Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm chơi chứng khoán (5): Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?

Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?

Chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm những khoản lợi nhuận khác lớn hơn luôn là lẽ thường trong hoạt động của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng dễ dàng như mong muốn: có những lúc thị trường chứng khoán lên giá khiến nhiều nhà đầu tư “mừng ra mặt”, nhưng cũng có khi thị trường sụt giảm làm không ít nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ”. Nhiều người đã chuyển hướng đầu tư để tránh thua lỗ. Nhưng liệu những hành động như vậy có phải vào thời điểm nào cũng được coi là thích hợp?

Câu hỏi đặt ra với các nhà đầu tư chứng khoán là họ có nên rút tiền đầu tư để mua trái phiếu, vàng hoặc ngoại tệ mạnh trước việc giá cổ phiếu sụt giảm không? Câu trả lời không dễ dàng chút nào, bởi vì có một điều không thể phủ nhận đó là yếu tố bất ổn tâm lý luôn là kẻ thù của các nhà đầu tư.

Một quyết định mua hay bán ở thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình đầu tư của bạn. Tại Mỹ và châu Âu, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tìm đến các chuyên gia tư vấn, những nhà môi giới chuyên nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Điều này gần như đã trở thành đương nhiên, bởi nếu bạn có một quyết định đầu tư không sáng suốt thì việc khắc phục hậu quả sẽ làm bạn đau đầu hơn nhiều. Tất nhiên, khi bị thua lỗ thì nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản với thị trường chứng khoán. Thực tế, nếu thị trường chứng khoán có thể đem lại lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn thì cũng có thể làm cho nhà đầu tư chứng khoán thua lỗ lớn cũng trong một thời gian như vậy. Do vậy, những nhà đầu tư tham gia vào thị trường cần phải chấp nhận luật chơi đó. 

Patrick W Cabe, phó tổng giám đốc Citibank, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, khi nhận xét về sự tăng giảm giá các loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã cho biết: “Thị trường biến động quá nhanh và tính ổn định kém. Đây là những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán của các công ty niêm yết. Một số nhà đầu tư đã rút tiền khỏi tài khoản để mua vàng khi giá vàng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư này nếu bắt chước một số khách hàng của ngân hàng rút đô la Mỹ (USD) bán lấy đồng nội tệ rồi đi mua vàng, thì họ sẽ bị thua thiệt”.

Dự trữ vàng có điều bất lợi là không sinh lời như kiểu cho vay. Nó có điều lợi duy nhất là trong thời gian dài vừa qua giá vàng đã tăng lên đáng kể. Vậy đầu tư vào vàng nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào sự tiên đoán về biến chuyển của giá vàng trên thị trường quốc tế. Biến động này thay đổi tuỳ theo ba thời kỳ như sau:

- Từ năm 1930-1968: giá vàng trên thị trường thế giới gần như ổn định ở mức 35 USD/Ounce = 35 USD / 31,103 gr. Bất cứ ai tích trữ vàng cũng đều mất một khoản tiền lời và những khoản lợi tức, trong khi họ có thể dùng vốn đầu tư vàng vào việc đầu tư thứ khác. Trong thời kỳ này đầu tư vàng bất lợi hơn so với đầu tư ngoại tệ.

- Từ 1968 - tháng 7 năm 1973: Giá vàng đã bắt đầu chuyển biến mạnh, nhất là từ ngày 15-08-1971 khi Mỹ quyết định thả nổi đồng USD, để cho giá vàng biến chuyển theo luật cung cầu trên thị trường. Vì vậy, giá vàng từ dưới 40 USD/ ounce lên tới 130 USD/ounce vào tháng 7 năm 1973, rồi cứ thế thăng trầm theo chiều hướng đi lên theo đà mất giá của đồng Mỹ kim, xuất phát từ tình trạng lạm phát và thâm thủng trong cán cân thanh toán của Mỹ. Tình trạng đó kéo dài tới 1980 với giá gần 700 USD/ounce.

