Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm chơi chứng khoán (8): Đầu tư thế nào là hợp lý?

Đầu tư thế nào là hợp lý?

Goerge Soros, một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại phố Wall, đã từng nói rằng “Không có lĩnh vực nào đem lại lợi nhuận nhanh và lớn bằng đầu tư chứng khoán”. Quả thật, Soros không hề sai khi trên thị trường chứng khoán đã có nhà đầu tư kiếm được cả chục triệu USD chỉ vòng một đêm với một kế hoạch đầu tư hợp lý.

Thị trường chứng khoán đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn với những khoản đầu tư không lồ. Không ít người xem việc đầu tư chứng khoán như tham gia vào một cuộc chơi ngẫu hứng với hy vọng việc mua chứng khoán sẽ kiếm được nhiều tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đầy hấp dẫn này dường như không có chỗ cho những quyết định theo cảm tính. Muốn thành công bạn phải có kỹ năng phán đoán, xem xét và phân tích vấn đề. Điều quan trọng hơn cả là phải hoạch định được một kế hoạch đầu tư thích hợp. Bạn phải tìm hiểu quá trình hoạt động của công ty cũng như ngành nghề kinh doanh liên quan đến loại cổ phiếu đó. Đồng thời cũng cần theo dõi và tìm hiểu trào lưu giá cả lên xuống trên thị trường, để quyết định lúc nào nên mua, lúc nào nên bán. Để cho vấn đề trở nên dễ hiểu, bạn có thể quan tâm tới một số vấn đề cơ bản dưới đây:
 
Bắt đầu sớm.
 
Với hoạt động đầu tư, bạn càng dành thời gian cho nó nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ càng thu được nhiều lợi nhuận bấy nhiêu. Sau đây là một ví dụ: Một người đầu tư 100 USD/tháng bắt đầu ở tuổi 25 trong vòng 15 năm và sau đó dừng thêm tiền vào cổ phiếu của mình. Một người khác cũng đầu tư 100 USD/tháng trong vòng 25 năm nhưng bắt đầu ở tuổi 40. Vậy ai sẽ về hưu với số lượng lợi nhuận nhiều hơn ở tuổi 65? Đương nhiên là người đầu tư sớm hơn.
 
Xác định rõ mục đích đầu tư.
 
Cũng như các lĩnh vực đầu tư khác, đầu tư chứng khoán luôn tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mức thu nhập với mức rủi ro. Thu nhập càng cao thì mức độ rủi ro tiềm ẩn càng lớn. Khi đầu tư vào cổ phiếu, bạn thường kỳ vọng vào hai loại thu nhập, đó là thu nhập từ cổ tức và từ mức tăng thị giá cổ phiếu. Thu nhập từ cổ tức thường không được đảm bảo vì còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty và quyết định của Hội đồng quản trị. Thu nhập từ mức tăng thị giá cổ phiếu là biểu hiện của mối quan hệ trực tiếp giữa triển vọng kinh doanh của công ty với nhu cầu mua cổ phiếu trên thị trường. Một khi công ty có những biểu hiện cho thấy triển vọng sẽ phát triển tốt thì các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu với hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Ngoài ra, đầu tư vào cổ phiếu chứa đựng nhiều loại rủi ro (bao gồm rủi ro về lãi suất, rủi ro về tính thanh khoản, rủi ro kinh doanh, rủi ro lạm phát...) trong khi thu nhập chỉ có hai hình thức như đã nói ở trên. Do vậy bạn cần phải xác định mục đích đầu tư một cách rõ ràng. Đây là một yếu tố quan trọng và là cơ sở để đánh giá kết quả đầu tư. 

Mục đích đầu tư còn phản ánh lối sống và mong muốn của bạn. Nếu bạn theo đuổi mục tiêu thu nhập từ cổ tức thì nên đầu tư vào cổ phiếu của các công ty kinh doanh dịch vụ công cộng như điện, điện thoại... hoặc các cổ phiếu thượng hạng. Bạn cũng có thể các cổ phiếu mà thị giá có xu hướng tăng về lâu dài để tạo thu nhập ở tuổi già. Cũng có khi bạn chọn cổ phiếu với mục tiêu có tính chất đầu cơ thông qua việc mua bán các cổ phiếu mà giá cả biến động mạnh trong thời gian ngắn. Đây là loại đầu tư có mức độ rủi ro cao nhất. Tuy vậy, nếu bạn là mới bắt đầu bước vào thị trường chứng khoán và mong muốn hoạt động đầu tư đơn giản và dễ hiểu thì nên đầu tư hơn là đầu cơ.
 
