Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề


Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề


Trên thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu (CP) xuất phát từ nhưng mẹo do bạn bè mách bảo, các cú điện thoại của nhà môi giới hay nhưng đề xuất của một nhà phân tích nào đó. Họ thường mua CP khi thị trường đang trong giai doạn nóng bỏng, đến lúc thị trường trở lạnh, họ rất dễ hoảng loạn, bán tháo số CP nắm giữ để rồi hứng chịu một khoản thua lỗ. Đó là câu chuyện rất điển hình về những nhà đầu tư mới vào nghề.

Đầu tư chứng khoán về cơ bản là một quá trình bao gồm 4 bước như sau:

Bước 1: Chọn lựa CP

Bước đầu tiên trong việc chọn lựa một CP là bắt đầu theo dõi diễn biến các CP. Đặt một CP vào danh sách theo dõi (Watch list) sẽ làm tăng sự chú ý của bạn đối với CP đó. Thật hiếm khi bạn tìm được một CP nào đó rồi mua ngay tức thì. Một danh sách quan sát là mấu chốt để lựa chọn CP thành công.

Nếu bạn theo trường phái phân tích kỹ thuật, thì khi đó diễn biến giá CP là lý do chính của việc lựa chọn một CP đó để theo dõi.

Còn nếu bạn theo trường phái phân tích cơ bản, thì tin tức về thu nhập hay bất kỳ một tin tức nào khác về công ty lại là lý do chính để bạn quan tâm đến CP này. Một khi CP đã nằm trong danh sách theo dõi, bạn có thể so sánh diễn tiến giá cả của CP đó với diễn tiến giá cả của các CP khác. Bạn cũng có thể tìm thấy các thông tin khác liên quan đến CP đó nhằm giúp bạn có cơ sở để ra quyết định.

Nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật có thể quan tâm đến việc tìm kiếm các thông tin có tính kỹ thuật về CP. Liệu CP có diễn biến giá cả giống như trong quá khứ không? Xu hướng giá CP trong 13 tuần, 26 tuần hay 52 tuần gần đây nhất là đi lên hay đi xuống? So với lúc bắt đầu được đưa vào danh sách, CP đó tăng hay giảm bao nhiêu phần trăm?

Nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản sẽ tìm kiếm tin tức, các bản bảo cáo thu nhập, báo cáo ngành hay báo cáo của nhà phân tích nhằm tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, khi chọn lựa CP để theo dõi, cách tốt nhất là các nhà đầu tư nên kết hợp các thông tin về phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật để xem liệu CP đó có đáng được theo dõi hay không.

May mắn lắm bạn cũng chỉ chọn được 2 đến 3 CP tốt trong số 10 lần chọn. Bởi vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy các CP giảm giá sẽ chiếm đa số trong danh sách theo dõi. Cần lưu ý rằng, chỉ nên đưa những CP tốt nhất trong danh sách theo dõi vào danh mục đầu tư của bạn.

Bước 2: Chấp nhận vị thế


Chấp nhận vị thế là công việc khá đơn giản, bạn chỉ cần liên hệ với nhà môi giới và thực hiện giao dịch. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một số điều. Trước tiên là loại giao dịch mà bạn thực hiện: đoản hay trường (short or long). Mặc dù xu hướng chung của giá CP là di lên nhưng bất kỳ ai dã từng mắc phải một vị thế thua lỗ đều có thể hiểu rằng, trong ngắn hạn CP có nhiều khả năng đi xuống hơn là đi lên. Nhìn chung, bạn nên tránh nhưng vị thế đoản (vị thế bán non). Chúng ngốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng cơ hội dành cho vị thế đoản lại rất hiếm hoi. Nếu bạn thực hiện vị thế đoản, bạn cần phải giám sát vị thế đó cẩn thận gấp đôi so với vị thế trường.

Kế đến là việc chọn lựa nhà môi giới. Nếu bạn là một nhà đầu tư tư nhân bạn có lẽ chỉ cần đến một nhà môi giới phần dịch vụ (discount broker). Đây là nhà môi giới cung cấp dịch vụ cơ bản nhất cho bạn, tức là chỉ thực hiện lệnh giúp bạn và ăn hoa hồng.

