Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản: Nền kinh tế suy giảm mạnh

Theo thông tin mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, hiện “sức khỏe” của nền kinh tế này đang trên đà tụt giảm mạnh. Chính phủ vừa được cải tổ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, do tác động của kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể sẽ tiếp tục giảm.

IMF dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản chỉ tăng 1,5% năm nay so với 2,1% năm ngoái và 2,4% năm 2006.

Với tình hình hiện tại, cả chính phủ Nhật lẫn các chuyên gia kinh tế đều lo ngại chu trình phát triển kinh tế đang đi vào giai đoạn cuối sau 6 năm phát triển bắt đầu từ năm 2002.

Với nhiều nhà kinh tế, họ đã rất lạc quan khi nền kinh tế Nhật vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1998-2001. Đối với các công ty, họ đã hy vọng về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ 20 sẽ không trở lại nữa.

Theo các chuyên gia, có một điểm lạc quan là đợt suy thoái kinh tế Nhật lần này sẽ không có quy mô rộng giống như cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Các cơ cấu tài chính của Nhật hiện đã vững chắc hơn, mà minh chứng là việc các ngân hàng của nước này hầu như không bị tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc với những rủi ro đến từ Mỹ.

Tình trạng “sức khỏe” nền kinh tế đang dần suy yếu đã buộc Ngân hàng Trung ương Nhật phải giữ mức lãi suất cơ bản dưới 0,5%. Vì thế, trong một thời gian tốc độ tăng trưởng GDP đã chững lại.

Tiêu dùng cá nhân-chiếm 55% GDP-trong quý II đã giảm 0,5% sau khi giá thực phẩm và giá nhiên liệu không ngừng leo thang.

Lạm phát của Nhật Bản đang tăng cao do giá các nhu yếu phẩm tăng mạnh, trong khi nhiều mặt hàng công nghiệp trong nước giảm giá và tiêu thụ chậm. Dấu hiệu suy thoái được báo động ở nhiều lĩnh vực.

Hôm nay, thị trường chứng khoán Nhật tiếp tục đợt giảm giá vào. Chỉ số NIKKEI 225 INDEX giảm 0,74% xuống còn 13.205,64 điểm.

Xuất khẩu và đầu tư, hai “động lực” của nền kinh tế Nhật Bản từ 5 năm qua, cũng bị đình trệ. Theo nhà kinh tế Nobuyuki Saji, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc trở thành động lực của kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại trước nguy cơ hiện tượng bong bóng đầu cơ địa ốc ở Trung Quốc bị "nổ tung" sẽ tác động xấu tới kinh tế Nhật Bản.

Để đối phó các khó khăn kinh tế, chống lạm phát và khôi phục lòng tin của công chúng, Thủ tướng Nhật Bản Fukuda vừa tiến hành cải tổ chính phủ. Trong cuộc cải tổ đầu tháng 8 vừa qua, ông Fukuda đã chỉ định nhiều nhân vật có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vào các vị trí kinh tế then chốt.

( Theo Vitinfo)

  • Kinh tế Nhật tăng trưởng âm
  • Củng cố liên minh sản xuất Việt - Nhật
  • Nhật tăng sử dụng sợi cácbon trong chế tạo ôtô
  • Mở đường bay nối thành phố Huế và Shizuoka
  • Nhật Bản: Nền kinh tế suy giảm mạnh
  • Da cho robot
  • Kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh
  • Nhật Bản: Nhu cầu thực phẩm đông lạnh thấp
  • Tư vấn doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Nhật Bản
  • Những điều cần biết về xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Nhật Bản
  • Nhật thiếu nguồn cung cá sòng do giá cả tăng cao
  • Sanyo sẽ xây dựng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang
  • Toyota lợi nhuận quý 2/2008 giảm mạnh
  • Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản vượt 1.000 tỷ USD
  • Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản đã vượt 1.000 tỷ USD