Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008

Năm 2008 sắp kết thúc với nhiều khó khăn thách thức. Sự điều hành vĩ mô về kinh tế của Nhà nước đã góp phần bình ổn thị trường, củng cố niềm tin cho người dân. Chuẩn bị bước sang năm mới 2009, Hànộimới Online đã bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật nhất của năm 2008.

1/ Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bước đầu có kết quả nhưng sau đó là nỗi lo thiểu phát:

Những tháng đầu năm, lạm phát tăng cao, tiền mất giá. Đặc biệt là tháng 2 - 3/2008  CPI tăng tới 3,56% , tháng 5 CPI tăng 3,91%, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn trong nước. Bước đầu, nhóm giải pháp trên đã đạt kết quả quan trọng, duy trì mức tăng trưởng GDP cao (khoảng 6,23%), GDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nền kinh tế đối mặt với tình trạng suy giảm (CPI 3 tháng cuối nămg giảm lần lượt  là 0,19%; 0,74% và 0,68%).


2/ Thị trường chứng khoán sụt giảm thê thảm, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Năm 2008 lần đầu tiên chỉ số VN – Index đã bị thủng đáy 300 điểm và HaSTC – Index bị thủng đáy 100 điểm. Giá cổ phiếu rơi tự do: Trong vòng chưa đầy 1 năm nhiều mã CP mất tới trên 60 -70% giá trị. Có mã mất tới hơn 90% giá trị. Hơn 20% mã CP trên sàn niêm yết rơi giá xuống dưới mệnh giá. Nhà nước đã có những biện pháp can thiệp tức thời như co hẹp, hoặc nới rộng biên độ giao dịch, chấn chỉnh những sự thiếu minh bạch trên thị trường, nhưng cũng không cản được đà đi xuống liên tục của thị trường.



3/ Thu hút 5 tỷ USD vốn tài trợ ODA:

Với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng” tại  Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (4/12/2008) các nhà tài trợ Thế giới đã cam kết khoản tài trợ cho Việt Nam lên tới 5 tỷ  USD vốn ODA (không tính khoản tài trợ của Nhật Bản chưa được cam kết). Riêng Ngân hàng Thế giới cam kết tài trợ 1,66 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế Thế giới bị rơi vào khủng hoảng, nhiều quốc gia gặp khó khăn, thì đây là một thành công lớn của Chính phủ trong việc khẳng  định những bước phát triển đúng hướng, sử dụng hiệu quả đồng vốn ODA, tạo niềm tin cho các nhà tài trợ. 

4/Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao nhất từ trước tới nay:

Năm 2008 Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao cả về số vốn thực hiện lẫn vốn đăng ký cấp mới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 64 tỷ USD (cao nhất từ trước tới nay) và hơn gấp 3 lần năm 2007, trong đó các dự án đầu tư quy mô lớn nhiều hơn các năm trước. Riêng 27 dự án có quy mô đầu tư từ 100 triệu USD đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó có những dự án đạt quy mô vốn từ 3,5 tới 7,8 tỷ USD. Số nước và vùng lãnh thổ có lượng đầu tư vốn vào Việt Nam tăng đáng kể. Điều này chứng tỏ các NĐT nước ngoài rất quan tâm tới tiềm năng và triển vọng phát triển trung và dài hạn của Việt nam.
 

5/ Hai lần tăng, 10 lần giảm giá xăng:

Năm 2008 là năm đầy biến động đối với thị trường xăng dầu. Vào hồi tháng 7, giá dầu thế giới lên tới 147 USD/thùng đã khiến giá xăng trong nước tăng lên mức kỷ lục 19.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu mặt hàng này còn 0% (trước đó tăng  từ 13.000 đồng/lít năm 2007 lên 14.500 đồng/lít vào tháng 2/2008). Tuy nhiên, sau đó, giá dầu thế giới giảm dần và đến tháng cuối năm còn dưới 40 USD/thùng. Vì thế, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm theo, còn 11.000 đồng/lít vào tháng 12, thuế nhập khẩu tăng lên kịch trần 40%. Tính chung, năm 2008, giá xăng trong nước đã 2 lần tăng  và 10 lần giảm. Năm 2008 cũng đánh dấu việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự quyền quyết định giá bán lẻ đối với mặt hàng này. Căn cứ vào giá nhập khẩu, thuế, phí, lợi nhuận... doanh nghiệp được tự tính toán mức giá cụ thể đến tay người tiêu dùng. 3 ngày trước khi ban hành giá bán mới, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký với Liên bộ Tài chính - Công Thương.