Bước 3: Giám sát vị thế

Giám sát các vị thế đã thực hiện là phần quan trọng nhất của quá trình đầu tư. Tất cả những thông tin và sự điều tra nghiên cứu đưa bạn đến chỗ ra quyết định giao dịch. Giám sát vị thế là lúc bạn theo dõi và đánh giá quyết dịnh đầu tư của mình. Khi vị thế đó nằm ở vị trí bấp bênh giữa lỗ và lãi, bạn cần phải hết sức chú ý đến những vị thế này. Khi CP mà bạn chọn tăng giá đều đều và bạn có cơ sở để tin rằng, đó là CP tốt thì bạn nên tính đến chuyện mua thêm CP này. Nếu CP mà bạn chọn giảm giá liên tục bạn cũng nên cân nhắc bán đi CP đó nhằm hạn chế thua lỗ.

Bước 4: Kết thúc vị thế

Nhà đầu tư thường bán CP khi giá CP đạt đến mức giá mục tiêu (target price) hay CP không diễn biến theo như mong đợi của anh ta. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư không biết bán khi nào và bán như thế nào để kết thúc một vị thế và mang lại kết quả tốt nhất. Thông thường, bạn nên bán CP khi những nhân tố cơ bản cho thấy sự sa sút đáng kể, chắng hạn như, thu nhập và lợi nhuận công ty giảm sút trong nhiều năm liền, thị phần thu hẹp dần do cạnh tranh gay gắt hay nội bộ ban giám đốc luôn lục đục...

Nên quan tâm đến gì trước khi đầu tư?

“Tôi đã đầu tư vào hàng nghìn công ty khác nhau trên thị trường chứng khoán. Thành công không bao giờ đến từ những điều thần kỳ hay sự nỗ lực ít ỏi. Luôn có một công thức hướng tới lợi nhuận. Điều quan trọng là bạn cần biết nhìn vào đâu trước mỗi quyết định đầu tư”. Đó là nhận định của Doug Richard, một trong những nhà đầu tư chứng khoán hàng đầu trên thế giới.

Năm 2004, Doug Richard đã được tạp chí BBC bầu chọn là nhà đầu tư có cái nhìn sắc sảo nhất trong giới đầu tư chứng khoán Anh. Những khoản đầu tư cổ phiếu trái phiếu của Doug luôn có tỷ lệ sinh lời trên 20%. Mặc dù lựa chọn phương thức đầu tư mạo hiểm nhưng dường như chưa bao giờ Doug phải đương đầu với thua lỗ. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Đâu là “người bảo vệ” cho những khoản đầu tư mạo hiểm của Doug Richard?

Sự thật rất đơn giản! Doug Richard dành khá nhiều thời gian phân tích kỹ lưỡng trong giai đoạn tiền đầu tư. Với Doug, luôn có 5 nhân tố then chốt cần phải quan tâm trước khi đầu tư tiền bạc vào một loại cổ phiếu nào đó:

1. Đảm bảo an toàn vốn

Để kế hoạch đầu tư không đương đầu với rủi ro lớn, điều đầu tiên mà các nhà đầu tư cần quan tâm là đảm bảo đồng vốn của mình được an toàn, không bị giảm sút. Các nhà đầu tư nên xây dựng danh mục đầu tư đa đạng. Ðầu tư đôi khi cũng có nhầm lẫn, sự nhầm lẫn này có thể làm các nhà đầu tư phá sản. Vì vậy khi đầu tư chứng khoán nên tránh tập trung vào một loại chứng khoán mà cần chia ra nhiều loại chứng khoán khác nhau, tức là phân tán rủi ro. Mọi người biết rằng những công ty lớn nhất trên thị trường cũng có thể phá sản, vì vậy một danh mục đầu tư càng đa dạng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, những “cổ phiếu thắng cuộc” sẽ bù đắp cho những “cổ phiếu thua cuộc”. Nếu số tiền ít thì nên mua chứng khoán của công ty mà chúng ta đang làm việc, gia nhập các hội đầu tư hoặc là mua cổ phiếu của các Quỹ hỗ tương.

Không chỉ có vậy, giá cổ phiếu tăng liên tục trong một thời gian nhất định sẽ mang lại cho các nhà đầu tư những khoản lời lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính sự tăng giá này đã đẩy giá các loại cổ phiếu lên mức giá quá cao. Vậy nên mua vào hay bán ra cổ phiếu nào vào thời điểm này? “Không nên tham quá khi cố găm giữ cổ phiếu để chờ nó tăng giá cao hơn nữa. Cái quan trọng là phải biết khi nào nó chuẩn bị mất giá để kịp thời bán ra, chứ để khi giá đã xuống thấp thì cho dù có muốn bán cũng chẳng có ai mua”, Doug cho biết.

