Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt năm mới 2009?

Nhiều yếu tố nằm ngoài dự báo diễn ra trong năm 2008 khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam lao đao cả về vốn và đầu ra. Tình hình kinh tế năm 2009 sẽ thế nào đang là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp.

Nền kinh tế thế giới có thể phục hồi vào cuối năm 2009?

Các ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia; Bùi Kiến Thành - Chuyên gia  kinh tế - tài chính, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản quốc tế (IAMC); Nguyễn Bảo Hoàng - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam cùng chia sẻ ý kiến trong bàn tròn của Tiền Phong.

Việt Nam bị tác động không nhỏ

Ông Cao Sĩ Kiêm: Sự tác động, đối với Việt Nam trong năm 2008 hiện lên rất rõ ở ba lĩnh vực: Xuất khẩu, đầu tư và dịch vụ.

Ông Cao Sĩ Kiêm.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, cuộc khủng hoảng làm thị trường tiêu dùng nội địa của nhiều nước co, cả về số lượng và về giá.

Ngay với mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm trước đây vốn là thế mạnh của Việt Nam nay cũng có những tác động nhìn thấy được: Giá ngày càng giảm nhanh, cả về lượng và giá trị.

Với lĩnh vực đầu tư, ODA đã giảm, đặc biệt FDI giảm rất nhanh, đầu tư gián tiếp qua cổ phần, cổ phiếu cũng vậy. Nhiều nước do chịu tác động của suy thoái kinh tế nên tạm ngừng các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Đó là những ảnh hưởng rất lớn.

Lĩnh vực cuối cùng nhìn thấy rõ tác động thuộc về dịch vụ, du lịch, chứng khoán và thị trường bảo hiểm. Số lượng các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã giảm rõ.

Ông Bùi Kiến Thành: Việt Nam là đất nước tương đối bình ổn so với địa chấn tài chính Mỹ nhưng chúng ta phải đối mặt với xuất khẩu giảm sút, trong khi phần này, chiếm tới 60% GDP.

Nguyên nhân là chúng ta chậm phản ứng hơn, so với một số nước trong khu vực, như Singapore, do cơ chế của ta, các bộ, ngành không có quyền chủ động.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Việc tiêu dùng và vay tiêu dùng ở Mỹ bị thu hẹp do cuộc khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế Việt Nam cả về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại, thậm chí sụt giảm, đồng thời, các thể chế tài chính chịu nhiều tổn thất sẽ hạn chế nguồn vốn dành cho đầu tư vào các nước mới nổi như Việt Nam.

Mặt khác, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang treo lơ lửng và dường như sẽ không sớm khắc phục được trong thời gian ngắn hạn. Chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến những ảnh hưởng của nó đến những đầu tư trong nước hoặc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - một cấu thành quan trọng trong sự tăng triển ngắn và trung hạn của nước ta.

Sẽ khởi sắc dần vào cuối 2009

Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi cho rằng, từ quý 3/2009, khi các gói giải pháp được đưa ra vừa qua phát huy tác dụng, tình hình sẽ ổn định lại và tạo nền tảng cho sự phát triển vào năm 2010.

Năm 2008 doanh nghiệp gặp khó về vốn còn năm 2009 khó khăn về đầu ra do thị trường, giá cả, doanh thu sẽ khác. Kinh tế thế giới co lại sẽ tạo sức ép với các doanh nghiệp trong nước.

Để vượt qua điều này, doanh nghiệp cần hướng tới các thị trường mới, trong đó chú trọng tới việc giành lại chính thị trường nội địa. Doanh nghiệp cũng có thể chuyển hàng xuất khẩu sang thị trường trong nước bằng cách cải tiến giá thành, mẫu từ cao cấp xuống thấp hơn, giảm giá thành cho hợp với thị hiếu, sức mua của thị trường trong nước. Tuy nhiên, chắc phải cần tới vài quý để làm việc này.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng

Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Sự cắt giảm các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ kéo theo việc đầu tư toàn cầu bị cắt giảm cộng với sự tự tin trong tiêu dùng thấp, đồng nghĩa với năm 2009 sẽ là một năm khó khăn với những hy vọng lạc quan là thị trường sẽ bắt đầu hồi phục vào cuối năm.

Làm gì để phát triển doanh nghiệp trẻ?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc chơi của doanh nghiệp mà phải xắn tay vào giảm thuế, giảm lãi suất, tăng vốn, cải tiến thủ tục hành chính.

