Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Tuyên chiến' với lạm phát cao

Thế giới “tuyên chiến” với lạm phát cao, “bóng đen” khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Nhật bình ổn tiền tệ là những tin đáng chú ý nhất trong quý 1/2011.

Mỹ đang đối mặt với bất ổn thị trường bất động sản và nguy cơ lạm phát

Kinh tế Mỹ đang có những chuyển biến tích cực nhờ những biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa được thực hiện từ giữa năm 2010. Trong báo cáo mới nhất, FED nhận định Mĩ đã có thể tự phục hồi nhờ sự gia tăng vững chắc của chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kể từ tháng 9 năm ngoái.

Theo đó, FED đưa ra dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2011 (từ 3,5% - 5%). Đặc biệt, thị trường việc làm đã có dấu hiệu khởi sắc khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 1/2011 giảm khá mạnh xuống còn 9% (từ mức 9,4% của tháng 12/2010), và tiếp tục giảm xuống mức 8,9% trong tháng 2. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần cũng liên tục giảm. Có vẻ người dân Mỹ đã lạc quan hơn về triển vọng phục hồi kinh tế, với chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên đáng kể (từ mức 64,8 lên 70,4 trong tháng 1).

Tuy nhiên, thị trường nhà đất Mỹ phục hồi chưa ổn định. Giá nhà đất đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp, xuống gần bằng mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Số đơn cấp phép xây dựng giảm từ mức 630,000 đơn vị xuống còn 570,000 đơn vị (tính theo năm) trong tháng 1, và tiếp tục sụt giảm xuống 520,000 trong tháng 2. Không những thế, sau khi tăng mạnh trong tháng 1 lên 600,000 căn, số lượng nhà xây mới bất ngờ sụt giảm khá mạnh chỉ còn 480,000 căn tính theo năm. Tương tự, doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 2 cũng giảm tới 9,6% so với tháng 1 (giảm khoảng 2,8% so với cùng kì năm 2010).

Ngoài ra, Mĩ cũng đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. CPI tháng 1 và 2 năm 2011 tăng tương ứng 0,4% và 0,5%, đưa mức lạm phát tính theo năm lên 2,11%, trong khi các tháng trước đó chỉ tăng trung bình 0,1%, thậm chí là âm. Bên cạnh nguyên nhân đã được cảnh báo là do thực hiện kế hoạch QE2, thì áp lực từ tăng giá mạnh các hàng hóa cơ bản cũng đóng góp lớn vào mức tăng chỉ số giá chung.

Tuy nhiên, sức ép tăng giá hàng hóa cơ bản hiện đang được bù đắp bởi chi phí lao động đơn vị khá ổn định, nên lạm phát tại Mỹ vẫn đang được kiểm soát khá tốt. Do đó, FED vẫn tái khẳng định gói QE2 với kế hoạch bơm 600 tỷ USD ra thị trường thông qua hoạt động thu mua trái phiếu sẽ không dừng lại cho tới giữa năm 2011.

Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi “bóng đen” khủng hoảng nợ

Mặc dù chính phủ Hy Lạp đã rất nỗ lực nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng Moody’s đã hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp xuống mức B1 từ mức Ba1 (hạ 3 bậc) và có thể hạ thêm bởi rủi ro của chương trình thực hiện mục tiêu chính sách tài khóa của Hy Lạp, do nguồn thu thiếu hụt và khó cải tổ hệ thống y tế cũng như các công ty nhà nước.

Không những thế, do điều kiện của các khoản vay quá nặng nề nên dù Hy Lạp có thực hiện được kế hoạch điều chỉnh kéo dài 3 năm, nợ của Hy Lạp đến năm 2013 vẫn lên mức 158% GDP. Trước tình hình nay, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, trong khi ECB và IMF có thể sẽ nới lỏng điều kiện chi trả cho các khoản vay dành cho Hy Lạp.

Trong khi Hy Lạp và Ireland, 2 quốc gia phải chính thức xin cứu trợ tài chính từ IMF và EU, vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi bóng đen khủng hoảng nợ công, Bồ Đào Nha đang có nguy cơ là “nạn nhân” tiếp theo, theo đó, trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha kì hạn 10 năm đã tăng lên mức kỉ lục 7,64% vào ngày 10/2/2011.