2. Sự đổi mới và cách tân

Sự đổi mới không chỉ đơn thuần là những phát minh sáng chế. Nó có thể là những cách thức mới để tiến hành các hoạt động kinh doanh cũ. Một công ty nhiệt huyết với sự đổi mới thì cổ phiếu của những công ty đó sẽ hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Trong khi, một công ty quá bảo thủ với những phương thức truyền thống thì cổ phiếu của công ty đó cũng trở nên trì trệ và kém năng động.

Điều quan trọng để chiến lược đầu tư được thành công là việc nắm bắt rõ tính năng động của cổ phiếu. Do đó, các nhà đầu tư nên tìm hiểu xem công ty mà mình dự định đầu tư có thực sự hướng đến những phương pháp kinh doanh mới khi gặp khó khăn hay không.

3. Tình hình nhân sự

“Hoạt động kinh doanh đều do con người thực hiện. Do vậy, việc nắm bắt tình hình nhân sự của công ty mà bạn dự định đầu tư là rất cần thiết”, Doug nói. Theo ông, việc tìm hiểu tình hình nhân sự không phải là công việc quá khó khăn. Không ai có tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm và danh tiếng để điều hành các hoạt động kinh doanh, điều quan trọng chính là ở chỗ họ có nhiệt huyết với công việc hay không. 

“Khi tôi nhìn vào tình hình nhân sự, tôi muốn thấy sự nỗ lực công việc của các nhân viên trong công ty mà tôi dự định đầu tư”, Dough nói, “Một công ty có tình hình nhân sự không ổn định, thường xuyên thay đổi nhân viên không phải là một công ty tốt để đầu tư”. 

Hơn thế nữa, với Doug, tình hình nhân sự cũng là yếu tố quyết định để bán cổ phiếu. Nếu những nhà quản lý hàng đầu của công ty (những người chịu trách nhiệm về sự thành công của công ty) bắt đầu rời bỏ công ty thì có thể xem đó là dấu hiệu bất lợi cho tương lai của công ty. Khi đó cần phải theo dõi và phát hiện xem tại sao lại có những thay đổi như vậy. Đặc biệt, khi phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy công ty đang trở nên suy yếu trong lĩnh vực kinh doanh chính thì tốt nhất nên bán cổ phiếu của công ty đó đi và thay vào đó là tìm mua cổ phiếu của công ty khác trong cùng lĩnh vực đó nhưng mạnh hơn và có Ban quản trị ổn định hơn.

4. Bản cáo bạch

Bản cáo bạch luôn được xem như một tài liệu then chốt. Đối các nhà đầu tư, Bản báo bạch là phương tiện giúp họ đánh giá mức độ sinh lời và triển vọng của công ty trước khi quyết định có đầu tư vào công ty hay không. Một quyết định thiếu thông tin có thể làm các nhà đầu tư phải trả giá đắt.

Bởi vậy, các nhà đầu tư nên đọc Bản cáo bạch một cách kỹ lưỡng và tìm hiểu rõ những may rủi thực sự của công ty trước khi ra quyết định đầu tư. Nên đánh giá cẩn thận những yếu tố cơ bản của công ty dự định đầu tư thông qua việc nghiên cứu các thông tin trong Bản cáo bạch. Mặc dù những đợt chào bán lần đầu ra công chúng dường như là cơ hội đầu tư tốt vì chúng thường mang lại lợi nhuận ban đầu cao, tức là tiền chênh lệch, do cổ phiếu tăng giá; nhưng rủi ro vẫn tồn tại và không có gì bảo đảm là sẽ thu được tiền chênh lệch hoặc tiền chênh lệch sẽ được như mức mà bạn trông đợi.

