Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

5 sự kiện - vấn đề ôtô nổi bật năm 2008

Ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô Việt Nam năm 2008 đã chứng kiến rất nhiều những sự kiện và vấn đề nổi bật.

Trong đó, có những sự kiện và vấn đề được coi là kết quả từ những biến động của năm 2007, hoặc được đánh giá sẽ tạo nên những tác động mạnh đến ngành ôtô năm 2009.

Vụ lừa đảo tại Toyota Giải Phóng

Vào cuối tháng 1 bước sang đầu tháng 2, ngành ôtô Việt Nam năm 2008 đã khởi đầu bằng một vụ việc có thể xem là hy hữu, xảy ra tại Công ty Liên doanh Toyota Giải Phóng.

Lợi dụng thời điểm thị trường đang rơi vào tình trạng khan hiếm xe trầm trọng trong khi người tiêu dùng lại sôi sục đi mua xe cho dù giá bán tăng cao, nhân viên Đỗ Trọng Hải của Toyota Giải Phóng đã lừa đảo được tới 3,4 tỷ đồng và hơn 54.000 USD từ 18 khách hàng.

Tháng 11/2008, tòa sơ thẩm thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Đỗ Trọng Hải mức án 20 năm tù với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với các khách hàng bị lừa tiền, hội đồng xét xử cho rằng các tình tiết của vụ việc không cho thấy đủ căn cứ để yêu cầu Toyota Giải Phóng bồi thường thiệt hại mà chỉ yêu cầu công ty này khắc phục những thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Điểm đáng lưu ý tại sự kiện này là hầu hết các khách hàng đều là doanh nhân, trí thức, song lại bị Đỗ Trọng Hải lừa đảo chỉ bằng… lời hứa giao xe sớm. Sự kiện này đã như một nét vẽ cuối cùng của bức tranh được coi là kỳ lạ nhất về thị trường ôtô, đồng thời cũng vẽ một đường cắt ngang bức tranh đố thành hai nửa đối nghịch nhau.

Từ giữa năm 2007 đến đầu năm 2008, các hãng ôtô bỗng dưng được “sắm vai” Thượng đế vừa bán vừa la vẫn đắt hàng thì đến cuối năm, khi thị trường ôtô ảm đạm, khách hàng lại trở về làm Thượng đế.

Và có lẽ nhờ bài học Toyota Giải Phóng, kể từ nay trên tại thị trường ôtô sẽ không còn chuyện xếp hàng, đút lót để được mua xe nữa.

Các liên doanh nhập khẩu xe nguyên chiếc

Một trong những câu chuyện gây bất ngờ nhất của ngành ôtô Việt Nam 2008 chính là việc các liên doanh ôtô thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tham gia thị trường xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc sớm hơn lộ trình.

Theo nội dung cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, phải bắt đầu từ năm 2009 các công ty liên doanh mới được phép tham gia nhập khẩu và phân phối sản phẩm nguyên chiếc. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm nhiều liên doanh ôtô thuộc VAMA đã đệ đơn lên Chính phủ xin tham gia hoạt động nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.

“Nổ súng” đầu tiên là hãng xe hơi sang trọng đến từ nước Đức, Công ty Liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Cuối tháng 2/2008, MBV đã “khai hỏa” thị trường nhập khẩu của các khối các liên doanh trong nước bằng lô 4 chiếc E200K Avantgarde và một chiếc crossover nổi tiếng R350L giao cho khách sạn 5 sao New World Saigon.

Rải rác sau đó, nhiều liên doanh khác cũng đã tham gia thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc như Toyota với Land Cruiser, Ford với Mondeo 2008, Suzuki với Swift hay gần đây nhất là Vinastar (Mitsubishi) với mẫu pick-up Triton.

Kể từ khi các liên doanh ôtô trong nước tham gia phân phối xe nguyên chiếc, thị trường xe hơi nhập khẩu đã có nhiều chuyển biến lớn với những cuộc cạnh tranh khá mạnh mẽ trên từng phân khúc khác nhau.

Liên tiếp tăng thuế

Một câu chuyện khởi đầu cho nhiều câu chuyện đáng lưu tâm khác tại thị trường ôtô Việt Nam năm 2008 chính là việc Bộ Tài chính liên tiếp điều chỉnh các sắc thuế đối với ôtô, trong đó nổi bật nhất là 2 lần tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.

Ngày 11/3, Bộ Tài chính tiến hành tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc lần đầu tiên, từ mức 60% lên 70%. Tiếp theo, ngày 17/4, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tăng sắc thuế này lần thứ hai, từ mức 70% vọt lên 83%.

Hai lần tăng thuế này đã góp phần quan trọng tạo nên một “cơn bão giá” trên thị trường xe hơi nguyên chiếc kèm theo đó là một cuộc khủng hoảng thừa mà đến tận cuối năm, giới kinh doanh xe nhập khẩu vẫn chưa “giải quyết” được hết lượng xe tồn kho.

