Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Michael Porter - “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh đến Việt Nam hồi cuối 2008, đã gợi mở phương pháp tư duy mới: Cạnh tranh toàn cầu bằng lợi thế riêng. Phương pháp này đặt cho các nhà hoạch định chính sách, các học giả và các doanh nhân một trăn trở: Đâu là lợi thế Việt Nam?
Làm thế nào để định vị lại mình trong hoàn cảnh mới cũng như biến lợi thế ấy thành nguồn lực phát triển đất nước?
Nhân lực vẫn là một thế mạnh của Việt Nam |
Tái cấu trúc dựa trên lợi thế cạnh tranh
TS Trần Du Lịch.
TS.TRẦN DU LỊCH - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh: Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, với độ mở rất lớn. Tỷ lệ giữa tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu so với GDP lên đến 180%, tức là cả đầu vào lẫn đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Quá trình tăng trưởng kinh tế vừa qua chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và lao động rẻ, nên sức cạnh tranh ngày càng kém. Để có 1 đồng GDP ta đầu tư đến 5 đồng; đề tăng 1 đồng GDP, ta cần nguồn tín dụng ngân hàng đến 5-6 đồng.
Bản chất nền kinh tế nước ta ngày càng mang nặng đặc điểm của nền kinh tế gia công, tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngoài các giải pháp kích cầu cần có kế hoạch trung-dài hạn: chuyển thách thức thành cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh và hiệu quả.
Thành tựu kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua là rất rõ, nhưng sự tăng trưởng kinh tế không dựa vào năng suất và hiệu quả. Dưới tác động của tình hình kinh tế thế giới và sau hai năm gia nhập WTO, năm 2008 nền kinh tế nước ta đã bộc lộ khá rõ nét sự tăng trưởng thiếu bền vững, do bản thân cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư gây ra.
Do đó, thời điểm nền kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng suy giảm lại chính là cơ hội để chúng ta xác định rõ vị thế của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, thực hiện chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế, cơ sở hạ tầng, khu vực kinh tế, cơ cấu đầu tư.. nhằm chuẩn bị điều kiện phát triển bền vững trong dài hạn. Chuyển mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ số lượng sang chất lượng.
Vấn đề không phải sản xuất ra cái gì, mà sản xuất như thế nào có hiệu quả nhất.
Đánh thức tiềm lực con người
TS Vũ Tự Anh.
TS. VŨ THÀNH TỰ ANH - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Điều mà tôi nhìn thấy rõ nhất và cũng đầy hy vọng về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tiềm lực con người.
Để khai thác được lợi thế - tiềm lực thì phải có một hệ thống giáo dục thật tốt nhằm tạo ra những con người lao động với tay nghề và năng suất cao, có kỷ luật lao động.
Nếu hệ thống giáo dục tạo ra được những con người như vậy, tôi tin Việt Nam sẽ bắt kịp các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan…
Đáng tiếc là hệ thống giáo dục của ta hiện nay khá lạc hậu và đó là một trong những cản ngại lớn nhất trong quá trình chúng ta chuyển từ các mắt xích hay bậc thang giá trị gia tăng thấp sang những mắt xích hay bậc thang giá trị gia tăng cao hơn.
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện có hai điểm yếu cực lớn: Thiếu tính cạnh tranh và thiếu tính sáng tạo. Do còn khá khép kín, ít có sự giao lưu với nước ngoài nên hệ thống giáo dục của ta còn lạc hậu. Khi chúng ta hội nhập toàn cầu mà “máy cái” để tạo ra tri thức lại lạc hậu thì làm sao cạnh tranh? Chúng ta có rất nhiều kế hoạch, nhưng đằng sau kế hoạch lại còn thiếu tầm nhìn, thiếu tư duy chiến lược.
Ngay từ năm 2000, nếu chúng ta “nhìn” được thế giới đi đến đâu vào năm 2020 thì hai mươi năm đó đủ để phát triển hệ thống giáo dục thật tốt và đào tạo được cả chục thế hệ lao động đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Chúng ta có nhiều tiềm lực nhưng vẫn còn ngủ yên, cần phải đánh thức và biến nó thành lợi thế cạnh tranh.
Phát triển lợi thế sẵn có thành lợi thế bền vững
Ông Lê Quốc Ân.
LÊ QUỐC ÂN - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN: Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng, lợi thế ấy không còn kéo dài bao lâu nữa nếu chúng ta không nâng cấp để biến nó thành lợi thế cạnh tranh mới, với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao hơn.
Nhằm nâng cấp lợi thế cạnh tranh, ngành dệt may Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển theo 3 tiêu chí: Đẳng cấp, chất lượng và thời trang; quan hệ lao động hài hòa; thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Kế họach này đã được “nhấn nút”, tuy còn là bước khởi đầu nhưng đã có sự chuyển biến tích cực.
Ở thị trường trong nước, hàng Việt Nam đã vượt lên hàng Trung Quốc về đẳng cấp, chất lượng. Về xuất khẩu, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục chuyển từ gia công đơn thuần sang hình thức FOB dựa trên thiết kế, mẫu mã của chính mình.
Mong muốn của ngành dệt may Việt Nam là trở thành một trung tâm thời trang của châu Á. Nhưng để được như vậy phải có thời gian và phải có sự liên kết đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu. Thời trang không chỉ có dệt may mà còn liên quan đến giày dép, túi xách, mũ nón; liên quan đến phát triển du lịch, dịch vụ, hạ tầng…Và như vậy lại đòi hỏi có một “nhạc trưởng” làm vai trò tổng chỉ huy sự liên kết này, một mình ngành dệt may không làm được.
Chiến lược cạnh tranh ngành cũng giống như chiến lược cạnh tranh của quốc gia vậy, phải lựa chọn, xây dựng và phát triển những lợi thế có được ban đầu thành lợi thế bền vững.
Tìm ra sự độc đáo, khác biệt
GS Michael Porter
GS Michael Porter - Đại học Harvard, Hoa Kỳ: Các lợi thế cạnh tranh của 10 năm trước bây giờ không còn là lợi thế tuyệt đối, Việt Nam cần tìm ra động lực phát triển mới, đó là chất lượng nguồn lao động cao để thu hút được những dự án công nghệ cao tạo giá trị gia tăng lớn.
Có 7 ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam thời gian tới, trong đó có ưu tiên Việt Nam đã thực hiện nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa như chống tham nhũng, cổ phần hóa doanh nghiệp, thị trường tài chính…
Một nhà nước cũng như một công ty cần tìm ra thế mạnh độc đáo của mình, tìm ra điều khác biệt của mình với những đối thủ cạnh tranh.
Singapore không có tài nguyên, không có diện tích lớn, người lại ít nhưng họ biết tận dụng vị trí trung tâm của mình để trở thành trạm trung chuyển. Còn Việt Nam, với ngành may mặc, da giày, đồ gỗ xuất khẩu nhiều như thế tại sao Việt Nam không đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế của thế giới?
Với một bờ biển kéo dài, tại sao Việt Nam không thể trở thành nơi trung chuyển hàng hóa đường biển và dịch vụ hậu cần hàng hải cho khu vực?
Điều quan trọng hơn, Việt Nam cần tạo ra được sự đồng thuận cao trong việc vạch chiến lược cạnh tranh và quyết tâm cao để thực hiện thành công những chiến lược đó.
(Theo báo tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com