 “Tôi luôn bắt đầu phân tích một công ty phát hành bằng Bản cáo bạch của công ty. Trong quá trình thực hiện, tôi tự đặt ra cho mình một số mục đích quan trọng như tìm hiểu xem việc kinh doanh của công ty có tiến triển hay không, lợi nhuận trung bình như thế nào, nợ nần ra sao,... Doanh thu tăng có nghĩa là lợi nhuận cũng tăng và dẫn tới giá cổ phiếu tăng. Nhưng các con số chưa phải là nói lên tất cả. Do vậy, sẽ rất cần thiết khi nghiên cứu Bản cáo bạch một cách kỹ lưỡng để tìm ra những dấu hiệu tăng trưởng của công ty”, Doug nói.

Các nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu về các sản phẩm công ty kinh doanh, khách hàng của công ty, đặt ra câu hỏi liệu các sản phẩm này có tiếp tục bán được nữa không. Các thông tin chính về các vấn đề này nằm trong các phần khác nhau của Bản cáo bạch.

5. Kế hoạch kinh doanh

“Nếu công ty mà bạn dự định đầu tư không có những kế hoạch kinh doanh tốt thì triển vọng lợi nhuận của cổ phiếu gần như bằng không. Bạn đừng mắc phải sai lầm này, kinh doanh là một cuộc chiến. Để kiếm lời từ cổ phiếu bạn cần hiểu cổ phiếu đó đang làm những gì và có kế hoạch như thế nào”, Doug nói.

Tất cả các hoạt động kinh doanh đều có những kế hoạch và mục tiêu. Kế hoạch kinh doanh sẽ tạo ra những trọng điểm mà công ty cần tập trung vào. Các nhà đầu tư không thể bỏ qua việc nghiên cứu các kế hoạch kinh doanh nếu muốn có được những khoản đầu tư sinh lời.

Việc tìm hiểu kế hoạch kinh doanh của các công ty không quá dễ nhưng cũng không quá khó. Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu từ chính những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của công ty đó. Họ là những người am hiểu về cổ phiếu này hơn ai hết.

Tạp chí BBC đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với Doug Richard về công việc đầu tư chứng khoán của ông:
 
BBC: Giới đầu tư chứng khoán đồn rằng, khi bắt đầu, mới "chơi" cổ phiếu có hơn 5 tháng mà ông lãi cả triệu bảng Anh?

Doug Richard: Tôi không tranh cãi chuyện thiên hạ đồn đại về mình, bạn bè vẫn quen gọi tôi là "trùm cổ phiếu". Điều mà tôi cảm thấy yên tâm và hài lòng sau một thời gian tham gia đầu tư cổ phiếu là đã chọn đúng nhà môi giới. Tôi cho rằng, từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ nhân viên môi giới của Công ty môi giới Nicleway, nơi tôi đang mở tài khoản là đáng tin cậy.

BBC: Cơ sở nào tạo cho ông sự tin cậy này?

Doug Richard: Theo đánh giá của tôi, ở Nicleway khả năng của nhà môi giới là vượt trội. Điều này thể hiện qua cách trả lời chính xác, dễ hiểu, mức độ tinh thông nghiệp vụ, tính trung thực, tinh thần phục vụ và tính bảo mật khách hàng của đội ngũ nhân viên làm việc ở đây. Nhờ vậy, khả năng truyền thông giữa các nhân viên môi giới tại sàn của công ty chứng khoán và tại Sở Giao dịch chứng khoán thường rất nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, Nicleway còn có những dịch vụ hỗ trợ khác như có thể cho khách hàng thế chấp chứng khoán ở ngân hàng mẹ để vay tiền mua chứng khoán hoặc để làm việc khác...

BBC: Có phải ông gián tiếp cho rằng trong đầu tư chứng khoán thì điều đầu tiên cần quan tâm là việc chọn công ty chứng khoán?

Doug Richard: Điều này đã từng được các chuyên gia về chứng khoán khuyến cáo. Thực tế trong thời gian qua lời khuyên này là hoàn toàn chính xác. Có thể thấy, trong điều kiện đặt lệnh giao dịch qua nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán như hiện nay, khả năng xử lý lệnh nhanh nhạy của nhân viên môi giới là hết sức quan trọng, bởi vì nếu bạn đặt lệnh cùng với giá của người khác mà nhân viên môi giới lại nhập lệnh chậm hơn đối thủ cạnh tranh thì bạn đã mất quyền ưu tiên và khả năng lệnh của bạn được thực hiện rõ ràng nhỏ hơn người kia.

