Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ động chặn đà suy giảm kinh tế năm 2009

Ngày 21.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư - trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2008 và chuẩn bị triển khai kế hoạch 2009.

Thủ tướng nhận định: Nền kinh tế nước ta mặc dù đã đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định cân đối vĩ mô, nhưng năm 2009 sẽ đứng trước đà suy giảm. Vì vậy, cần có biện pháp chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, kích cầu đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu.

Không được để lạm phát quay trở lại

Nguy cơ suy giảm nền kinh tế VN được Thủ tướng nhận định chính là bởi chịu tác động của sự suy giảm kinh tế thế giới. Có 3 kịch bản được các chuyên gia kinh tế đưa ra để dự báo xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhận định sáng sủa là kinh tế thế giới năm 2009 sẽ hồi phục nhanh chóng và tăng trưởng trở lại; nhận định thứ 2 là kinh tế sẽ tiếp tục đà suy thoái và chỉ có thể hồi phục vào cuối năm sau; nhận định xấu hơn là ít nhất 2 năm nữa, kinh tế mới trở lại tốc độ tăng trưởng, sau khi liên tục tăng trưởng âm. Với kịch bản nào thì VN cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.

Năm 2008, do tác động của kinh tế thế giới, các chỉ tiêu về XK, du lịch, đầu tư của VN đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Một loạt các ngành hàng sản xuất của VN còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK đã lao đao vì dự báo sai, khiến tồn kho ứ đọng lớn sản phẩm. Dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, kiều hối tuy vẫn "chảy" vào VN, song đã có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là vốn giải ngân.
 
"Điều này cho thấy, trong điều hành kinh tế không thể chủ quan, lơ là", Thủ tướng nói - "Mặc dù mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đạt được, song các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt, quyết không để lạm phát quay trở lại. Cần có biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu quá lớn, duy trì tăng trưởng XK và xúc tiến mở rộng thị trường".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế VN đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, thấp hơn kế hoạch điều chỉnh; việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá chưa nhịp nhàng; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mặc dù đã giảm từ giữa năm, nhưng vẫn tăng cao hơn nhiều so với các năm trước (dự báo CPI cả năm 2008 tăng 22% so với cùng kỳ 2007)...

Bây giờ là lúc kích cầu đầu tư

Trước tình hình giá cả thế giới đang có xu hướng hạ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: "Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp phải tranh thủ đầu tư để khi nền kinh tế hồi phục là có sản phẩm để đáp ứng tăng trưởng".

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: DN phải lựa chọn dự án đầu tư tốt, có hiệu quả, sử dụng đa dạng các nguồn vốn. Chính phủ khuyến khích và có chính sách kích cầu các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT, BT, hoặc các dự án độc lập do các thành phần kinh tế đầu tư, để đảm bảo hiệu quả và góp phần vào mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2009, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; tổng kim ngạch XK tăng 13%; chỉ số giá tiêu dùng kiềm chế ở mức dưới 15% so với năm 2008. Tuy nhiên, đây là những chỉ tiêu không dễ đạt được.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc, trong số 9 giải pháp đồng bộ được Bộ KHĐT nêu ra để thực hiện mục tiêu năm 2009, hiện Chính phủ đang điều hành linh hoạt các nhóm giải pháp về tiền tệ - tín dụng như tiếp tục giảm lãi suất vay, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn trong kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, khắc phục đầu tư dàn trải. Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ đang lấy ý kiến DNNVV để có hướng bù lãi suất, giao Ngân hàng Phát triển VN cơ cấu lại các khoản vay của khối này để vực dậy các DN có khó khăn.

(Theo báo lao động)