Trong khi đó, doanh nghiệp phải tự rà soát mặt mạnh yếu, đẩy mạnh nội lực của mình cũng như định hướng thị trường, tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại nợ, chuyển hướng mặt hàng, đẩy mạnh giới thiệu thương hiệu trong nước, đặc biệt giảm giá thành, phát triển tối đa lợi thế để đi lên. Chú trọng sự hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau cả về giá, thị trường, quyền lợi và hợp đồng.

Vấn đề hiện nay là giá thế giới giảm kéo theo giá thành đầu vào giảm nhưng với lãi suất ngân hàng là 14% và nay xuống 10% thì doanh nghiệp vẫn không chịu nổi. Năm 2009 cũng cần tiếp tục giảm thêm lãi suất xuống ở mức 7 – 8%.

Ngoài ra Nhà nước cũng có thể “kích cầu” ở lĩnh vực này bằng biện pháp đi vay của người dân ở mức 10% nhưng cho doanh nghiệp vay thì chỉ lấy 8%. Khoảng chênh lệch vay, cho vay 2% thì Nhà nước bù. Đây là cách cứu doanh nghiệp. Nhiều nước đã phải cứu doanh nghiệp theo cách này và họ còn tung tiền hỗ trợ với khối lượng nhiều hơn.

Ông Bùi Kiến Thành.

Ông Bùi Kiến Thành: Nếu Nhà nước điều phối tốt hoạt động của ngân hàng, thì ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%  mà không cần thế chấp, miễn là ngân hàng giám định đúng dự án đó có khả thi hay không. Điều này, các nước đã làm: Hàn Quốc, Mỹ.

Ông Park Chung - hee khi làm Tổng thống Hàn Quốc đã hội tụ các doanh nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp cứ việc nghĩ tới các vấn đề phát triển, xây dựng doanh nghiệp, tiền bạc do Nhà nước lo. Những doanh nghiệp nào làm ăn được, Nhà nước sẵn sàng cấp vốn 100%. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 10 năm, kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc.

Không có lý do gì Việt Nam không làm được như vậy, chỉ cần mình có chính sách quyết liệt. Vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường hoạt động cho doanh nghiệp phát triển.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có đủ sức, nhân bão táp này mà khai thác cơ hội để chúng ta nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế. Để làm được điều này, chúng ta cần ba yếu tố: Nhà nước có chính sách thích hợp; có nhân sự thích hợp; cải cách hành chính, cải cách quản lý nhà nước để Nhà nước và nhân dân nắm tay nhau.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Sáng kiến mang tính đột phá và sự khéo léo linh hoạt ở các doanh nghiệp trẻ là những gì sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là nhà đầu tư mạo hiểm sẽ luôn hỗ trợ cho sự phát triển này và giúp các nhà vô địch của Việt Nam phát triển trở thành những công ty cạnh tranh toàn cầu.

Tất nhiên suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng của thị trường tài chính cũng ảnh hưởng đến các công ty đầu tư của IDG chẳng hạn như việc kêu gọi thêm vốn để mở rộng quy mô công ty, tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ sẽ bị chậm lại và khó khăn hơn, hoặc sẽ có sự trì hoãn trong việc phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Tuy nhiên sự ảnh hưởng này cũng không đến mức độ nghiêm trọng vì phần lớn các hoạt động của IDG đều liên quan đến lĩnh vực Internet, công nghệ thông tin, truyền thông và các công ty vẫn đang duy trì hoạt động tốt.

(Theo báo tiền phong)

  • Toàn cảnh an ninh mạng Việt Nam 2008 và dự báo 2009
  • Chiến lược đầu tư năm 2009: Chú trọng bảo toàn vốn
  • Thị trường tài chính năm 2009 chịu những tác động nào?
  • Chứng khoán Việt Nam 2009: Khó khăn liệu đã hết?
  • Phê duyệt 44 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009
  • Năm 2009: Tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng 1 triệu tấn
  • Ngành Dệt may và da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD năm 2009
  • Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt năm mới 2009?
  • Lợi thế Việt Nam: Định vị và hành động
  • Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2009 khoảng 45 triệu tấn
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩ gì về triển vọng kinh doanh 2009?
  • Giảm 35.000ha nuôi trồng thủy sản trong năm 2009
  • Năm 2009, giảm 0,65% lao động việc làm
  • Thị trường xi măng năm 2009: Đề phòng nguy cơ mất cân đối
  • Đi tìm “sắc hồng” cho kinh tế 2009