Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn thế giới: Việt Nam tụt dốc

“Không gian” để bán lẻ hàng hoá phát triển ở thị trường nước ta hãy còn rất rộng lớn

“Không gian” để bán lẻ hàng hoá phát triển ở thị trường nước ta hãy còn rất rộng lớn


Tập đoàn Tư vấn AT Kearney vừa công bố kết quả nghiên cứu và xếp hạng thị trường bán lẻ (TTBL) hấp dẫn nhất thế giới của 30 trong số 185 quốc gia được xem xét. Khác với tất cả các lần xếp hạng trước, số điểm của TTBL nước ta năm nay đã rơi tự do năm bậc.


Đây thực sự là một cú sốc bởi chúng ta đang rất cần một thị trường trong nước mạnh hơn bao giờ hết.


"Rơi tự do"


Theo các kết quả nghiên cứu vừa mới được Atkearney công bố, “Chỉ số phát triển bán lẻ chung năm 2009” (GRDI ) của TTBL nước ta năm nay chỉ đạt 55 điểm, tức là mất tới 33 so với số điểm cực đại 88 năm 2008. Đây cũng là số điểm thấp chưa từng có trong sáu lần Atkearney tiến hành xếp hạng đến nay, bởi mức thấp nhất năm 2007 cũng là 74 điểm.


Chính do bị mất điểm quá lớn như vậy, ngay sau chỉ một năm được xếp ở vị trí thứ nhất, TTBL của nước ta năm nay đã rơi tự do, vì bị đẩy xuống vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng của Atkearney.


Thực ra, việc có lên có xuống trong các lần xếp hạng là chuyện bình thường, nhưng cả việc thăng hạng của TTBL nước ta năm 2008 và đặc biệt là việc xuống hạng năm nay đều thuộc diện đặc biệt.


Bởi lẽ, trong lần thăng hạng năm 2008 vừa qua, do TTBL nước ta được tăng 14 điểm so với năm 2007, trong khi cả ba TTBL Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đều mất điểm rất lớn. Đây là điều chưa từng có trong sáu năm xếp hạng vừa qua, bởi trong năm năm xếp hạng còn lại, sự xáo trộn trong “tốp 3” đều không lớn.


Đối với các nước khác, một khi đã lọt được vào “tốp 3” thì các TTBL đều rất khó bị đẩy ra khỏi vị trí đã giành được, cho nên việc từ vị trí thứ nhất rơi tự do năm bậc, bị đẩy ngay ra khỏi “tốp 5” cũng là điều chưa từng có.


"Cộng hưởng"của hai nguyên nhân


GRDI là chỉ số được Tập đoàn Tư vấn AT Kearney xây dựng dựa trên thang điểm 100. Trong đó, thị trường nào có GRDI càng cao có nghĩa là triển vọng phát triển càng lớn. Trong đó, các tiêu chí hình thành GRDI được chia thành 4 nhóm lớn gồm: Độ rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh; Độ hấp dẫn của thị trường; Độ bão hoà của thị trường; Áp lực thời gian.


Theo cách đánh giá này, nếu nhìn vào bảng điểm đánh giá của Atkearney, rất dễ dàng để có thể nhận ra rằng, có hai nguyên nhân khiến TTBL nước ta bị tụt dốc trong bảng xếp hạng.


Trước hết, đó là việc độ rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh của TTBL nước ta tăng vọt. Bởi lẽ, cho dù cũng có lên có xuống trong năm năm 2004-2008, nhưng nhìn chung là độ rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh của TTBL nước ta vẫn tương đối thấp (năm 2004 đạt 52 điểm, hai năm 2007 và 2008 đều đạt 57 điểm), nhưng năm nay chỉ còn 34 điểm, tức là mất tới 23 điểm và 40,35% số điểm đã đạt được trong hai năm trước đó.


Chắc chắn, việc mất điểm lớn như vậy ở tiêu chí độ rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh chỉ có thể bắt nguồn từ những sự bất ổn trong các yếu tố tài chính, tín dụng, ngân hàng, cũng như những bất ổn trong các hoạt động kinh doanh trong năm qua. Bên cạnh đó, TTBL của nước ta không những không được đánh giá cao ở tiêu chí độ hấp dẫn của thị trường so với ba nước Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, mà tình trạng mất điểm ở tiêu chí này còn thảm hại hơn nữa, khiến TTBL của nước ta rơi xuống mức “đáy” so với TTBL của 30 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng.


Mặc dù vậy, nếu như năm năm 2004-2008, TTBL nước ta nhìn chung vẫn có sự tiến bộ ở tiêu chí này, thì năm nay chỉ còn 16 điểm, tức là đã “đánh rơi” mất 18 điểm và 52,94% số điểm tối đa đạt được trong hai năm 2007-2008. Cũng chính vì mất điểm như vậy, cho dù vẫn giữ được vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng 30 TTBL hấp dẫn nhất thế giới, nhưng chẳng những chúng ta đang “đội sổ” ở tiêu chí này, mà khoảng cách giữa TTBL nước ta so với cả 29 TTBL còn lại thực sự là rất lớn, bởi số điểm của TTBL liền kề trên chúng ta ở tiêu chí này là Algeria cũng là 24 điểm. 