Đáng chú ý là trước khi Bộ Tài chính tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 60% lên 83% đã có 3 lần liên tiếp sắc thuế này được điều chỉnh giảm trong năm 2007, từ mức 90% xuống còn 60%.

Cũng trong năm 2008, rất nhiều các sắc thuế và kể cả nhiều loại phí, lệ phí đối với ôtô cũng đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Trong đó có thể kể đến hai lần tăng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện cho xe lắp ráp thêm 5-10%; tăng thuế tuyệt đối đối với xe đã qua sử dụng thêm 1.500 – 3.000 USD/chiếc; tăng lệ phí trước bạ lên ít nhất 10%...

Lý do quan trọng nhất dẫn đến những điều chỉnh về thuế và phí đối với ôtô trong năm 2008 là nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát và nhập siêu, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân qua đó giảm ùn tắc giao thông…

Hàng nghìn ôtô hư hại do đại hồng thủy

Cơn mưa lớn kéo dài hơn 3 ngày đầu tháng 11 đã gây nên một trận đại hồng thủy tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngoài những thiệt hại về người và của nói chung, trận lụt lịch sử này cũng khiến hàng nghìn xe ôtô bị hư hại.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trận lụt này đã “đẩy” hơn 1.000 ôtô vào các trung tâm sửa chữa. Tính sơ bộ, riêng tiền bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm phải trả cho khách hàng đã lên đến gần 100 tỷ đồng. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng những thiệt hại còn lớn gấp nhiều lần do không ít chủ xe không tham gia mua bảo hiểm.

Đối với các hãng ôtô, việc phải tham gia hỗ trợ khách hàng với nhiều chương trình miễn phí cũng đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trên một khía cạnh nào đó, theo đại diện một số công ty ôtô, thì trận đại hồng thủy này cũng đã là một bài học đối với nhiều người lái xe.

Vietnam Motor Show 2008

Mỗi năm ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đều có 4-5 cuộc triển lãm khác nhau nhằm phô trương sức mạnh, giới thiệu các sản phẩm mới và thăm dò thị trường cho những sản phẩm dự định tung ra.

Tuy nhiên, triển lãm ôtô do VAMA tổ chức (Vietnam Motor Show) luôn là sự kiện nổi bật nhất với sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp ôtô lớn trong cả nước, số lượng sản phẩm áp đảo, quy mô lớn nhất và những mẫu xe được trưng bày cũng hấp dẫn nhất.

Sau năm 2006 tổ chức tại Tp.HCM, Vietnam Motor Show 2008 đã được VAMA đưa ra Hà Nội nhằm tạo thế “cân bằng” giữa hai thành phố trung tâm của cả nước. Vietnam Motor Show có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sự quy tụ của 13/17 hãng xe thành viên VAMA cùng hàng chục doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, các nhà cung cấp phụ tùng, đồ chơi ôtô...

Một điểm mới của Vietnam Motor Show 2008 là kỳ triển lãm này đã có sự góp mặt của hàng loạt mẫu xe nhập khẩu được các thành viên VAMA phân phối tại thị trường Việt Nam.

Kể từ 2008, Vietnam Motor Show sẽ trở thành sự kiện thường niên và được tổ chức luân phiên giữa hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM. Trước đây, Vietnam Motor Show được VAMA tổ chức 2 năm/lần.

* Ngoài các sự kiện và vấn đề nổi bật trên đây, ngành ôtô Việt Nam năm 2008 còn chứng kiến nhiều sự kiện, vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm.

Trong đó có thể kể đến sự kiện lô 96 chiếc xe được Toyota Việt Nam lắp ráp với động cơ bị bỏ quên trong một thời gian dài; cũng với Toyota Việt Nam là việc hãng xe này đã tiến hành thay thế miễn phí vành đúc cho 2.430 xe Innova; sự kiện Nissan thành lập liên doanh tại Việt Nam; Audi chính thức được phân phối tại Việt Nam; các kỷ lục bán hàng của nhiều hãng xe và nhiều mẫu xe…
 

(Theo VnEconomy)

  • 10 sự kiện - vấn đề bất động sản của năm
  • Thế giới 365 ngày nhìn lại
  • 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008
  • Công bố 10 sự kiện thông tin & truyền thông nổi bật năm 2008
  • 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008
  • 9 khoảnh khắc "chết lặng" của kinh tế thế giới 2008
  • 10 dự báo kinh tế "hớ" nhất năm 2008
  • Những bê bối chính trị sốc nhất nước Mỹ năm 2008
  • Nga: Nhiều kết quả khả quan trong năm 2008
  • 10 sự kiện ảnh hưởng người tiêu dùng VN năm 2008
  • 2008 - năm đầy tai tiếng của các đại gia
  • Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2008
  • 10 điểm nổi bật trên thị trường ngân hàng năm 2008
  • Hoàng tử Anh vào tốp đầu “Bộ râu năm 2008”
  • 5 sự kiện - vấn đề ôtô nổi bật năm 2008