Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường tháng 4?

 Rủi ro do những biến động của các “ẩn số” vĩ mô sẽ giảm đi đáng kể trong tháng 4 do thời gian này các DN công bố BCTC quý I và kế hoạch phát triển năm 2010 nên thông tin được công bố từ các DN được cho là sẽ chi phối xu hướng thị trường.

Nhận định của CTCK SMES cho rằng, thị trường khó có khả năng tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn, các hoạt động lướt sóng cũng như sử dụng đòn bẩy tài chính đều tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, đây là thời điểm tốt để mua vào nhất là các mã CP có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2010 và 2011.

Lạm phát sẽ không chi phối thị trường

Mặc dù CPI tháng 3 được công bố ở mức 0,75% (quý I: 4,12%) cao hơn nhiều so với trung bình của 5 năm trở lại đây, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với lo ngại của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo đánh giá, nếu không có những biến động lớn từ thị trường thế giới về giá nguyên liệu, lạm phát trong các quý còn lại ít có khả năng xảy ra đột biến.

“Trong trường hợp thị trường diễn biến như năm 2009, trung bình lạm phát hàng tháng sẽ ở mức 0,5%, tương đương với lạm phát năm 2010 vào khoảng 9 - 10%. Như vậy, lạm phát sẽ không còn là nhân tố chi phối thị trường tháng 4 và thời gian còn lại của quý II”, ông Nguyễn Việt Hùng - GĐ khối phân tích đầu tư CTCK SMES nhận định.

NHNN ngày 25.3 cũng đã công bố sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% trong tháng 4. Do đó, chính sách tiền tệ tháng 4 được dự báo sẽ không có nhiều biến động. NHNN đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm kiểm soát lãi suất cho vay trong giới hạn nhất định (lãi suất cho vay trung bình hiện nay từ 15 - 18%).

Đồng thời, với việc phát hành trái phiếu với lãi suất trên 12%/năm thời gian gần đây, NHNN đang để ngỏ khả năng cho phép các NHTM tăng lãi suất huy động. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tăng lãi suất huy động được đánh giá là phù hợp với điều kiện hiện nay và đóng vai trò nâng cao tính thanh khoản của thị trường vốn.

Trong quý I, tăng trưởng tín dụng tương đối thấp (theo báo cáo của NHNN là 3,34%). Những động thái của NHNN gần đây cho thấy, chưa có chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ; nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục bị kiểm soát để tránh tăng trưởng nóng đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trước mục tiêu của NHNN được khẳng định lại vẫn là giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 25% trong năm 2010, nhiều nhận định đã dự đoán tăng trưởng tín dụng trung bình trong tháng 4 có thể đạt mức xấp xỉ 2%, tức là tăng trưởng nhẹ so với 3 tháng đầu năm.

Theo ông Hùng, mức tăng này dù không có khả năng tạo đột biến về cung tiền cho thị trường nhưng sẽ là bước đệm quan trọng cho việc nới lỏng hơn mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng sau. Những yếu tố như tỉ giá, nhập siêu, cán cân thanh toán cũng được nhận định là tiếp tục ổn định và là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong tháng 4 này.

Báo cáo quý I sẽ không có đột biến

Trong tháng 4, với tình hình vĩ mô và các chính sách tiền tệ có xu hướng ổn định như trên, yếu tố DN sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường. BCTC quý I được công bố sẽ kiểm chứng lại những lo ngại của NĐT về tiềm năng phát triển của các Cty năm 2010.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, nhìn chung BCTC quý I không có nhiều đột biến và khó có khả năng hỗ trợ tổng thể thị trường. Các yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh của DN trong tháng 4 được cho là không mấy tích cực là lãi suất vay NH đang ở mức cao, từ 15 - 18%. Với mức lãi suất này, DN phải đạt được mức lợi nhuận 25% mới có thể có lãi.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp. Quý I cũng được cho là không phải là quý tốt nhất của hầu hết các DN bởi tính chu kỳ của nền kinh tế và kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, một vài nhóm ngành được nhận định là có khả năng gây bất ngờ như hàng tiêu dùng (do mức tiêu dùng tăng cao dịp tết và tăng giá bán lẻ) hoặc sản xuất, nguyên vật liệu (DN với lượng hàng tồn kho lớn, giá rẻ như ngành thép, caosu...).

Tháng 4 cũng được nhận định là mức độ phân hóa ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi thị trường bỏ qua các tin tức DN quan trọng trong quý I vì những quan ngại từ nền kinh tế vĩ mô. Đây là nhân tố chủ chốt có thể hỗ trợ tính thanh khoản của thị trường sau khi kinh tế dần đi vào ổn định và chính sách tiền tệ vẫn được kiểm soát ở mức thận trọng.

 

(Báo Lao Động)

  • Tháng 4: tiêu thụ ôtô tăng 23%
  • Bốn tháng, giải ngân vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD
  • Tháng 4, HNX có thêm 12 CP mới. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 1,619 tỷ đồng/phiên
  • Nhập khẩu xe máy tháng 4: Giảm lượng, giữ “chất”
  • Nhập siêu chiếm 23% giá trị xuất khẩu
  • Nhập siêu vẫn tiếp tục vượt con số 1,1 tỷ USD
  • Xuất khẩu nông, lâm sản 4 tháng tăng 12,8%
  • CPI tháng 4: Kết quả bước đầu của Nghị quyết 18
  • Thị trường thép dần hạ nhiệt
  • TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,23% so với tháng 3
  • Hà Nội: Tháng 4, CPI giảm 0,2%
  • CPI tháng 4/2010: Hà Nội giảm nhẹ, TP.HCM tăng thấp
  • Tháng 4, sản lượng điện có thể mất cân đối cung - cầu từ 2 đến 5%
  • Thị trường tháng 4: Yếu tố DN sẽ thể hiện giá cổ phiếu
  • Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường tháng 4?