Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Nên giữ lạm phát ở mức 5% - 8%/năm

Với chiều hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng dần trong vài tháng gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo nguy cơ tái lạm phát cao đã hiện hữu. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, lại có góc nhìn khác.

PV: Thưa PGS-TS, CPI ngày càng tăng có phải là dấu hiệu lạm phát đang trở lại?

* PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Hoàn toàn không phải vậy! Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 452,3 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2008, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2009 tăng 8,4%. CPI tháng 5-2009 tăng 0,44% so với tháng 4-2009, trong đó nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng cao nhất với 1,8% do giá xăng dầu và giá cước bưu chính tăng. CPI tháng 5-2009 tăng 5,58% so với cùng kỳ năm 2008 và tăng 2,12% so với tháng 12-2008. Những chỉ số CPI trên là hợp lý và đều nằm trong giới hạn an toàn trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay.


* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng CPI tăng như vậy cùng với tình trạng nhập siêu có thể là con đường đưa lạm phát tái diễn?


* Trong thời kỳ nới lỏng chính sách tài chính-tiền tệ để kích thích nền kinh tế phát triển thì CPI tăng nhẹ là điều đáng mừng vì nó cho thấy hàng hóa đã bán được, tổng cầu đã tăng trở lại. Tuy nhập siêu hàng hóa tháng 5 khoảng 1,5 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2009 nhập siêu 1,1 tỷ USD nhưng một số mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với tháng 4-2009 như dầu thô tăng 48 triệu USD, hàng dệt may tăng 37 triệu USD, thủy sản tăng 10 triệu USD, điện tử máy tính và linh kiện tăng 5 triệu USD.
 

Bên cạnh đó, so với con số nhập siêu thì tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA lại cao hơn, vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2009 đạt 2,8 tỷ USD còn vốn ODA cũng giải ngân được 720 triệu USD. Đó là dấu hiệu rõ nét cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi. Vì vậy, đừng sợ lạm phát, vấn đề là phải kiểm soát lạm phát ở mức chấp nhận được.


* Vậy theo PGS-TS thì mức lạm phát bao nhiêu là hợp lý và cần triển khai những giải pháp nào giảm nguy cơ lạm phát cao trở lại?


* Nên giữ lạm phát cả năm ở mức từ 5%-8% để tiếp tục kích thích kinh tế. Lạm phát cao trước hết là do chi tiêu ngân sách không hiệu quả nên điều đầu tiên là phải làm sao đảm bảo các khoản chi từ ngân sách phải đúng địa chỉ, kiểm tra chặt chẽ các gói kích cầu, tránh đầu tư tràn lan; tập trung bơm vốn giải quyết dứt điểm các dự án ngắn hạn, trọng điểm, các công trình đang dở dang.
 

Các ngân hàng cũng phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, cần kiểm soát dư nợ tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu, dư nợ tín dụng tăng là điều tốt nhưng phải tránh dư nợ cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh. Tiếp nữa, thị trường chứng khoán và bất động sản rất cần có định hướng và chính sách hỗ trợ để thị trường phát triển lành mạnh, tránh xảy ra tình trạng bong bóng như năm 2006-2007.
 

Một vấn đề đang nóng cần lưu ý hiện nay là chính sách tỷ giá. Lúc này nhiều nước đang giảm phát, CPI âm và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc nên chính sách tỷ giá phải được điều hành phù hợp tín hiệu thị trường, không nên có những điều chỉnh đột biến mà cố gắng giữ ổn định, tích cực kiểm soát ngoại hối tránh đầu cơ găm giữ ngoại tệ.
 

Bên cạnh đó, để kiểm soát tốt giá cả hàng hóa thì các tổng công ty cần chủ động được nguồn hàng, các ban ngành phải tích cực phòng chống thiên tai và phòng ngừa tình hình dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm bởi những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến mặt hàng lương thực, thực phẩm (hai mặt hàng chiếm tới 42,8% trọng số CPI của nước ta). Với lực lượng doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần ưu đãi thuế, duy trì mức lãi suất thấp để giúp giảm chi phí, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh như thủ tục hành chính...


* Cảm ơn PGS-TS.

(Theo SGGP)

  • Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện là 4,65%
  • TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp
  • Siết tín dụng 'đè' lạm phát
  • Standard Chartered: Lạm phát ở Việt Nam không phải là mối đe dọa lớn
  • Khủng hoảng tài chính và ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á
  • Kích cầu đầu tư, tiêu dùng và kiềm chế lạm phát: Mục tiêu “2 trong 1”
  • Năm 2009 lạm phát không thể vượt 10%.
  • Năm 2009: Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người thất nghiệp
  • PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Nên giữ lạm phát ở mức 5% - 8%/năm
  • Nước Mỹ và hai mối lo trái dấu
  • Lạm phát khu vực euro thấp nhất 17 năm qua
  • ILO công bố những dự báo mới về thất nghiệp toàn cầu và ở Việt Nam
  • Khó tránh việc “hút” nhân lực của nhau
  • Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng 2,4% trong tháng 4/2009
  • Thận trọng với “tín hiệu” phục hồi: Vai trò chính phủ