- Từ năm 1988 cho tới nay dưới tác động của sự hoà dịu giữa Đông và Tây, giá vàng đã giảm mạnh, từ 460 USD (tháng 5 năm 1988) lại thăng trầm theo chiều hướng đi xuống tới mức chỉ còn 370 USD (tháng 5 năm 1989), tăng lên 400 USD vào cuối năm 1989 và đầu năm 1990 nhưng rồi dần dần giảm xuống mức 350 USD vào tháng 6 năm 1998, đến nay giá vàng đang trong xu hướng tăng trở lại. Giá vàng trong năm 2006 này có nhiều khả năng sẽ phá vỡ các kỷ lục trước đó. Hiện nay mức cản kỹ thuật 575 USD/ounce đã bị phá vỡ và thị trường đang nhắm đến mức 600USD/ounce. Tuy nhiên, dự đoán trong tương lai giá vàng không thể lên cao được như trước đây mà sẽ có khuynh hướng ổn định lâu dài

Giá vàng tăng chỉ là nhất thời do yếu tố tâm lý, do vậy khi cú sốc tâm lý qua đi thì sẽ bình ổn trở lại và có thể giá vàng sẽ thấp hơn thời điểm hiện nay. Những người rút tiền đi mua vàng sẽ chịu thiệt bởi phải mua đắt bán rẻ và thiệt hại này sẽ lớn hơn bình thường khi họ mua đúng vào thời điểm vàng đang “sốt”.

Đối với việc đầu tư ngoại tệ, hình thức này có điểm lợi hơn so với đầu tư vàng là có thể dùng ngoại tệ để mua những trái phiếu ngắn hạn trên thị trường quốc tế. Số thặng dư ngoại tệ dùng vào mục đích sinh lợi nói trên bao gồm những ngoại tệ mạnh được tự do chuyển đổi. Căn cứ mọi diễn biến của thanh toán quốc tế, các nhà đầu tư sẽ phân tích, tính toán để có thể chuyển đổi từ một thứ ngoại tệ đang mất giá sang thứ ngoại tệ mạnh khác đang tăng giá. Không nên đầu tư vào những ngoại tệ không chuyển đổi tự do được.

Patrick khuyên rằng để hạn chế bớt rủi ro, những nhà đầu tư nhỏ cần quan tâm đến các loại trái phiếu vì trái phiếu có độ an toàn và tính ổn định cao hơn. Thuật ngữ “Corporate bond” đã không còn xa lạ với nhiều nhà đầu tư ngày nay, bởi đây là một trong những phương thức đầu tư an toàn và hiệu quả. Hiện nay, trái phiếu ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại đang phát hành có thể coi là một cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư muốn tìm kiếm một công cụ đầu tư tài chính thích hợp.

Mặc dù vậy, theo Patrick thì mặc dù đầu tư vào trái phiếu không thể đem lại lợi nhuận như đầu tư cổ phiếu, nhưng các nhà đầu tư cần hiểu rằng, lợi nhuận lớn luôn đi kèm với mức độ rủi ro cao và trong một thị trường có tính ổn định kém thì rủi ro sẽ càng lớn, chẳng hạn như rủi ro về lãi suất thị trường, giá của một trái phiếu công ty sẽ thay đổi theo hướng ngược lại với lãi suất thị trường. Khi lãi suất thị trường tăng, giá trái phiếu sẽ giảm và ngược lại. Hay khi bán một trái phiếu trước ngày đáo hạn, thì khi lãi suất thị trường tăng, nhà đầu tư sẽ lỗ vốn, có nghĩa là bán trái phiếu thấp hơn giá mua vào. Trái phiếu còn vướng phải rủi ro về lạm phát. Rủi ro này xuất hiện khi trị giá lưu lượng tiền mặt của một trái phiếu thay đổi do lạm phát. Ví dụ, nếu nhà đầu tư mua một trái phiếu có lãi suất 8%/năm, nhưng tỷ lệ lạm phát là 9%/năm, thì thực tế, sức mua lưu lượng tiền mặt đã giảm. Ngoại trừ trái phiếu lãi suất thả nổi, còn đầu tư vào tất cả trái phiếu khác đều chịu rủi ro lạm phát, vì mức lãi suất được công ty phát hành cam kết sẽ cố định trong suốt kỳ hạn của trái phiếu.

Có thể nói, không có hình thức đầu tư nào là an toàn và hiệu quả tuyệt đối cả. Trước đây, khi nói về kinh nghiệm đầu tư của mình, các nhà đầu tư thành đạt nhất trên thế giới như W.Buffet hay G.Soros... đều hay nhắc đến hai kẻ thù mà họ cho rằng không thể đội trời chung, đó là “lòng tham” và “nỗi sợ hãi”. Hai kẻ thù này nằm ngay trong con người các nhà đầu tư mà chính họ lại không biết, hay có biết thì cũng hết sức chủ quan không để ý cho đến khi thất bại xảy ra. Điều quan trọng nằm ở chính là sự bình tĩnh, biết kiềm chế để có những tính toán hợp lý của các nhà đầu tư.