BBC: Việc chọn đúng nhà môi giới là một lợi thế nhưng để mua hoặc bán được cổ phiếu ở mức giá vừa ý lại do nhà đầu tư quyết định. Với kinh nghiệm của mình, ông có thể "bật mí" một vài bí quyết?

Doug Richard: Phương pháp mà tôi sử dụng để xây dựng "danh mục đầu tư” của mình là dựa vào những nhận định của bản thân. Nhận định này được tính theo mức lợi tức kỳ vọng cho mỗi giả định đầu tư của mình và so sánh chúng với nhau để tìm ra danh mục tối ưu về mặt số lượng và chủng loại chứng khoán (tức là danh mục có kỳ vọng cao nhất).

Tôi cho rằng, phương pháp tính lợi tức kỳ vọng này phụ thuộc chủ yếu vào đánh giá chủ quan của mỗi nhà đầu tư dựa trên các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Việc đánh giá xác suất và tỷ lệ lợi nhuận được chia tuy cùng dựa trên cơ sở thực tế là bản cáo bạch, báo cáo về việc phân chia cổ tức, thông tin đại chúng, thông tin không chính thức mà nhà kinh doanh thu thập được nhưng người nào có nhiều thông tin chính xác và có khả năng dự đoán tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội thành công. Điều này đòi hỏi người tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán phải luôn động não, cần khả năng tư duy, thậm chí đòi hỏi họ cả ý chí và bản lĩnh.
 
BBC: Nhà đầu tư có nên một lúc đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu?

Doug Richard: Có một nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh chứng khoán là đừng bao giờ "bỏ tất cả trứng vào một rổ". Tuy vậy, việc đầu tư dàn trải vào quá nhiều danh mục đầu tư cũng có thể không mang lại hiệu quả mong đợi. Người đầu tư vừa mất sức lực lại vừa không kiểm soát được đối tượng đầu tư của mình. Theo tôi, nhà đầu tư nên tìm hiểu nhiều loại chứng khoán nhưng chỉ nên đầu tư vào một số loại chứng khoán mà họ tin tưởng nhất.

BBC: Lời khuyên nào với các nhà đầu tư chứng khoán mới vào nghề?

Doug Richard: Trong mua bán chứng khoán, điều quan trọng là nhà đầu tư phải biết tự bảo vệ mình và đưa ra những phương pháp đầu tư phù hợp nhất với từng loại chứng khoán.. Một số biện pháp an toàn cơ bản mà các chuyên gia chứng khoán đã khuyến cáo có thể được tham khảo như hãy cảnh giác với những tin đồn, những người bán đang gây sức ép buộc mình phải hành động tức thời hoặc những sự bảo đảm hay lời hứa về lợi nhuận nhanh chóng; phải chắc chắn hiểu rõ về sự mạo hiểm, rủi ro phát sinh trong mua bán chứng khoán. Ngoài ra cũng cần hiểu bản chất của thị trường chứng khoán là luôn biến động, điều quan trọng mà các nhà đầu tư nên nhớ là thành công trước đây không phải là sự bảo đảm cho thành công trong tương lai đối với một phi vụ đầu tư.

BBC: Xin cảm ơn ông!
 
Được mệnh danh là một nhà đầu tư được coi là "có máu mặt" tại Anh, kinh nghiệm và những lời khuyên của Doug Richard chắc chắn sẽ rất hữu ích trong thời buổi thị trường có nhiều biến động như hiện nay, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới vào nghề. Để rồi, “chính sự cẩn trọng và nhanh chóng nắm bắt kinh nghiệm đầu tư chứng khoán sẽ đưa đến bí quyết thành công trên thị trường chứng khoán”, Doug Richard nhận định.
 

( Nguồn: APT Vietnam )

  • Những điều "cấm kỵ” khi tham gia thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (2): Những nhân vật không thể thiếu trên thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (3): Bí quyết lựa chọn chứng khoán cho danh mục đầu tư của bạn
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (4): Định hướng tài sản trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (5): Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (6): Giảm thiểu thua lỗ trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (7): Ba lỗi thường gặp khi đầu tư
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (8): Đầu tư thế nào là hợp lý?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (9): Nhà đầu tư nghiệp dư cần phải quan tâm điều gì?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (10): Kinh doanh chứng khoán trên mạng - được và mất
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (11): Đừng quên tiếp cận thông tin trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (12): Thị trường chứng khoán: Giá trị của thông tin