Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng tài chính, nhà máy đóng cửa, công nhân về quê

Trong nhiều năm, ngành công nghiệp xuất khẩu đã giúp đẩy lệ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc tăng 2 con số, đồng thời cung cấp vô số việc làm cho người dân. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan tỏa đã làm hàng loạt nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu ở Trung Quốc phải đóng cửa, đẩy rất nhiều công nhân vào tình thế lao đao.

67.000 nhà máy đóng cửa

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính tấn công Mỹ và một số nước phương Tây, sức tiêu thụ của người dân tại các nước này giảm làm ngành xuất khẩu ở Trung Quốc bị chậm lại.

Bị ảnh hưởng trước tiên là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp xuất khẩu bị chậm lại làm ít nhất 67.000 nhà máy trên toàn quốc phải đóng cửa, trong đó hơn 50% là các nhà máy sản xuất đồ chơi.

Hàng chục năm nay, vùng đồng bằng phía Nam tỉnh Quảng Đông được ví là “nhà máy của thế giới” và là đầu tàu phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Cách nay 3 năm, anh Wang Denggui đến đây làm việc cho nhà máy giày Weixu để kiếm tiền nuôi 3 con ăn học. Nhưng kế hoạch của anh cùng 2.000 công nhân khác đã bị đổ vỡ khi chủ tịch hãng giày bỏ trốn vào đầu tháng 11.

Cũng như Wang, 7.000 công nhân của nhà máy sản xuất đồ chơi Smart Union bị mất việc khi nhà máy đóng cửa. Cô Li Dongmei, công nhân của Smart Union, cho biết: “Kinh tế nơi đây không còn bền vững. Bây giờ Quảng Đông không còn hấp dẫn như trước”. Tại nhà máy sản xuất giường trẻ em An Jia, chuyên xuất khẩu sang Mỹ, lương công nhân đã bị cắt giảm đến 75%. Một công nhân cho biết, hồi tháng 5 lương của anh là 2.523 NDT (370 USD) nhưng đến tháng 9 chỉ còn 445 NDT (65 USD)...

Công nhân phải về quê

Việc các nhà máy lớn đóng cửa còn làm các nhà máy “ăn theo” bị vạ lây. Chẳng hạn nhà máy chuyên dán nhãn hộp giày cho nhà máy giày Weixu. Sau khi nhà máy Weixu đóng cửa, nhà máy nhỏ này cũng phải đóng cửa theo, khiến hàng trăm công nhân thất nghiệp.

Anh Lou, một thợ thủ công, trước đây chưa bao giờ vất vả tìm việc, nay đang phải chạy tới chạy lui các văn phòng giới thiệu việc làm. Khi nghe anh muốn tìm việc với mức lương trên 3.000 NDT/tháng, một văn phòng giới thiệu việc làm cho biết, bây giờ không còn công việc với mức lương như thế.

Hàng trăm ngàn công nhân nhập cư như Wang buộc phải trở lại quê nhà, dù ở đó còn khó khăn hơn. Trước đây, vì mưu sinh nên họ phải xa quê quanh năm, nay bị thất nghiệp là dịp để họ được đoàn tụ với người thân nhưng sau đó, cuộc sống sẽ như thế nào, chính họ cũng không thể biết...

Mới đây, trong nỗ lực nhằm đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD, chủ yếu dùng xây mới cơ sở hạ tầng giao thông và giúp tạo việc làm cùng các dự án an sinh xã hội. Nhưng trước mắt, rất nhiều công nhân phải nỗ lực tự vượt khó trước khi được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế khổng lồ trên.

 

(Theo báo Sài gòn giải phóng )