Sẽ là quá muộn nếu các nhà đầu tư không nhận ra rằng thị trường chứng khoán không phải là nơi tiêu tiền nhanh và vô bổ nhất, cũng như không phải là nơi kiếm tiền dễ dàng và nhàn nhã nhất. Và chỉ có những nhà đầu tư biết có cái đầu lạnh và sáng suốt mới tránh được sự hối tiếc, nếu một ngày kia giá chứng khoán tăng trở lại.
 
Giá cả biến động – nguyên nhân từ đâu ?

Giá chứng khoán thay đổi hàng ngày bởi các lực lượng thị trường – tác động từ hai phía: cung và cầu. Nếu có nhiều người muốn mua (cầu) hơn muốn bán (cung), giá sẽ tăng. Ngược lại, nếu có nhiều người muốn bán hơn là muốn mua (cung lớn hơn cầu), giá chứng khoán sẽ giảm.

Hiểu được cung và cầu là điều không có gì là khó khăn. Điều khó khăn là nhận biết được cái gì là nguyên nhân khiến người ta thích một cổ phiếu đặc thù hoặc không thích một cổ phiếu khác. Kết quả là, khó khăn trên trở lại vấn đề: thông tin nào là tích cực, thông tin nào là tiêu cực với một công ty. Có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này và chỉ xoay quanh việc bất cứ nhà đầu tư nào bạn gặp cũng có quan điểm và chiến lược riêng.

Người ta nói rằng, nguyên tắc lý thuyết là vận động của giá cả một cổ phiếu cho thấy điều gì khiến nhà đầu tư cảm thấy công ty mình lựa chọn là hợp lý. Không nên cào bằng giá trị công ty với giá cổ phiếu. Giá trị công ty chính là giá trị thị trường (bằng giá cổ phiếu nhân với số cổ phiếu phát hành). Giá cổ phiếu không chỉ phản ánh giá trị hiện tại của công ty, mà còn phản ánh mức (tốc độ) tăng trưởng mà nhà đầu tư kì vọng trong tương lai.

Nhân tố quan trọng nhất phản ánh giá trị công ty là lợi nhuận thu được – trong dài hạn, không một công ty nào có thể tồn tại mà không cần tới nó. Các công ty cổ phần phải có trách nhiệm báo cáo thường kỳ tình hình lợi nhuận của mình. Từ đó, nếu kết quả đạt hay vượt kì vọng, giá cổ phiếu sẽ tăng, và ngược lại.

Tất nhiên, không phải chỉ có lợi nhuận mới có thể khiến dự cảm về một cổ phiếu thay đổi (nhân tố khiến giá cổ phiếu thay đổi). Chẳng hạn, có hàng tá công ty coi Internet là một thành tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh (dot-com company) có thể gia tăng giá trị thị trường lên hàng tỉ USD mà thậm chí không kiếm được một đồng lợi nhuận nào.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, những giá trị trên không thể kéo dài mãi, và hầu hết các công ty như vậy nhận thấy giá trị của họ giảm mạnh. Cho đến giờ, sự thật là giá cả không biến động phụ thuộc vào nhiều nhân tố chứ không chỉ có lợi nhuận hiện tại. Các nhà đầu tư đã hình thành hàng trăm biến số, tỉ lệ và chỉ số. Nhiều chỉ số bạn đã từng biết tới, như P/E, Chaikin Oscillator hoặc MACD.

Vậy thì tại sao giá cổ phiếu thay đổi ? Câu trả lời thoả đáng nhất là, không ai biết chắc chắn. Nhiều người tin rằng, không thể dự đoán giá cổ phiếu sẽ biến động ra sao, trong khi những người khác cho rằng, bằng việc xây dựng các biểu đồ và nhìn vào xu hướng giá trong quá khứ, bạn có thể xác định khi nào thì nên mua, khi nào nên bán. Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là giá cả thay đổi hết sức mau lẹ.

Có nhiều lí thuyết nhằm giải thích cách thức giá cổ phiếu biến động, nhưng chẳng có lí thuyết nào có thể giải thích tất cả.
 

( Nguồn: APT Vietnam )

  • Những điều "cấm kỵ” khi tham gia thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (2): Những nhân vật không thể thiếu trên thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (3): Bí quyết lựa chọn chứng khoán cho danh mục đầu tư của bạn
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (4): Định hướng tài sản trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (5): Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (6): Giảm thiểu thua lỗ trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (7): Ba lỗi thường gặp khi đầu tư
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (8): Đầu tư thế nào là hợp lý?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (9): Nhà đầu tư nghiệp dư cần phải quan tâm điều gì?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (10): Kinh doanh chứng khoán trên mạng - được và mất
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (11): Đừng quên tiếp cận thông tin trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (12): Thị trường chứng khoán: Giá trị của thông tin