Lựa chọn công ty tốt.
 
Công ty tốt thường là công ty ít nợ trong thời gian đã qua (thời gian càng dài càng tốt), và có lợi nhuận cao, hiện tại có lãi và triển vọng tương lai sáng sủa.
 
Lựa chọn thời điểm mua cổ phiếu.
 
Giá cổ phiếu thường không đứng yên, mà lúc lên lúc xuống. Vậy nếu ta chịu khó theo dõi trào lưu, mua vào khi giá ở mức thấp nhất và bắt đầu đi lên, và bán ra lúc thị trường ở mức cao nhất và bắt đầu đi xuống thì sẽ có lời cao. Đây cũng là nguyên tắc thông thường trong kinh doanh.

Giá một loại cổ phiếu luôn luôn chịu ảnh hưởng của những trào lưu lên xuống giá của TTCK. Trong thời kỳ lên giá, thị trường thường kéo theo 70-80% loại cổ phiếu cũng lên. Khi xuống giá cũng tương tự. Bởi vì cũng giống như thị trường hàng hoá, khi có nhiều người cùng mua một món hàng nào đó thì giá hàng đó sẽ lên, kéo theo các hàng hóa khác cũng lên. Giá một loại chứng khoán sẽ lên khi có nhiều người cùng mua, và giá sẽ tụt xuống khi có nhiều người cùng bán.
 
Xây dựng một danh mục đầu tư tốt nhất.
 
Bạn hãy làm điều này một cách đơn giản, khởi đầu nếu bạn muốn đầu tư 100.000 USD vào năm loại cổ phiếu, mỗi loại sẽ được đầu tư 20.000 USD. Bạn không cố gắng mua một số lượng cổ phiếu nào đó, bạn chỉ đầu tư một số tiền đã định cho mỗi loại cổ phiếu. Nhưng đừng bao giờ quá hồ hởi trong việc mua cổ phiếu, đừng mua cả năm loại cổ phiếu một lần. Hãy thi hành từng bước một, hãy để cổ phiếu của bạn tự chứng minh chúng bằng cách chỉ ra một sự phát triển nào đó trước khi bạn đầu tư 100% số tiền. 
 
Tránh những loại cổ phiếu phức tạp.
 
Khi bạn mới khởi sự đầu tư, bạn sẽ được nghe rất nhiều về những cơ hội đầy kích thích có thể tìm kiếm những lợi nhuận khổng lồ. Danh sách những cạm bẫy dành cho những con người đang hồ hởi và cả tin bước chân vào thị trường bao gồm chứng khoán nước ngoài, các quỹ đầu tư cố định, hợp đồng quyền chọn, hàng giao theo hẹn, trái phiếu khả hoán (convertible bonds), trái phiếu cấp thấp về giá trị (junk bond), những loại chứng khoán miễn thuế và các công ty bất động sản. 

Những loại chứng khoán trên tuy lợi nhuận cao nhưng rất phức tạp. Nếu bạn không có kinh nghiệm bạn rất dễ gặp phải rủi ro. Những rủi ro khá lớn là lý do chính để những nhà đầu tư mới hoặc những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên tránh đầu tư vào những thứ đã kể trên.
 
Không mua những loại cổ phiếu giá thấp.
 
Những loại cổ phiếu giá thấp thông thường hấp dẫn mọi người với một lý do duy nhất: rẻ. Nhưng trong khi nó đang quyến rũ mọi người mua chúng với giá rẻ thì hoạt động tài chính của chúng lại rất kém và chậm chạp so với những loại cổ phiếu khác trong ngành.

Đầu tư theo lý tính chứ không phải theo cảm tính.