6/ Giá Vàng có nhiều biến động:

Quý 1, giá vàng thế giới tăng như vũ bão (ngày 17/3 giá vàng lên mức cao nhất trong lịch sử là trên 1.030 USD/ounce), quý 2 vững vàng ở mức cao, quý 3 trồi sụt mạnh (biên độ dao động lớn 750 USD/ounce-980 USD/ounce) và quý 4 tăng trở lại  (dù có lúc còn 709,5 USD/ounce  từ mức trên 900 USD vào đầu quý nhưng những ngày cuối năm tăng lên trên 880 USD/ounce). Tại thị trường trong nước, quý 1 và 2 thị trường rất sôi động, giá có thời điểm lên mức 1,95 triệu đồng/chỉ. Sang quý 3, với lý do từ đầu tháng 6/2008, Nhà nước ngừng cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu vàng trong nước tăng cao, các nhà kinh doanh vàng trong nước liên tục duy trì khoảng cách khá lớn giữa giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước. Quý 4, giá giao dịch phổ biến mức 1,65 triệu đồng-1,7 triệu đồng/chỉ nhưng đến những ngày cuối năm đã tăng vọt lên 1,8 triệu đồng/chỉ. Giá vàng trong nước và thế giới gần như trở về ngang bằng. Nhìn chung giao dịch trong quý này ảm đạm do nhu cầu mua vào và bán ra thấp do giá không hấp dẫn.

Về tỷ giá, nếu như trong vài tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục sụt giảm (từ mức 16.112 đồng xuống 15.960 đồng, mức thấp nhất là 15.560 đồng/USD, trên thị trường tự do, USD dao động từ mức 15.700- 16.000 đồng/USD) thì sau đó tỷ giá đã có 3 đợt sóng: Từ 26/03-16/07, tỷ giá tăng dần đều và đột ngột tăng mạnh vào giữa tháng 6, đỉnh điểm lên đến 19.400 đồng/USD (18/06); Từ 16/10 đến 20/12, tỷ giá USD bất ngờ tăng  trở lại, từ mức 16.600 đồng lên mức cao nhất là 16.998 đồng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ 2% lên 3% vào ngày 7/11, giá USD trên tự do lên tới 17.440 VND; Từ 25/12 đến hết năm: Ngày 25/12, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá liên ngân hàng lên sát mốc 17.000 đồng đã gián tiếp tăng tỷ giá của các ngân hàng thương mại lên phổ biến là 17.450 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do ở mức 17.500 đồng.

7/Thị trường tiền tệ biến động mạnh về lãi suất:

Có thể nói, chưa khi nào lãi suất trên thị trường lại có nhiều biến động như năm 2008. Vào hồi  tháng 2, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động để thu hút tiền đồng nhằm tăng cường tính thanh khoản (có ngân hàng tăng lên trên 14%/năm) đã khiến điều ít xảy ra trên thị trường tiền tệ trong nước là người dân đua nhau rút tiền ở ngân hàng có lãi suất thấp gửi ở ngân hàng có lãi suất cao hơn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có công điện khẩn số 02 quy định lãi suất huy động không vượt quá 12%/năm. Sau đó, các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất kéo lãi huy động về mức 11%/năm. Ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 8,75% lên 12% và ấn định lãi suất kinh doanh của ngân hàng thương mại không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ, theo đó “trần” huy động hết hiệu lực. Ngày 11/6, lãi suất cơ bản được điều chỉnh tăng lên 14%. Thị trường lãi suất lại nóng từng ngày khi các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động. Trong khi  mức lãi suất cho vay tối đa là 21%/năm thì có ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động VND lên tới trên 19%/năm, cá biệt có trường hợp đẩy lên sát mốc 20%/năm. Sau đó, lạm phát dần được kiềm chế, chính sách tiền tệ được nới lỏng dần, Ngân hàng Nhà nước đã hạ dần lãi suất cơ bản, đến tháng 12 còn 8,5%/năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý.

8/ Năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu:

Năm 2008 đã ghi nhận một sự “rượt đuổi” về tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu.

Nếu như quý I/2008, xuất khẩu chỉ tăng 24% trong khi nhập khẩu tăng tới 71%;  quý II/2008, xuất khẩu tăng gần 36%, nhập khẩu tăng 61,7%; đến hai quý cuối năm 2008, khoảng cách về tốc độ tăng giữa xuất khẩu và nhập khẩu được thu hẹp hơn nhiều. Kết quả cuối cùng, năm 2008 là năm đầu tiêntốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.

 

Theo Bộ Công thương, năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 63 tỷ USD, tăng hơn  29,5% so với năm 2007. Ngoài 10 mặt hàng có kim ngạch hơn 1 tỷ USD đã được thực hiện từ năm 2007 trở về trước là dầu thô, than đá, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, cao su, trong năm 2008 xuất hiện thêm 1 mặt hàng có khả năng đạt trên 1 tỷ USD là dây và cáp điện. Đáng chú ý là nhập siêu giảm 3 tỷ USD, xuống còn 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đạt khoảng 27%, giảm so với năm 2007. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt 79,91 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm ngoái.

