Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường tháng 4: Yếu tố DN sẽ thể hiện giá cổ phiếu

Rủi ro do những biến động của các “ẩn số” vĩ mô sẽ giảm đáng kể trong tháng 4. Đây cũng là thời gian các DN công bố báo cáo tài chính quý I và kế hoạch phát triển năm 2010 nên thông tin DN sẽ chi phối xu hướng thị trường. Đó là nhận định của khá nhiều chuyên gia kinh tế. Để làm rõ hơn vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Khối phân tích đầu tư Cty CK DNNVV (SME).

Ông Hùng cho biết, kết quả kinh doanh quý 1 cũng kiểm chứng sức ép từ chính sách tiền tệ và những khó khăn trong việc quản lý vĩ mô. Với giá trị giao dịch tăng mạnh và được duy trì trong tháng 3, tâm lý nhà đầu tư (NĐT) tháng 4 được dự báo tương đối ổn định, tạo điều kiện cho thị trường bước vào giai đoạn tích lũy. Khi tâm lý NĐT ổn định, phân tích kỹ thuật sẽ hỗ trợ tốt hơn trong các quyết định đầu tư.

- Trong báo cáo chiến lược tháng 4 vừa ra, SME đánh giá rằng yếu tố DN sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường tháng 4. Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định này ?

Tháng 4, yếu tố DN được nhận định sẽ chi phối thị trường do các nguyên nhân: Thứ nhất, kinh tế vĩ mô đã tương đối ổn định và dự báo không có nhiều biến động trong tháng 4. Tăng trưởng tín dụng cũng khó có bước phát triển đột phá. Thứ hai, trong tháng 4, các DN đồng loạt công bố báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính có hai tác dụng chính: Một là, kiểm tra lại khả năng tăng trưởng của DN trong thời kỳ kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn do chính sách tiền tệ bị thắt chặt; Hai là, kiểm tra khả năng thực hiện kế hoạch năm 2010 mà DN đã hoặc sẽ công bố tại đại hội cổ đông thường niên. Thứ ba, xu hướng lướt sóng của thị trường vẫn còn khá mạnh. Khi các yếu tố vĩ mô đã ổn định, NĐT sẽ chú ý đến các yếu tố DN để quyết định mua – bán. Đồng thời, trong suốt quý 1, thông tin về DN cũng bị bỏ qua khá nhiều nên trong tháng 4 sẽ tiếp tục thể hiện trong giá cổ phiếu.

- Vậy, chiến lược của NĐT trong tháng 4 này nên như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu, thưa ông ?

Chúng tôi vẫn khuyến nghị NĐT mua vào những mã có tiềm năng tăng trưởng tốt cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, hướng tới sự phục hồi của thị trường trong thời gian sau. Đồng thời, với ngưỡng 510 điểm VN-Index như hiện nay, thị trường VN đang rất hấp dẫn nếu đem so với các khu vực khác và có khả năng phục hồi ít nhất 20% (tương đương với Index ở khoảng 600 điểm). Tuy nhiên, trong ngắn hạn (tháng 4) chúng tôi nhận định thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp từ 500 – 520 điểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các hoạt động đầu tư ngắn hạn và lướt sóng.

- Tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4 được dự báo là khá ổn định. Liệu sự ổn định này có kéo dài đến cuối năm, thưa ông?

Với công bố của NHNN ngày 25/3 giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% trong tháng 4, chính sách tiền tệ tháng 4 được dự báo sẽ không có nhiều biến động. NHNN đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm kiểm soát lãi suất cho vay trong giới hạn nhất định (lãi suất cho vay trung bình hiện nay từ 15% đến 18%). Đồng thời, với việc phát hành trái phiếu với lãi suất trên 12%/năm thời gian gần đây. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tăng lãi suất huy động được đánh giá là phù hợp với điều kiện hiện nay và đóng vai trò nâng cao tính thanh khoản của thị trường vốn.

Nếu không có những biến động lớn từ thị trường thế giới về giá nguyên liệu, lạm phát trong các quý còn lại ít có khả năng xảy ra đột biến. Trong trường hợp thị trường diễn biến như năm 2009, trung bình lạm phát hàng tháng sẽ ở mức 0.5%, tương đương với lạm phát năm 2010 vào khoảng 9 - 10%. Chúng tôi nhận định lạm phát không còn là nhân tố chi phối thị trường tháng 4 và thời gian còn lại của quý 2.

Những động thái của NHNN gần đây cho thấy chưa có chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ; nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục bị kiểm soát để tránh tăng trưởng nóng đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mục tiêu của NHNN được khẳng định lại vẫn là giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 25% trong năm 2010.

- Theo quan điểm của ông, trong năm 2010 quãng thời gian nào sẽ là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của thị trường chứng khoán ?

Theo chúng tôi dự đoán, cuối quý 2 và quý 3 có khả năng là thời điểm tăng trưởng mạnh nhất của thị trường. Nguyên nhân quan trọng nhất là khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian này để đạt mục tiêu tăng trưởng.Trong quý I, tăng trưởng tín dụng rất thấp, chỉ bằng khoảng 35% quý I cùng kỳ năm 2009. Để đạt mục tiêu 25% năm 2010, NHNN sẽ phải xem xét đưa nguồn tiền trở lại thị trường trong thời gian tới. Tháng 4 khả năng này khó xảy ra ngay để tránh áp lực lên lạm phát khi nền kinh tế mới bắt đầu bình ổn. Tuy nhiên, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý IV thì khó có khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP đề ra khi nhiệm vụ còn lại của các quý khá nặng nề.

- Xin cảm ơn ông !

(Theo Hải Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tháng 4: tiêu thụ ôtô tăng 23%
  • Bốn tháng, giải ngân vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD
  • Tháng 4, HNX có thêm 12 CP mới. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 1,619 tỷ đồng/phiên
  • Nhập khẩu xe máy tháng 4: Giảm lượng, giữ “chất”
  • Nhập siêu chiếm 23% giá trị xuất khẩu
  • Nhập siêu vẫn tiếp tục vượt con số 1,1 tỷ USD
  • Xuất khẩu nông, lâm sản 4 tháng tăng 12,8%
  • CPI tháng 4: Kết quả bước đầu của Nghị quyết 18
  • Thị trường thép dần hạ nhiệt
  • TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,23% so với tháng 3
  • Hà Nội: Tháng 4, CPI giảm 0,2%
  • CPI tháng 4/2010: Hà Nội giảm nhẹ, TP.HCM tăng thấp
  • Tháng 4, sản lượng điện có thể mất cân đối cung - cầu từ 2 đến 5%
  • Thị trường tháng 4: Yếu tố DN sẽ thể hiện giá cổ phiếu
  • Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường tháng 4?