Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng cáo giết dần tâm hồn trẻ

Chương trình nào trên tivi được trẻ em thích nhất? Câu trả lời hầu hết từ phía các em là quảng cáo.

Kéo trẻ tới bản năng thấp

Một cô bé 13 tuổi khá ngoan và thông minh, trước câu hỏi: "Em mơ ước gì?", đã trả lời rõ ràng: "Ước là em có tất cả". Cái gì với em là tất cả? Trí tuệ, tài năng, sức khoẻ? Em trả lời: "Không! Đó là ôtô Mitsumitsi- chiếc xe cần cho cuộc sống này, là máy giặt LG chạy rất bền, là...". Hoá ra điều mà em ước là có tất cả những thứ xem được trên quảng cáo! Mặt trái của quảng cáo là tạo ra lối sống thực dụng cho người xem. Những nhà làm quảng cáo kéo khán giả đến bản năng thấp, khi liên tục nhắc lại như người thôi miên: "Bạn sẽ trở nên nồng nàn quyến rũ hơn khi sử dụng sản phẩm này". "Khi ta cần là có, khi ta muốn là được!"..., còn trẻ em dễ dàng hấp thụ những lời kêu gọi đó. Có thể có những đứa trẻ suy nghĩ: Lấy đâu tiền để có cuộc sống như vậy? Các cô, chú "tốt bụng" trên màn ảnh chỉ cho cách đạt nguyện vọng: Chỉ cần cắt sản phẩm ra... và thế nào bạn cũng may mắn. Rất nhiều đứa trẻ uống rất nhiều Coca Cola để bật nắp chai hi vọng có được chiếc xe địa hình, có được những quà tặng hấp dẫn mà các sản phẩm đã quảng cáo. Thậm chí thành thói quen, nhiều bé còn bóc tất cả các gói băng vệ sinh của mẹ để hi vọng trúng thưởng (!).

Do quảng cáo, nhiều giá trị tinh thần như ước mơ, tình yêu, hạnh phúc... bị suy giảm. Những điều chỉ có được từ nỗ lực lớn, thì giờ có thể đạt được nhờ "chiếc gậy thần". "Bạn sẽ có làn da trắng mịn màng như cánh hoa này". Nhờ đó, các bạn gái dùng những sản phẩm kiểu như vậy được quảng cáo trên truyền hình sẽ có được người bạn trai, bạn đời như ý muốn. Các chàng trai dùng dầu gội đầu tốt sẽ có được người bạn gái mình thích và loại bỏ được tình địch chỉ vì đầu anh ta còn nhiều gầu quá. Cô gái xinh xắn thì thuyết phục rằng đối với cô điều quan trọng ở bạn trai là tâm hồn và ... răng. Hay "... Mái ấm gia đình- Ajinomoto". Sau khi hằng ngày xem quảng cáo kiểu vậy, trẻ em có quan niệm tâm hồn, hạnh phúc... có giá trị nếu ta dùng sản phẩm như trong quảng cáo vậy.

Vi phạm những điều cấm kỵ

Hiện nay, ngay những đứa trẻ còn rất nhỏ đã được biết đến các đặc điểm của cơ thể phụ nữ, trong đó chúng biết đến cả những cái cánh nhỏ trong băng vệ sinh phụ nữ. Trong mọi nền văn hoá truyền thống, người ta cấm nói đến những chuyện như vậy cho trẻ nhỏ. Đó không phải là vấn đề bảo thủ: các bác sĩ tâm lý đều biết về việc vi phạm thô bạo những chuyện cấm kỵ dẫn đến những rối loạn trong tâm lý trẻ. Không phụ thuộc vào chuyện người ta muốn bán hàng gì, khoảng một nửa các đoạn phim quảng cáo chứa đựng yếu tố tình dục rõ ràng. Gần đây trên tivi đang quảng cáo hình ảnh một đôi bạn trẻ tay trong tay ở quán cà phê, tiếp đó họ rủ nhau ra sàn nhảy rồi dẫn nhau đến vườn hoa, đoạn băng quay lên phía trên đầu họ, không còn nhìn thấy đôi bạn nữa nhưng một dòng chữ lại nhảy ra với nội dung bao cao su sẽ đảm bảo an toàn cho bạn. Trẻ em, nhất là lứa tuổi còn nhỏ, rất nhạy cảm. Tuy không hiểu hết điều ẩn dụ song chúng vẫn tiếp nhận tinh thần kích dục từ quảng cáo.




http://study.jcapt.com/img1/store/polyp_cartoon_Advertising_Kids_Coke.jpg


Hãy cứu tâm hồn trẻ

Hiện nay quảng cáo xâm nhập vào các phim cả trong những thời điểm bi kịch nhất. Trong một phim nọ, nhân vật trong phim được tin cả gia đình họ đã chết trong trại tập trung. Vào lúc sự căng thẳng đang đạt đỉnh cao, thì cảnh phim bị gián đoạn và trên màn ảnh xuất hiện những người đẹp vui vẻ, chân dài để nói về ưu việt của loại kẹo cao su hay băng vệ sinh mới nào đấy. Nhiều người phẫn nộ vì chuyện đó, bởi nó có nguyên nhân khiến trẻ em điếc về cảm xúc: chúng không có sự đồng cảm nào với nỗi đau của người khác. Các nhân vật trong quảng cáo tiếp tục nhồi nhét cho trẻ những thông điệp mang tính thực dụng: "đi trước một bước", "Làm mọi việc tôi muốn"... Tiếp đó dù người dẫn chương trình có cố gắng giáo dục chúng cần phải khiêm tốn và trung thực, phải yêu mến và kính trọng cha mẹ, phải học tập... thì tất cả những lời ấy trong lúc quảng cáo chen ngang đều chìm đi trong bọt của dầu gội đầu hay kẹo cao su; và như vậy quảng cáo một phần tạo cho trẻ tư tưởng lãnh đạm và ích kỷ với thế giới cuộc sống xung quanh.

Trẻ nhỏ không hiểu được những ẩn ý của quảng cáo mà chỉ cảm nhận trực quan qua những gì chúng nhìn và nghe thấy. Các nhân vật trong quảng cáo là những người thật, và phong cách sống, ý thích, niềm đam mê, cách diễn đạt của họ trở thành khuôn mẫu cho trẻ. Khi theo dõi cuộc sống của họ, trong trẻ hình thành khái niệm sai lệch về cuộc sống của người lớn. Tôi từng nghe các bậc phụ huynh dở cười dở mếu khi con họ bắt bố mẹ phải mua cho chúng cái "Khoẻ như lực sĩ", hay "Cái siêu thấm" để thấm mực hoặc chúng rất ngưỡng mộ kiểu "Sức mạnh của Beckham" cầu thủ bóng đá vạch áo để đổ dầu nhớt vào người...

Tố Uyên (DDDN)



  • Có thể lấy quảng cáo nuôi quảng cáo?
  • Công nghệ quảng cáo: Chuyên nghiệp hoá còn xa
  • Quảng cáo giết dần tâm hồn trẻ
  • Châu Á:  Quảng cáo panô sống lại
  • Bùng nổ quảng cáo ngoài trời
  • Độc đáo quảng cáo