9/ Thị trường bất động sản ngưng trệ:

Năm 2008 chứng kiến sự xuống dốc mạnh của thị trường bất động sản (BĐS). Vào thời điểm cuối năm 2007, đến đầu năm 2008, các nhà đầu tư còn gặt hái lớn từ thị trường BĐS; thị trường tự tăng giá đã tạo nên một khoảng lợi nhuận rất lớn mà nhà đầu tư chỉ cần tự “hưởng lộc trên trời rơi xuống”. Các "bong bóng kinh tế" trong thị trường BĐS đã mang lại rất nhiều lợi nhuận bất hợp lý cho các nhà đầu tư. Nhiều tờ báo đã nói là giá nhà đất ở Việt Nam đạt đỉnh trên thế giới.

Bên cạnh đó, đến cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay đối với BĐS đã chiếm 10% tổng dư nợ. Cuối tháng 2/2008, tình trạng giá hàng hóa tăng cao trên thị trường bắt đầu xuất hiện, các chỉ số lạm phát cho thấy cần phải điều chỉnh thị trường tiền tệ. Ngày 15/2/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu ngừng cho vay mới đối với đầu tư BĐS do lo ngại thị trường đang phát triển quá nóng nên có thể dẫn tới bất ổn định của thị trường tiền tệ. Từ đó, các nhà đầu tư cũng như đầu cơ BĐS lâm vào tình trạng khó khăn về vốn, các dự án sắp bắt đầu phải ngừng lại, các dự án đang triển khai phải giảm tiến độ, một số dự án phải chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, các dự án gần hoàn thành phải sớm kết thúc để bán nhằm thu hồi vốn. Giá nhà đất trên thị trường đã chững lại và có xu hướng giảm.  

Trên thực tế, sau khi hạn chế vốn vay, thị trường BĐS rơi vào tình trạng ngưng trệ, BĐS nhà đất đứng giá và số lượng giao dịch thành công đã giảm đi rất nhiều. Đến cuối tháng 6/2008, nhà đất trở nên rất khó bán và giá đã giảm ở mức đáng kể, bắt đầu từ các dự án ở những vị trí thiếu thuận lợi. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường BĐS đã giảm tới đáy, không thể giảm hơn nữa.

Tại thời điểm hiện nay, tổng dư nợ vốn cho vay đầu tư BĐS tại các tổ chức tín dụng trong cả nước là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế). Theo nhiều chuyên gia ước tính thì tổng số nợ xấu trong dư nợ cho vay BĐS sẽ lên tới gần 5% tổng dư nợ, chạm ngưỡng tỷ lệ nợ xấu đáng lo ngại trong hoạt động ngân hàng.

10 - Thị trường gạo: “tin ảo” gây nên “sốt thật”:

Năm 2008, đánh dấu những bất cập trong việc điều tiết thị trường lúa gạo. Vào thời điểm cuối tháng 4/2008, từ thông tin thị trường gạo thế giới dự báo giá sẽ tăng cao và có nguy cơ thiếu đói ở một số quốc gia... đã gây tâm lý lo lắng, tích trữ lúa, gạo trong một bộ phận dân cư. Người dân ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như một số địa phương khác đã đổ xô đi mua vét gạo, đẩy giá thị trường lên cao. Bộ Công Thương đã phải chỉ đạo Tổng Công ty lương thực Miền Nam, Miền Bắc huy động nguồn gạo trắng hạt dài xuất khẩu phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng ứ đọng một lượng gạo hàng hóa lớn vào những tháng giữa và cuối năm 2008 đã gây thiệt hại cho người nông dân. Bộ Công thương và Bộ NN - PTNT đã phải nhận khuyết điểm về những thiếu sót trong công tác dự báo. Mới đây, Bộ Tài chính  cho biết gạo xuất khẩu được chính thức ngưng đánh thuế từ ngày 19-12, để khuyến khích xuất khẩu, do thị trường gạo đang chuyển sang “lạnh” bởi nguồn cung dồi dào.

 


 

(Theo HNMO)

  • 10 sự kiện - vấn đề bất động sản của năm
  • Thế giới 365 ngày nhìn lại
  • 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008
  • Công bố 10 sự kiện thông tin & truyền thông nổi bật năm 2008
  • 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008
  • 9 khoảnh khắc "chết lặng" của kinh tế thế giới 2008
  • 10 dự báo kinh tế "hớ" nhất năm 2008
  • Những bê bối chính trị sốc nhất nước Mỹ năm 2008
  • Nga: Nhiều kết quả khả quan trong năm 2008
  • 10 sự kiện ảnh hưởng người tiêu dùng VN năm 2008
  • 2008 - năm đầy tai tiếng của các đại gia
  • Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2008
  • 10 điểm nổi bật trên thị trường ngân hàng năm 2008
  • Hoàng tử Anh vào tốp đầu “Bộ râu năm 2008”
  • 5 sự kiện - vấn đề ôtô nổi bật năm 2008