Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á:  Quảng cáo panô sống lại

Quảng cáo panô sống lại

Mặc dù hoạt động trong nền kinh tế mới nhưng Palm Corp lại chỉ dùng các công cụ quảng cáo truyền thống: toàn là những panô quảng cáo lớn nhưng hiệu quả cao. Panô quảng cáo của Palm Corp nằm song song với panô quảng cáo của Nokia ngay chỗ vào đường hầm xuyên biển Cross Harbour ở bán đảo Hongkong. Ở đầu bên kia thì thấy sẵn các bảng quảng cáo to đùng của Cathay Pacific, Citibank và Pacific Century CyberWorks.

Theo AC Nielsen, chi tiêu cho quảng cáo ngoài trời hiện chiếm tỷ trọng cao trong ngân sách quảng cáo của các doanh nghiệp làm ăn khắp châu Á. Không những thế nó đã tăng 20% trong 9 tháng đầu năm 2001. Ngược lại tổng kinh phí dành cho chi tiêu quảng cáo thì chỉ tăng có 5% trong cùng thời gian ấy.

Lâu đời nhất

Quảng cáo ngoài trời tuy có lâu đời nhất nhưng tại châu Á ngày nay nó vẫn là công cụ quảng cáo hiệu quả nhất, thọ nhất. Các nghệ sĩ ở khâu sáng tạo (tạm dịch từ từ creative) đã không ngừng vặn đầu, vắt não để có sáng kiến cho các billboard ngày càng đập vào mặt, bắt vào mắt người ta nhiều hơn, mạnh hơn.

Vậy mà cách đây không lâu lĩnh vực quảng cáo ngoài trời tưởng như đã thở hơi cuối cùng. Trong năm 1990, quảng cáo ngoài trời còn chiếm 14% tổng chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp khắp châu Á. Khi mà phát triển kinh tế tươi hồng, thu nhập người dân tăng cao thì truyền hình, radio đã xuất hiện không chỉ một mà hai hoặc ba máy trong một gia đình.

Tháng 7.1997, các hình thức quảng cáo khác đều bị ảnh hưởng, chỉ có quảng cáo ngoài trời là tìm lại được thời vàng son. Năm 2000, quảng cáo ngoài trời đã có doanh thu tăng 10%.

Mức tăng cao nhất là ở thị trường Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Zenith Media ở Hongkong thì quảng cáo ngoài trời ở Trung Quốc sẽ còn tăng ít nhất là 15% trong năm 2001.

advertising-billboard

Hiệu quả không ngờ

Trong thời suy thoái kinh tế, so với các công cụ quảng cáo khác thì quảng cáo ngoài trời vẫn rẻ hơn nhiều. Vài mét vuông quảng cáo bên hông chiếc xe buýt ở Hongkong chỉ tốn có 3000 HK$/tháng trong khi giá một trang quảng cáo trên báo viết thì cao đến 100.000 HK$.

Quảng cáo ngoài trời đã rẻ mà còn sinh hiệu quả cao. "Quảng cáo ngoài trời tự nó khó có thể xây dựng thành công sự cảm biết về một thương hiệu sản phẩm nào đó nơi người tiêu dùng," ông Chris Walton ở công ty chuyên mua không gian quảng cáo Mindshare ở Trung Quốc nói.

Tập đoàn kinh doanh sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới Procter & Gamble trong 3 thập niên qua luôn luôn tránh xa quảng cáo ngoài trời, nay cũng đã bắt đầu thử nghiệm với hình thức này để quảng bá cho loại dầu thơm mới Hugo Boss ở khắp thị trường Hongkong.

Ðầu năm 2001, công ty Walton đã chỉ cần làm việc với chi nhánh công ty quảng cáo Media Nation thì đã có thể tiến hành chiến dịch quảng cáo ngoài trời cho dịch vụ của họ ở 30 thành phố khắp Trung Quốc. Media Nation đã có sẵn trong tay họ không gian quảng cáo trên 22.000 xe buýt ở Trung Quốc và 25.000 bảng lớn nhỏ ở Hongkong.

Nguyễn Anh (Theo FEER 13.12.2001) (SGTT)


  • Có thể lấy quảng cáo nuôi quảng cáo?
  • Công nghệ quảng cáo: Chuyên nghiệp hoá còn xa
  • Quảng cáo giết dần tâm hồn trẻ
  • Châu Á:  Quảng cáo panô sống lại
  • Bùng nổ quảng cáo ngoài trời
  • Độc đáo quảng cáo