lại vừa phải kiềm chế lạm phát. Trong xu hướng gia tăng các tác động trễ và trái chiều của chính sách kích cầu trong nước và quốc tế, cũng như sự hồi phục của kinh tế thế giới, chắc chắn sẽ có sự gia tăng tiếp tục, tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng, khả năng tăng giá "sốc" như năm 2008 là rất khó xảy ra nhưng không thể không cảnh giác. 

(Theo Bình Thu // Hanoimoi Online)

  • Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện là 4,65%
  • TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp
  • Siết tín dụng 'đè' lạm phát
  • Standard Chartered: Lạm phát ở Việt Nam không phải là mối đe dọa lớn
  • Khủng hoảng tài chính và ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á
  • Kích cầu đầu tư, tiêu dùng và kiềm chế lạm phát: Mục tiêu “2 trong 1”
  • Năm 2009 lạm phát không thể vượt 10%.
  • Năm 2009: Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người thất nghiệp
  • PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Nên giữ lạm phát ở mức 5% - 8%/năm
  • Nước Mỹ và hai mối lo trái dấu
  • Lạm phát khu vực euro thấp nhất 17 năm qua
  • ILO công bố những dự báo mới về thất nghiệp toàn cầu và ở Việt Nam
  • Khó tránh việc “hút” nhân lực của nhau
  • Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng 2,4% trong tháng 4/2009
  • Thận trọng với “tín hiệu” phục hồi: Vai trò chính phủ