Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
1 - Khó khăn, GDP vẫn tăng 6,23 %
Năm 2008, Việt Nam đối mặt khó khăn do kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt qua khó khăn của cả nước, đến nay, các ngân hàng (NH), tổ chức tài chính vẫn ổn định; các doanh nghiệp (DN) lớn vẫn trụ vững…
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8%, đến năm 2008 chỉ đạt 6,23%. Đây là kết quả của việc linh hoạt trong điều hành chính sách trước hai trạng thái phức tạp của nền kinh tế cùng lúc diễn ra trong năm: lạm phát và giảm phát.
Với tốc độ tăng trưởng ở mức như hiện nay và kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua (65 tỷ USD), Việt Nam có quyền hy vọng và tin tưởng sẽ vượt qua suy thoái kinh tế.
2 - Lạm phát lên mức hai con số
Năm 2008, lạm phát đã vượt lên mức hai con số, đỉnh điểm lên đến 23%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, lạm phát đại phi mã đã từng xảy ra vào năm 1986, với con số lên đến 776%.
Mức lạm phát hơn hai con số đã khiến đời sống người lao động, người làm công ăn lương rơi vào khó khăn. Giá cả nhiều mặt hàng trong nhiều tháng của năm 2008 đã vượt xa giá trị thật. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ triệt tiêu thành quả kinh tế.
Chính phủ đã phải thực hiện 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát và cơ bản đã đạt được kết quả như mong muốn.
3-Giá xăng thế giới lao dốc, trong nước vẫn “gánh” giá cao
Thời điểm tháng 7/2008, giá xăng dầu thế giới đã vọt lên đến 147,27 USD/thùng. Mức giá này liên tục nằm trong nguy cơ bị đẩy lên cao hơn hồi giữa năm. Trước sức ép của giá dầu thế giới, giá xăng A92 trong nước đã tăng đột biến từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng/lít vào tháng 7/2008.
Giá xăng dầu cao không những tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của các doanh nghiệp mà sinh hoạt bình thường của người dân cũng bị ảnh hưởng. Đáng nói là, khi giá xăng được điều chỉnh tăng đột biến theo giá xăng dầu thế giới, người dân được kêu gọi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Vậy nhưng, khi giá dầu thế giới giảm mạnh xuống mức dưới 40 USD/thùng, thì giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt từ 500 –1.000 đồng/lần và hiện người dân vẫn phải mua xăng dầu với mức giá bị coi là cao.
4-Thị trường tiền tệ biến động mạnh
Năm 2008, các tổ chức tín dụng, nhất là hệ thống NH thương mại đứng trước nhiều biến động. Sáu tháng đầu năm 2008, để kiềm chế lạm phát cũng như hạn chế tăng trưởng nóng của NH thương mại, NHNN đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ: tăng dự trữ bắt buộc, yêu cầu các NH mua tín phiếu bắt buộc, ấn định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 30%, cấm cho vay vượt trần…
Do lãi suất cơ bản (LSCB) liên tục tăng từ 8,25% lên 14%. Tình trạng nhiều NH thiếu tính thanh khoản đã đẩy các NH thương mại vào cuộc đua lãi suất huy động, đỉnh điểm lãi suất lên tới 20%/năm. Sau thời gian đầu năm thiếu vốn, cuối năm các NH lại thừa vốn do LSCB quay về 8,5% năm. LSCB đã được điều chỉnh tăng lên và giảm xuống không dưới 15 lần trong năm 2008.
Việc điều chỉnh này góp phần bình ổn thị trường tiền tệ trong nước, song nhiều chuyên gia e ngại sẽ tạo ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho phát triển kinh tế theo chu kỳ.
5- FDI lập kỷ lục hơn 64 tỷ USD
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam năm 2008 đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gấp 2 lần năm 2007 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tổng số dự án FDI được cấp mới cả năm là 1.171 với tổng số vốn đăng ký đạt 60,2 tỷ USD, tăng 222% so với năm 2007.
Năm 2008 cũng có 311 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 3,74 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI 2008 đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2007… Năm 2008, khối doanh nghiệp FDI đã góp vào ngân sách nhà nước gần 2 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2007.
Tuy nhiên, cơ cấu vốn FDI đang bị xem là có vấn đề do xuất hiện nhiều đại dự án vốn lớn nhưng ít hàm lượng trí tuệ, tiêu tốn điện năng và gây nguy cơ với môi trường…
6- Sốt giá vì “vòng xoáy” tin đồn
Cuối tháng 4/2008, “cơn sốt gạo” bùng phát trong 2 ngày tại nhiều thành phố, trong đó có TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Điều ngạc nhiên là cơn sốt này được thổi bùng lên do tin đồn thất thiệt.
