Gần đây độ biến động của tỷ giá liên ngân hàng rất mạnh, có ngày tới 200 – 300 đồng/đôla Mỹ. Tỷ giá thị trường liên ngân hàng đang được giới tài chính đặc biệt quan tâm khi nó có thể trở thành hàn thử biểu cho cả thị trường tiền tệ.
Từ tỷ giá liên ngân hàng người ta dự báo cung cầu, lãi suất tiền đồng, luồng vốn vào ra, cả thương mại lẫn đầu tư gián tiếp, trực tiếp. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Trước đây mỗi khi cung ngoại tệ trên thị trường thừa, các ngân hàng thường mua của doanh nghiệp rồi mang bán lại cho ngân hàng Nhà nước (NHNN) nếu trạng thái ngoại hối của họ đã đầy 30% (một ngân hàng có vốn tự có 10 đồng, thì được giữ 3 đồng bằng ngoại tệ – NV). Gần đây một số ngân hàng không làm thế. Do nhu cầu đôla Mỹ của khách hàng cao trong tương lai gần, mà có thể không có nguồn đáp ứng do không mua được từ NHNN, sau khi đủ trạng thái ngoại hối, họ đem ngoại tệ gửi ở những ngân hàng khác.
Hai “ông lớn” Vietcombank và BIDV
Ngồi chờ các ngân hàng mang ngoại tệ đến bán cho có lẽ là không thực tế khi mà cung cầu ngoại tệ cho đến đầu tháng 3.2011 vẫn khá căng thẳng, NHNN đổi cách thức mua. Thay bằng mua trực tiếp, NHNN mua qua ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Đầu tư và phát triển (BIDV) thông qua thị trường liên ngân hàng. Làm thế nào để NHNN mua được và mua với giá hợp lý, tức là ngang bằng giá niêm yết bán chuyển khoản của ngân hàng thương mại? Hai đầu mối Vietcombank và BIDV đã và đang phối hợp nhịp nhàng. Ai bán Vietcombank mua. Ai mua BIDV bán. Cả Vietcombank và BIDV chủ động giữ giá, tạo giá cân bằng. Cộng với việc xiết chặt cung tiền đồng trên mọi ngã, từ tăng các loại lãi suất đến tiết cung thị trường mở, những doanh nghiệp nắm giữ ngoại tệ bắt đầu bán ra. Ngày 16.3.2011 tỷ giá liên ngân hàng tụt xuống 20.870 đồng/đôla Mỹ, thấp nhất kể từ khi điều chỉnh tỷ giá vào đầu tháng 2.2011. NHNN đã mua được ngoại tệ để đưa vào dự trữ.
Lúc ấy, tỷ giá thị trường tự do bắt đầu xuống thang, và một số ngân hàng vẫn có thể đáp ứng các cá nhân có nhu cầu chính đáng với hạn mức khoảng 500 – 1.000 đôla Mỹ/người theo đúng tỷ giá niêm yết.
Sóng lớn
Mọi vòng quay đang yên ả, guồng máy đang chạy êm, bỗng cuối tuần trước Vietcombank tăng cường mua ngoại tệ hơn những ngày trước đó. Để mua được, tất nhiên giá chào mua phải cao hơn và tỷ giá liên ngân hàng “nhảy” lên 20.950, rồi 20.970, thậm chí có lúc tới 20.990 đồng/đôla Mỹ từ buổi sáng. Đầu giờ chiều, có vẻ như khối lượng cần mua đã “hòm hòm”, Vietcombank hạ giá mua, còn 20.900 – 20.920 đồng/đôla Mỹ. Các ngân hàng vẫn chưa hiểu có chuyện gì mà Vietcombank mua nhiều vậy? Nếu là mua cho NHNN, Vietcombank không dại gì đẩy giá lên, bởi đơn giản là NHNN không mua lại giá cao. NHNN chỉ mua với giá tối đa là giá niêm yết bán của tổ chức tín dụng.
