Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Phanh" gấp cuộc đua lãi suất không kỳ hạn

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có giải pháp quyết liệt, rất có thể mức lãi suất này sẽ được đẩy lên kịch trần 14%, tạo ra rủi ro cho toàn hệ thống.

Lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn bằng VND của SeABank lên đến 12%/năm. Gói sản phẩm VP Super của VPBank dành cho các khách hàng có nguồn tiền VND luân chuyển qua tài khoản thanh toán với lãi suất lên đến 9%/năm. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có giải pháp quyết liệt, rất có thể mức lãi suất này sẽ được đẩy lên kịch trần 14%, tạo ra rủi ro cho toàn hệ thống.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thực tế hai sản phẩm của VPBank và SeABank đều là hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Tiền gửi không kỳ hạn ở nước ngoài thường không có lãi suất hoặc mức lãi suất rất thấp, bởi ngân hàng sử dụng số tiền đó mang đi cho vay ngắn hạn hoặc những khoản vay mà đồng vốn quay vòng nhanh.

"Lãi suất không kỳ hạn hiện ở Việt Nam được đẩy lên cao, thậm chí thời gian tới có thể còn ngang bằng các mức lãi suất có kỳ hạn là không thể chấp nhận được", ông Hiếu nói.

Không phải các ngân hàng không hiểu điều này, song trong cuộc cạnh tranh huy động vốn hiện nay, khi NHNN khống chế trần lãi suất huy động tối đa là 14%/năm, đồng thời hầu hết ngân hàng lớn đều đã đẩy lãi suất các kỳ hạn tuần lên kịch trần, tất yếu các ngân hàng nhỏ sẽ phải lách bằng mọi giá để huy động vốn. Điều đó cho thấy, rõ ràng, trước các động thái thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của NHNN, một số ngân hàng nhỏ đã có dấu hiệu khó khăn trong huy động.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất không kỳ hạn được đẩy lên cao và có nguy cơ kịch trần là một vấn đề không bình thường. Điều này thể hiện sự căng thẳng thanh khoản trong ngân hàng, nhất là các đơn vị có quy mô nhỏ.

"NHNN cần quan tâm và xem xét kỹ từng ngân hàng để có sự hỗ trợ cũng như chấn chỉnh kịp thời, tránh gây rủi ro cho toàn hệ thống", ông Lịch khuyến cáo.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói thêm, lãi suất không kỳ hạn đẩy lên cao như hiện nay thể hiện cuộc đua không lành mạnh giữa các ngân hàng. Nhưng quan trọng hơn cả, đằng sau cuộc đua này là tình trạng rủi ro liên quan đến thanh khoản.

Do vậy, NHNN cần xem xét 3 vấn đề chính: Thứ nhất, phá vỡ nguyên tắc nền tảng của việc huy động tiền gửi không kỳ hạn là lãi suất rất thấp, làm cho việc giám sát trở nên khó khăn hơn. Thứ hai, trong ngắn hạn, nếu xử lý không tốt sẽ làm thanh khoản của hệ thống vốn đang căng thẳng sẽ rủi ro cao hơn; Thứ ba, về dài hạn, phải cải tổ hệ thống NHTM, đặc biệt là những NHTM nhỏ.

Rõ ràng, khi lãi suất không kỳ hạn được đẩy lên cao, tương đương với mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng hay 6 tháng, đương nhiên người dân không dại gì gửi tiền ở các kỳ hạn dài nhằm chủ động nguồn vốn.

Thế nhưng, trái ngược với sự "chủ động" của người gửi tiền, thực trạng này đang đẩy các ngân hàng vào tình thế khó khăn, nguồn vốn thiếu ổn định và thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thanh khoản. Đó là chưa kể, lãi suất không kỳ hạn bị đẩy lên cao có nghĩa chi phí vốn tăng lên, dẫn đến lãi suất cho vay cũng sẽ bị đẩy lên, đầu ra tín dụng vì thế ngày càng thu hẹp. Hệ quả là, có thể nhiều ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ do ôm quá nhiều vốn giá cao.

Cũng có ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, NHNN nên đặt thêm một "trần lãi suất không kỳ hạn". Thế nhưng, liệu việc làm này có khiến cho thị trường tiền tệ đi vào ổn định, hay các ngân hàng lại nghĩ ra "chiêu lách luật" khác.

Rõ ràng, bản chất của những bất ổn gần đây trên thị trường tiền tệ là việc các ngân hàng buộc phải dùng mọi cách để chạy đua huy động vốn với các ngân hàng lớn. Để giải quyết tình trạng này, NHNN cần có giải pháp cung ứng vốn hợp lý cho các ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng nhỏ đang có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia thẳng thắn cho rằng, NHNN cần phải điều chỉnh rất nhiều quy định hiện nay. Đặc biệt, cần có sự cải tổ về chính sách dựa trên nguyên tắc vừa thực tiễn, vừa thị trường. Nếu áp đặt thị trường bằng những mệnh lệnh hành chính một cách duy ý chí sẽ tạo ra những méo mó trong hệ thống tài chính - ngân hàng.

(vef)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thừa ngoại tệ để cho vay …
  • 'Tuyên chiến' với lạm phát cao
  • Nhà băng đau đầu vì chi phí ngầm trong huy động vốn
  • Khốc liệt cuộc đua tăng vốn điều lệ
  • Giải mã 'sức tăng' mạnh tỷ giá liên ngân hàng?
  • Nhờn chính sách
  • Tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu
  • Điểm lại những vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật quý 1/2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!