Xăng cũng chịu cảnh tương tự khi có thông tin giá xăng sẽ tăng lên hơn 20.000 đồng/lít bị đồn thổi khắp nơi. USD, vàng nhiều thời điểm cũng không thoát khỏi “vòng xoáy” tin đồn để tăng giá lên trên 20.000 đồng/USD và 19,5 triệu đồng/lượng vàng SJC. Đây cũng là năm mà giá USD, gas… cũng bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, những cơn sốt trên nhanh chóng bị dập tắt do những biện pháp mạnh, nguồn cung dồi dào và thông tin nhanh nhạy của hệ thống truyền thông.
Bên cạnh đó là sự lan truyền tin đồn về hàng loạt đại gia bị bắt, hoặc cấm xuất cảnh như: Chủ tịch HĐQT Cty chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, “đại gia” bất động sản Dương Thị Bạch Diệp…
7-Chứng khoán và bất động sản “rơi tự do”
Đến tháng 12/2008, khi thị trường chứng khoán vẫn “ngủ đông” dài thì VN-Index chỉ còn dao động quanh mốc 300 điểm-mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Chỉ số giá chứng khoán giảm khiến nhiều loại cổ phiếu xuống giá mức chỉ bằng 1/10, 1/20 so với lúc giá lên đến đỉnh điểm.
Thực trạng này đẩy nhiều nhà đầu tư vào thua lỗ và hàng loạt Cty chứng khoán cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Bất động sản cũng có chung số phận với chứng khoán. Đến tháng 12/2008, giá bất động sản tại TP Hồ Chí Minh nhiều nơi chỉ bằng 30% so với mức giá hồi đầu năm 2008.
Tuy giá giảm, nhưng so với thu nhập đầu người, giá bất động sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn quá đắt đỏ.
8- Dành 1 tỷ USD kích cầu nền kinh tế
Sau thời gian lạm phát đầu năm, cuối năm 2008, kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát. Nhiều ngành kinh tế, doanh nghiệp đối mặt khó khăn. Chính phủ đã công bố gói kích cầu 1 tỷ USD, và theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thì “gói” này có thể lên đến 6 tỷ USD.
Gói kích cầu này dự kiến sẽ dùng để kích cầu sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tiến hành việc miễn, giảm, hoãn, chậm thu, nộp thuế đối với các doanh nghiệp...
Ngoài ra cũng sẽ tăng đầu tư, ưu đãi đối với cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, hạ tầng dân sinh như trường học, bệnh viện; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà để bán; đào tạo nghề; gia tăng chính sách xoá đói giảm nghèo; trồng, bảo vệ rừng…
9-Các tập đoàn kinh tế bị phản ứng
Các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình của nhiều nền kinh tế phát triển và được xem là những “quả đấm” của kinh tế. Song, trong năm qua, các tập đoàn đã không tạo ra được ưu thế, vị thế chủ lực như mong đợi.
Dư luận đã lên tiếng phản đối không ít lần về việc các tập đoàn, tổng Cty lớn đầu tư ngoài ngành, sử dụng vốn của Nhà nước tràn lan. Có tập đoàn vay nợ nhiều, độc quyền, đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng với những ưu đãi được nhận…
Tập đoàn điện lực Việt Nam xin “thưởng” hơn 1.000 tỷ đồng. Kinh doanh có lãi nhưng tập đoàn này vẫn xin Chính phủ tăng giá điện, đồng thời trả lại 13 dự án điện…
Tập đoàn công nghiệp đóng tàu (Vinashin) vay nợ song vẫn đổ vốn vào NH, bất động sản, chứng khoán, lập Cty tài chính… Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá những kiểu hoạt động này đã góp phần gia tăng lạm phát.
10-Lao động đứng trước nguy cơ giảm, mất việc
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, 80% số DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong số đó, 60% DN làm ăn kém và khoảng 20% DN đang ngừng trệ, đóng cửa hoặc đã phá sản. Con số này đang khiến nhiều chuyên gia bi quan.
Thực tế, tại TP HCM đã có gần 20 DN ngừng sản xuất, khiến 4.000 công nhân mất việc làm. Tại Bình Dương đã có gần 40 DN đã đóng cửa hoặc đang làm thủ tục xin phá sản. Đến cuối tháng 12/2008, nhiều DN đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất do đơn đặt hàng ngày càng ít.
Người lao động đang mong đợi sẽ có thêm nhiều việc làm khi những đồng tiền từ gói kích cầu 6 tỷ USD về đến tay doanh nghiệp.
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com