Đầu tuần, trong phiên họp Chính phủ, giải pháp cho phép doanh nghiệp và ngân hàng mua bán tỷ giá kỳ hạn (forward) từ 3 đến 12 tháng được đề xuất. Nếu thực hiện, tỷ giá thực mua bán sẽ cao hơn tỷ giá trần do cộng thêm phí kỳ hạn.
Thị trường bối rối khi hai ngày đầu tuần (21 – 22.3) tỷ giá liên ngân hàng tăng ào ào, có thời điểm chạm ngưỡng 21.230 đồng/đôla Mỹ, sau giảm xuống 21.150 đồng/đôla Mỹ và tăng lại. Vietcombank vẫn mua nhiều. Chỉ vài ngày mà tỷ giá liên ngân hàng lên xuống 300 đồng/đôla Mỹ, mỗi giao dịch từ vài triệu đến vài chục triệu đôla Mỹ, nếu xác định đúng, sai thời điểm mua bán, mất được tiền tỉ là chuyện thường.
Sang ngày 23.3.2011 cũng nhanh như khi leo dốc, tỷ giá liên ngân hàng rớt thảm, cuối ngày chỉ còn 21.000 đồng/đôla Mỹ. Dường như đã “no hàng”, Vietcombank không còn hào hứng mua. Những tổ chức nào đầu tuần mua theo Vietcombank chắc “lãnh đủ”. Chiều ngày 24.3, tỷ giá liên ngân hàng nhích nhẹ lên 21.040 đồng/đôla Mỹ.
Người ta lắp ráp các chi tiết để phỏng đoán: ngày 22.3 báo Tuổi Trẻ đăng tin sẽ phải nhập thêm 300.000 tấn xăng dầu do nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngưng hoạt động hai, ba tuần lễ. Thông thường Vietcombank là nguồn cung từ hơn một nửa đến 2/3 nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu và bán cho các doanh nghiệp nhập theo tỷ giá niêm yết. Bù lại những đơn vị này gửi hàng ngàn tỉ đồng lãi suất thấp (chủ yếu không kỳ hạn) ở Vietcombank. Rất có thể những ngày qua Vietcombank đã tăng cường mua ngoại tệ để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu nhập khẩu xăng dầu. Và “sóng” tỷ giá liên ngân hàng đã xuất phát từ đó...
Hàn thử biểu mới
Năm ngoái, và ngay cả lần điều chỉnh tỷ giá mới đây, NHNN luôn tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường nếu cần thiết và cung ứng một phần ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên nguồn tin đáng tin cậy cho biết lần điều chỉnh tỷ giá này, NHNN không hề bán can thiệp một đồng nào. Quỹ dự trữ ngoại hối đã không giảm từ cuối năm 2010, ngược lại đang tăng lên. Điều này giải thích vì sao trong đề xuất trình Chính phủ, NHNN cho biết cả nhập khẩu xăng dầu cũng được áp dụng tỷ giá kỳ hạn.
Với việc đóng cửa tạm thời nguồn cung ngoại tệ từ NHNN (có thể hiểu là NHNN chỉ mua không bán), bây giờ các ngân hàng muốn giữ chân những khách hàng lớn, đặc biệt các nhà nhập khẩu độc quyền, thì phải lo ngoại tệ cho họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngân hàng đâu có thiệt. Ngoài thu phí dịch vụ thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại tệ, họ còn có quan hệ tín dụng tiền đồng. Với cơ chế mới đang hình thành, liên ngân hàng đang trở thành sân chơi lớn và với tầm ảnh hưởng cũng như độ bao phủ của nó, tỷ giá liên ngân hàng biến thành hàn thử biểu không chỉ cho thị trường ngoại tệ mà cả tiền tệ nói chung. Ở đâu nhiều sóng, ở đó cuộc chơi sẽ nhộn nhịp.
(Theo Hải Lý/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com