Hiển nhiên TTBL nước ta không thể mất điểm bởi hai yếu tố quy mô dân số và tỷ lệ dân số đô thị. Bởi lẽ, nếu như xét về quy mô dân số, tuy rất thấp so với cả ba nước Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, nhưng với trên 86,2 triệu dân hiện nay, xếp hạng 13 thế giới và sẽ còn liên tục “nở ra” trong những năm tới, cơ cấu dân số lại rất trẻ, TTBL nước ta hoàn toàn đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cho dù tỷ lệ dân cư đô thị của nước ta vẫn còn thấp quá xa so với Nga (72,76%) và Trung Quốc (42,98%), nhưng tỷ lệ này của nước ta vẫn tăng khá nhanh và hiện cũng ngang với Ấn Độ.


Do vậy, nguyên nhân mất điểm lớn như vậy ở tiêu chí này chỉ có thể nằm ở hai tiêu chí cụ thể còn lại. Đó là doanh số bán lẻ bình quân đầu người và hiệu quả kinh doanh. Trong đó, doanh số bán lẻ bình quân đầu người không thể là yếu tố dẫn đến mất điểm, bởi cho dù tăng vọt trong năm qua, nhưng chỉ tiêu này vẫn còn thấp  so với cả Nga và Trung Quốc, Ấn Độ, tức là “không gian” để bán lẻ hàng hoá phát triển ở thị trường nước ta hãy còn rất rộng lớn.


Điều này có nghĩa là, “thủ phạm chính” gây mất điểm chỉ có thể là hiệu quả kinh doanh rơi tự do do lạm phát phi mã năm 2008, mà phía sau nó là hàng loạt yếu tố khác nhau.


Đâu là giải pháp ?


Mặc dù chúng ta cũng đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng phát triển mạnh như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của Đảng đã khẳng định, nhưng những kết quả đạt được vẫn còn thấp rất xa với mong muốn. Việc chỉ riêng đầu ra hàng hoá xuất khẩu từ  năm 2004 đến nay đã ngày càng lớn hơn tổng dung lượng của thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong nước cũng đủ cho thấy việc cải thiện tình hình của thị trường trong nước đang là vấn đề ngày càng trở nên bức xúc.


Trong đó, với nền chính trị ổn định được đông đảo dư luận quốc tế đánh giá rất cao, cho nên giảm thiểu rủi ro quốc gia về kinh tế chính là vấn đề cần phải dành sự quan tâm đặc biệt, bằng cách tiếp tục cải cách kinh tế, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, tiếp tục đổi mới hệ thống ngân hàng..., tức là phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh nói chung và kinh doanh bán lẻ nói riêng có thể “thi thố” tài năng kinh doanh của mình trên thị trường. 


Tiếp theo, nếu như quy mô dân số, cơ cấu dân số xét theo độ tuổi rất trẻ, cơ cấu dân số theo hai khu vực đô thị và nông thôn và doanh thu bán lẻ bình quân đầu người cũng đang có những chuyển biến theo hướng tích cực là những điều rất không đáng ngại, cho nên trọng tâm cần hướng tới là tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật kinh doanh, nâng cao hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo sự thông thoáng trong hoạt động kinh doanh, tăng cường chống lạm phát và tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng...


Tóm lại, xét trên tổng thể thì TTBL của nước ta vẫn thuộc loại “sao” trong số các thị trường mới nổi trên toàn cầu, cho nên việc khôi phục sức hấp dẫn của TTBL nước ta “trở lại tốp 3” có lẽ cũng không phải là điều quá khó, nhưng không thể không đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc, trước hết là từ phía các cơ quan quản lý

(Theo Hoàng Sơn // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Bán lẻ Việt Nam hấp dẫn công ty đa quốc gia
  • Hứa hẹn một môi trường bán lẻ hấp dẫn
  • Doanh nghiệp bán lẻ trong nước thua thiệt vì...chính sách?
  • Thị trường tiêu dùng vẫn trầm lắng
  • Lòng tin người tiêu dùng toàn cầu được cải thiện
  • Nhà bán lẻ trong nước “phát sốt”
  • Dự báo ngành bán lẻ Việt Nam đạt 85 tỉ đô la năm 2012
  • Nhận diện tiêu dùng
  • Doanh thu bán lẻ của Việt Nam sẽ vượt 85 tỷ USD vào năm 2012
  • Quy hoạch thương mại Hà Nội: Sẽ phát triển mạnh ra các khu vực mới?
  • Nghệ thuật “móc hầu bao” thời suy thoái
  • Bán lẻ Việt Nam hấp dẫn công ty đa quốc gia
  • Siêu thị trong nước sẽ bán hàng ở đâu?
  • Xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn thế giới: Việt Nam tụt dốc
  • Hà Nội: Phát triển thị trường bằng hệ thống phân phối bán lẻ