Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối bán lẻ trong nước đang "phát sốt" trước sự "nhòm ngó" thị trường của các đại gia nước ngoài.
Tiềm lực tài chính của nhà bán lẻ nước ngoài khiến doanh nghiệp trong nước hết sức lo lắng (Ảnh: HÀ MINH) |
Trong buổi làm việc giữa Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công thương chiều ngày 19/8 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng, để địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mở thêm cơ sở bán lẻ có thể khiến DN nội địa gặp khó.
Theo bà Loan, việc áp dụng công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) là quyền của Việt Nam và đây cũng là cơ hội giúp các DN trong nước chuẩn bị nguồn lực tốt hơn khi hội nhập. Lãnh đạo Hiệp hội nhận xét, có dấu hiệu để lo ngại các địa phương sẽ không áp dụng ENT thống nhất khiến cho khó khăn của DN nội địa càng chồng chất hơn và đề nghị Bộ Công thương là cơ quan đầu mối quản lý việc cấp phép cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất của doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nêu thực tế, các DN nội yếu thế hơn rất nhiều so với đối thủ từ nước ngoài. "Các DN nước ngoài gia nhập thị trường sẵn sàng chịu lỗ trong thời gian rất dài để thâu tóm thị trường. Chúng ta yếu thế hơn nhưng đã được vận dụng ENT để có thời gian chuẩn bị. Song, nếu để các địa phương cấp phép cho cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất thì dễ có nguy cơ tràn lan như việc cấp phép thành lập sân golf trong thời gian qua vì các địa phương thường có xu hướng dễ dãi hơn", ông Sơn lo lắng.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái cho biết, khi đại diện DN này đi khảo sát tại các địa phương và mong muốn mở cơ sở bán lẻ thì lãnh đạo của địa phương đã "thẳng thắn" cho biết địa phương sẽ ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài hơn. Xếp sau đó, nếu DN nước ngoài không vào, thì sẽ đến lượt DN nội. DN rất lo ngại khi các DN nước ngoài xin mở cơ sở bán lẻ thứ hai thì địa phương cũng sẽ dễ dàng "gật đầu".
Từ thực tế này, các DN bán lẻ trong nước đề nghị, để tránh tình trạng các địa phương tuỳ tiện áp dụng ENT, Bộ Công thương cần thống nhất quản lý việc cấp phép cho DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất. Bên cạnh đó, các tiêu chí về ENT cần rõ ràng hơn nữa để các DN trong và ngoài nước có thể "soi" vào đó và nhận biết được đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, việc nghiên cứu xây dựng các tiêu chí "cứng" cho ENT là rất khó khăn. Điều này được hiểu rằng, do các địa phương có đặc điểm khác nhau về kinh tế - xã hội nên không thể có một khung chuẩn áp dụng cho cả nước. Do đó, về mặt nguyên tắc, Bộ Công thương sẽ không là cơ quan đầu mối để quản lý việc cấp phép này, mà các địa phương vẫn chịu trách nhiệm trong việc cấp phép.
Và để các địa phương có cơ sở chắc chắn cho việc cấp phép cho DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất, Bộ Công thương cho biết, sẽ sớm hoàn chỉnh quy hoạch cho hệ thống thương mại. "Các địa phương đang gấp rút thực hiện quy hoạch cơ sở bán buôn bán lẻ trên địa bàn. Cộng với việc sắp tới, chúng tôi cũng sẽ quy hoạch chi tiết mạng lưới tại một số thành phố lớn. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài minh bạch", ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết.
Cũng theo ông Xuân, các nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch hệ thống thương mại tại địa phương sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương tính toán cấp phép cho các nhà đầu tư, bên cạnh những yếu tố chủ yếu mà các thông tư có liên quan của Bộ Công thương đã quy định. Điều này sẽ tạo ra sự thống nhất giữa các địa phương trong cả nước chứ không có sự khác nhau như sự lo ngại của DN.
Bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đưa ra một thông tin trấn an các DN nội rằng, mới chỉ có thêm 1 cơ sở của Metro và 1 cơ sở của BigC được cấp phép sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, nên các DN không phải quá lo ngại về chuyện nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt mở thêm cơ sở mới cũng như không có sự lỏng lẻo của các địa phương.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nhận định, DN sẽ yên tâm hơn để thực hiện chiến lược kinh doanh của mình khi đã có quy hoạch thống nhất trong cả nước. "Quy hoạch là xương sống để DN bám vào thực hiện kế hoạch kinh doanh và nhận diện đối thủ. Đây cũng là cơ sở để các địa phương thực hiện cấp phép tốt hơn", ông Phú chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, sau khi các địa phương xây dựng xong quy hoạch, Bộ sẽ tập hợp và công khai để các DN nắm được. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tới ENT sẽ tiếp tục được nghiên cứu để có được phương án tốt nhất phù hợp với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phát huy được quyền của Việt Nam nhằm tạo môi trường minh bạch trong kinh doanh cho cả DN trong và ngoài nước. Khi đó, nỗi lo lắng trước sức ép xung quanh vấn đề ENT của DN sẽ được tháo bỏ phần nào.
(Theo Kim Sơn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com