Ngày 11/3, Chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh mẽ nhất trong 3 thập kỉ qua nhằm trấn an các nhà đầu tư, tránh việc bán tháo trái phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị quốc hội phủ quyết khiến Thủ tướng Jose Socrates buộc phải đệ đơn từ chức vào ngày 23/3.

Ngay sau đó, 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm là S&P và Fitch đã đồng loạt hạ định mức tín nhiệm nợ dài hạn của Bồ Đào Nha xuống 2 bậc. Diễn biến này càng làm tăng cao khả năng quốc gia này sẽ phải nhận gói giải cứu với quy mô khoảng 80 tỷ EUR.

Nhật bản nỗ lực bình ổn thị trường tài chính tiền tệ sau động đất và sóng thần

Trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3, và sau đó là khủng hoảng hạt nhân đã gây hậu quả lớn về con người cũng như thiệt hại về kinh tế cho Nhật bản với ước tính lên tới 3- 4% GDP (theo ước tính của Chính phủ Nhật). NHTW Nhật đã phải liên tiếp bơm các khoản tiền lớn, với tổng cộng lên tới 41,830 tỷ JPY nhằm đảm bảo không có bất cứ một sự gián đoạn nào trên thị trường liên ngân hàng.

Không những thế, do các nhà bảo hiểm và đầu tư phải mua JPY để thực hiện các khoản bồi thường theo hợp đồng sau động đất khiến cho JPY liên tục tăng giá (với mức giá kỉ lục là 76,25JPY/USD – tương đương với mức tăng 7% so với thời điểm trước động đất).

NHTW Nhật cho biết họ sẽ  can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn xu thế này. Động thái này được sự giúp sức của các nước thuộc nhóm G7, theo đó trong ngày 18/3, G7 đã cùng bán tổng cộng 530 tỷ JPY(tương đương khoảng 6,3 tỷ USD). Đây cũng chính là lần can thiệp đầu tiên trên thị trường tiền tệ của các nước G7 kể từ tháng 9/2000.

Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục “tuyên chiến” với lạm phát cao


Lạm phát cao vẫn là mối đe dọa các nền kinh tế mới nổi trong quý 1 của năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là từ giá lương thực và các hàng hóa cơ bản tăng mạnh, do cầu gia tăng trong khi nguồn cung bị thu hẹp bởi thời tiết, bạo động chính trị ở Trung Đông và yếu tố đầu cơ.  

Lạm phát tháng 1 của Trung quốc lên mức 4,9%, và tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 2 mặc dù cơ quan thống kê nước này đã điều chỉnh giảm tỷ trọng nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm trong rổ tính CPI. NHTW Trung quốc đã nâng lãi suất tiền gửi và cho vay kỳ hạn 1 năm thêm 0,25%, đưa 2 mức lãi suất này lên tương ứng là 3% và 6,06% (có hiệu lực từ ngày 9/2/2011), đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% kể từ ngày 24/2/2011, và thêm 0,5% nữa từ ngày 25/3.

Ấn độ, một nền kinh tế mới nổi đang thu hút sự chú ý của thế giới về khả năng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao. Chỉ số giá bán buôn đã tăng 7,5% trong tháng 11/2010, và lên tới 8,4% trong tháng 12/2011 mặc dù chính phủ nước này đã mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong một động thái mới nhất nhằm kiềm chế lạm phát, ngày 25/1, Ấn độ đã tăng lãi suất repo thêm 0,25%, lên mức 6,5%, cao nhất kể từ đầu năm 2008, và có thể sẽ phải tăng lãi suất cơ bản thêm ít nhất 0,75%  trong năm 2011.

Tương tự, lạm phát tháng 1 của Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mĩ La tinh, đã tăng 5,99% so với cùng kì năm 2010, mức cao nhất kể từ tháng 04/2005, theo đó, Ngân hàng Trung ương Brazil sẽ có thể phải nâng lãi suất cơ bản trong thời gian tới (hiện đang ở mức 11.25%).

* Tác giả bài viết hiện là Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Trí Việt - TVSC
Tô Trung Thành - NDHMoney


  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!