Trong đầu tư chứng khoán, một sai lầm thường gặp của các nhà đầu tư là họ thường hy vọng khi nên lo ngại và ngược lại. Khi cổ phiếu đã rớt giá 8% dưới giá mua ban đầu và bị thua lỗ, các nhà đầu tư thường hay hy vọng chúng tăng giá trở lại trong khi thực sự họ nên lo ngại rằng có thể sẽ mất thêm một số tiền nữa và nên phản ứng bằng cách bán cổ phiếu đi và chấp nhận thua lỗ thay vì cứ để mọi thứ y nguyên. Khi cổ phiếu tăng giá và tìm được lợi nhuận, họ lại sợ rằng có thể đánh mất lợi nhuận ấy và bán chúng quá sớm. Nhưng sự thật cổ phiếu đang tăng giá là một dấu hiệu cho thấy chúng thực sự mạnh và có lẽ quyết định mua ban đầu của họ là hoàn toàn chính xác. William J.O’neil, một chuyên gia chứng khoán nổi tiếng trên thị trường phố Wall, chia sẻ những quan điểm: “Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất là thành lập những quy luật mua và bán từ những nghiên cứu về lịch sử thị trường - những quy luật dựa trên nền tảng câu hỏi thực sự thị trường đang hoạt động như thế nào, và trong quá khứ mỗi khi thị trường gặp hoàn
cảnh ấy thì diễn biến như thế nào, những quy luật dựa trên sự thống kê khoa học chứ không phải dựa trên những ý kiến hay thành kiến cá nhân”.
 
Tái đầu tư.
 
Nếu bạn kiếm được 6% lợi nhuận trên 1000 USD trái phiếu và để dành hết số lời này trong năm. Sau 20 năm bạn sẽ nhận được 1200 USD. Nhưng nếu bạn tái đầu tư hết số lợi nhuận này, bạn sẽ có được 2662 USD trong cùng thời gian. Đó là sức mạnh của tái đầu tư - lợi nhuận mẹ sẽ tạo ra lợi nhuận con.
 
Cẩn trọng khi thị trường liên tục xuống dốc.
 
Khi mà thị trường chứng khoán có những biến động dữ dội, người ta bắt đầu đặt câu hỏi: liệu bạn có nên tiếp tục mua cổ phiếu khi giá rớt? Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, đó là một hành động mang tính rủi ro cực kỳ cao.

Suốt thập kỷ 90, chiến thuật tactic - chiến thuật mua cổ phiếu khi giá rớt, đã tỏ ra hiệu quả. Trong thời gian đó, bất kỳ khi nào, một cổ phiếu nào nói riêng hoặc thị trường nói chung giảm giá thì các nhà đầu tư lại móc hầu bao ra để mua cổ phiếu vào. Và họ đã kiếm được tiền từ chiến thuật đầu tư này. Thế nhưng, giờ đây khi mà giá cổ phiếu giảm mạnh trong một thời gian dài thì không phải bất cứ một cổ phiếu nào cũng có thể tăng giá trở lại được. Song, cũng có thể có những viên ngọc bị che khuất trong số những cổ phiếu bị rớt giá. Nghiên cứu của cho thấy, nhiều cổ phiếu sau khi bị cú sốc rớt giá lại tiếp tục trượt dốc dài. Cũng có một số cổ phiếu sau cú sốc đó lại cho mức lãi trung bình d­ương trong một số khoảng thời gian quan sát. Điều này chứng tỏ rằng nếu biết lựa chọn danh mục đầu tư một cách khôn ngoan thì thậm chí ngay cả việc đầu tư vào các cổ phiếu bị cú sốc rớt giá cũng sẽ mang lại lợi nhuận. Một số chuyên gia chứng khoán gợi ý các nhà đầu tư nên đ­a vào danh mục đầu tư của mình từ các công ty bán lẻ; các công ty truyền thông quảng cáo và các công ty dịch vụ cho đến các công ty tài chính lớn. Ngược lại, nên tránh đầu tư vào cổ phiếu của các công ty công nghệ cao, công ty hàng không, dầu mỏ,...

Sau cùng, xây dựng được một kế hoạch đầu tư thích hợp thật không dễ dàng đối với những nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường chứng khoán. Bạn cần biết rõ bản thân mình và thử phân tích theo các vấn đề nêu trên trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, bạn cũng không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà cần có sự điều chỉnh mục tiêu, chiến lược một cách linh động cho phù hợp với những biến động của thị trường.

 

( Nguồn: APT Vietnam)

  • Những điều "cấm kỵ” khi tham gia thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (2): Những nhân vật không thể thiếu trên thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (3): Bí quyết lựa chọn chứng khoán cho danh mục đầu tư của bạn
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (4): Định hướng tài sản trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (5): Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (6): Giảm thiểu thua lỗ trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (7): Ba lỗi thường gặp khi đầu tư
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (8): Đầu tư thế nào là hợp lý?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (9): Nhà đầu tư nghiệp dư cần phải quan tâm điều gì?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (10): Kinh doanh chứng khoán trên mạng - được và mất
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (11): Đừng quên tiếp cận thông tin trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (12): Thị trường chứng khoán: Giá trị của thông tin