Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CPI tháng 4: Kết quả bước đầu của Nghị quyết 18

Trước một số diễn biến bất lợi trong kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã nhanh chóng  ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP về 6 giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Hòa cùng nhịp điệu của CPI tháng 4, giá thép, hiện cũng đã giảm khoảng 500.000 đồng mỗi tấn so với hồi đầu tháng 4

Như là kết quả bước đầu của Nghị quyết này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước đó, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Điều này có được nhờsự điều hành kinh tế vĩ mô quyết liệt, nhạy bén của Chính phủ, sự nỗ lực và phối hợp khá đồng bộ của các Bộ ngành và địa phương.

Phản ứng nhanh với những diễn biến bất lợi

Còn nhớ, sau Tết, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giá lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao khiến dư luận lo ngại về nguy cơ lạm phát trở lại. 

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hiện tượng đẩy giá của các hộ kinh doanh, bán lẻ. Mặc dù, theo thống kê của ngành công thương, nguồn hàng tương đối dồi dào, bởi trước Tết, các ngân hàng thương mại đã cho doanh nghiệp vay không lãi suất để đảm bảo nguồn hàng, không tăng giá.

Tiếp đó, trong tháng 3 diễn ra nhiều lễ hội nên giá một số dịch vụ, mặt hàng vẫn ở mức cao. Mặt khác, sau khi giá một số mặt hàng đầu vào quan trọng được điều chỉnh tăng (điện, xăng, nước ở một số tỉnh, thành phố), lại có thêm nhiều tin tức lo ngại về lạm phát.

Mặc dù, ở thời điểm đó, nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm đã giảm hoặc chưa tăng cao, nhưng do chi phí sản xuất tăng, giá nguyên liệu nhập cao hơn (giá thế giới tăng, tác động điều chỉnh tỷ giá, lãi suất cho vay…) nên một số hàng hóa trên thị trường tiếp tục ở mức cao hoặc đã bắt đầu điều chỉnh tăng (sữa, sắt thép, gas…), đặc biệt giá thép xây dựng đã tăng rất cao.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng thống nhất rằng, chính tâm lý “mọi thứ đều tăng giá” sẽ làm cho tốc độ tăng giá nhanh hơn thực tế. Và nếu không có biện pháp quyết liệt để kiểm tra, xử lý nghiêm thì có thể dẫn tới giá cả tăng ngoài vòng kiểm soát.

Trước tình hình bất lợi đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 4, các thành viên Chính phủ đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010.

Ngay sau đó, ngày 5/4, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham gia cuộc giao ban trực tuyến với Chính phủ  khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ đạt các mục tiêu quan trọng năm 2010.

Ngay sau hội nghị giao ban trực tuyến này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về 6  giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2010.

Những hành động cụ thể của Bộ ngành, địa phương

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai  nhiều biện pháp kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm, chống tăng giá phi lý, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán.

Đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010.

Với xăng dầu, Bộ rà soát cơ chế kiểm soát giá theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, trong đó có rà soát lại chi phí kinh doanh, các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu, không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất linh hoạt và thận trọng, phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ, tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung-cầu vốn thị trường theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các ngân hàng, gắn với đó tìm mọi cách kéo lãi suất xuống thấp.

Các địa phương cũng đã có hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Tại Hà Nội, thành phố đã rà soát, kiểm tra lại tất cả những vấn đề liên quan để tìm ra nguyên nhân tăng giá đột biến vừa qua, tăng quỹ bình ổn giá lên 500 tỷ đồng cho các DN vay không lãi trong năm nay, đồng thời rà soát lại toàn bộ mạng lưới phân phối, tăng cường các cửa hàng xuống tận vùng sâu, vùng xa. Các biện pháp chống đầu cơ, ép giá, "neo" giá cũng sẽ được thực hiện.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong khi kinh tế của TP hồi phục rất nhanh, các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp, GDP đều cao hơn trung bình cả nước, việc kiềm chế tăng giá tiêu dùng vẫn tỏ ra có hiệu quả .

Như trong tháng 2 (tháng Tết Canh Dần), CPI của TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 1,68%, thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội (2,61%) và thấp hơn mức tăng trung bình cả nước (2%).

Đó là bài học thành công của TP. Hồ Chí Minh mà cả nước có thể áp dụng, đặc biệt là biện pháp cho các doanh nghiệp vay vốn mua hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường trong dịp Tết TPđã  thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua.

Với sự đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương, CPI tháng 4/2010 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Ngay cả giá thép, sau một thời gian tăng vọt, hiện cũng đã giảm khoảng 500.000 đồng mỗi tấn so với hồi đầu tháng 4

Các chuyên gia cho rằng những tín hiệu này sẽ tác động tích cực tới đời sống kinh tế cả nước.

(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)

  • Tháng 4: tiêu thụ ôtô tăng 23%
  • Bốn tháng, giải ngân vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD
  • Tháng 4, HNX có thêm 12 CP mới. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 1,619 tỷ đồng/phiên
  • Nhập khẩu xe máy tháng 4: Giảm lượng, giữ “chất”
  • Nhập siêu chiếm 23% giá trị xuất khẩu
  • Nhập siêu vẫn tiếp tục vượt con số 1,1 tỷ USD
  • Xuất khẩu nông, lâm sản 4 tháng tăng 12,8%
  • CPI tháng 4: Kết quả bước đầu của Nghị quyết 18
  • Thị trường thép dần hạ nhiệt
  • TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,23% so với tháng 3
  • Hà Nội: Tháng 4, CPI giảm 0,2%
  • CPI tháng 4/2010: Hà Nội giảm nhẹ, TP.HCM tăng thấp
  • Tháng 4, sản lượng điện có thể mất cân đối cung - cầu từ 2 đến 5%
  • Thị trường tháng 4: Yếu tố DN sẽ thể hiện giá cổ phiếu
  • Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường tháng 4?