Đối với những nước đang phát triển, nguồn doanh thu từ logistics (dịch vụ thương mại gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi...) khoảng 15% đến 20% GDP. Với nước kém phát triển thì tỉ lệ này có thể hơn 30%. Với Việt Nam con số này là 25%
Đây là một nguồn thu khổng lồ và là cơ hội cho DN Việt Nam. Song hiện tại, có tới 70% số nguồn thu này thuộc các đại gia nước ngoài. Làm thế nào để Việt Nam hoá nguồn lợi khổng lồ này là mối quan tâm hàng đầu của Diễn đàn logistics và dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế vừa mới được tổ chức.
“Vàng ròng” logistics
Tham luận của ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT - tại diễn đàn chỉ ra: Logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền. Hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng, quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Tại những nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ, chi phí logistics chiếm khoảng 10 - 13% GDP. Đối với những nước đang phát triển thì khoảng 15 - 20% GDP, với nước kém phát triển thì tỉ lệ này có thể hơn 30%.
Ở Việt Nam, hoạt động dịch vụ logistics đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Các số liệu thống kê cho thấy, tổng chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP, trong đó vận tải chiếm khoảng 50 - 60%. Chính vì nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của logistics nên trong những năm qua, Nhà nước đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển.
Việc phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông góp phần không nhỏ cho hoạt động vận tải. Đây cũng là một tiền đề quan trọng giúp phát triển chuỗi dịch vụ logistics.
Tuy nhiên trên thực tế, các DN Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này bởi các ông lớn nước ngoài. Hiện có tới 70% doanh thu từ hoạt đông logistics rơi vào tay DN nước ngoài vừa chuyên nghiệp, vừa có tiềm lực mạnh. Do đó, đây rõ ràng là một cơ hội vàng song đang tuột khỏi tay DN VN.
Bỏ lỡ là vô trách nhiệm
Các ý kiến nêu lên tại diễn đàn đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lợi logistics “chảy máu” - bên cạnh năng lực các DN VN rất manh mún - còn do hạ tầng cơ sở của VN chưa đồng bộ, không tương thích với dịch vụ cao cấp này; trong khi, thời kỳ mở cửa cho logistics theo tiến trình hội nhập là năm 2014 không còn bao xa. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý không thể làm ngơ. Và ngay từ bây giờ, cần phải có những giải pháp kịp thời, quyết liệt. Nếu bỏ lỡ sẽ là vô trách nhiệm với đất nước.
Tại diễn đàn, nhiều tham luận của đại diện các ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp giải pháp để Việt Nam hóa nguồn lợi logistics. Đó là phải quyết liệt, kịp thời phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đây là một nhiệm vụ cấp bách đã được Chính phủ quan tâm, tập trung ưu tiên đầu tư. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải biển trước hết là các cảng biển.
Hiện nay, 70% hàng container tập trung ở các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cảng cạn (ICD), kho bãi, các khu đầu mối vận tải. Đồng thời phát triển nhanh các phương tiện vận tải biển và phương tiện xếp dỡ hàng hoá, đặc biệt là làm hàng container. Việc đầu tư phát triển này cần được tiến hành đồng bộ với kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thuỷ nội địa. Cuối cùng là nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dịch vụ logistics.
Mặt khác, để cải thiện môi trường thúc đẩy dịch vụ logistics, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, xây dựng và quy hoạch tổng thể khu phân phối hàng hóa hợp lý kết nối cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không; đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng cao như các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, khu kinh tế mở; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành logistics có chất lượng tốt.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com