Năm 2008 đầy “sóng gió” đã qua đi. Năm 2009 được dự báo là “bão” đến có khi còn mạnh hơn. Nhưng trong “nguy” vẫn có “cơ”. Để vững tay chèo trước sóng cả, không thể bỏ qua những thách thức, nhưng cũng cần nhìn đến những yếu tố “thuận”, được xem như điểm sáng cho bức tranh kinh tế của Việt Nam.
Gây dựng lòng tin
Khi nói về nền
kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn có hai thái cực: vui quá hoặc lại buồn quá mức. Cách đây hai năm, khi mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có những quan niệm rằng cái điều thái lai sắp đến với Việt Nam rồi, Việt Nam qua một đêm sẽ trở thành giàu có. Nhưng giờ, sau hai năm, có người nghĩ rằng năm 2009 này, Việt Nam “chìm” luôn rồi.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng những suy nghĩ đó đều không đúng. Ông nói: " Mỗi lần đối mặt với khó khăn như thế, kinh tế Việt Nam lại mạnh lên".
Còn theo Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, những nỗ lực giải cứu kinh tế có quy mô lớn của thế giới nếu thành công thì thời kỳ suy thoái của thế giới sẽ sớm chấm dứt để bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng, có thể vào cuối năm 2009. Và đương nhiên, sự phục hồi, tăng trưởng sẽ trở lại với Việt Nam.
Mặt khác, dù chịu sóng gió, Việt Nam vẫn là mảnh đất hấp dẫn đầu tư thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này thể hiện ở tỷ lệ lớn số doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu lạc quan để hy vọng năm 2009, sức cầu đầu tư của Việt Nam vẫn lớn, nhờ đó góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế 2009 và tạo thêm năng lực sản xuất mới cho các năm tiếp theo.
Bên cạnh nguồn vốn “ngoại”, gói giải pháp kích cầu được chính phủ công bố gần đây hy vọng cũng sẽ tác động tích cực tới đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ sức mua của người dân. Hơn nữa, nếu lựa chọn đúng đắn đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích cầu, nhiều dự án đầu tư lớn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế sớm đi vào hoạt động sẽ cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác cũng sẽ được giải quyết.
Những kết quả tích cực đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua tạo dư địa quan trọng cho Chính phủ thực hiện các giải pháp khuyến khích tăng trưởng đồng thời vẫn đảm bảo bình ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát ở Việt Nam bắt đầu giảm từ tháng 7 năm 2008 và thậm chí là âm trong những tháng gần đây làm giảm đáng kể sức ép lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, thậm chí đã có dấu hiệu dư thừa vốn khả dụng, lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống mức thấp, tăng trưởng tín dụng dưới mức kiểm soát, nhập siêu liên tục giảm là những yếu tố thuận lợi giúp cho việc tăng cung ứng tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lựa chọn là cơ cấu lại
Ghi nhận những điểm thuận lợi nhưng cũng phải thấy rằng kinh tế Việt Nam và thế giới như bình thông nhau. Ông Vũ Khoan nhấn mạnh và mong muốn các doanh nghiệp rất chú ý những biến động
kinh tế thế giới, các nhà quản lý ở tầm vĩ mô cũng cần lưu tâm điều này để chủ động đối phó với “sóng gió” bất thường.
Ông Vũ Khoan cho rằng hơn lúc nào hết, giờ phải cơ cấu lại nền kinh tế ở tầm vĩ mô và vi mô để không còn yếu kém và tụt hậu. Còn ở tầm doanh nghiệp, có 5 vấn đề cần cơ cấu lại, đó là cơ cấu lại vốn, tổ chức, công nghệ, mặt hàng - thị trường và nguồn nhân lực.
Một vấn đề cũng cần đặt ra là xử lý mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để mạnh hơn, cải thiện hơn mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. “Chính phủ cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn nhưng vẫn chưa đủ bởi nhiều quyết sách đến với doanh nghiệp còn rất chậm.” Ông Vũ Khoan lưu ý./.