Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Giảm lương để hạn chế sa thải lao động

Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu chính quyền các địa phương tạm dừng việc tăng lương tối thiểu, đồng thời hạ phí bảo hiểm y tế và tai nạn lao động để giảm sức ép sa thải lao động đối với các doanh nghiệp đang lao đao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung ảm đạm.

Tân Hoa xã trích lời Bộ trưởng Lao động và Bảo hiểm xã hội nước này phát biểu rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, trước mắt việc tăng lương tối thiểu sẽ phải tạm ngừng.

Bộ này cho biết, trong chín tháng đầu năm, ít nhất 19 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc đã tăng lương tối thiểu cho người lao động 15%.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính, dầu khí, điện lực, viễn thông phải giảm lương chứ không được giảm nhân lực.

Giới chuyên gia cho rằng, những biện pháp nói trên sẽ giúp bảo đảm sự ổn định xã hội, vấn đề mà giờ đây còn quan trọng hơn cả phát triển kinh tế.

Một số tỉnh ở Trung Quốc đang triển khai các biện pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp sa thải lao động.

Ở Sơn Đông, một trong những tỉnh xuất khẩu hàng đầu ở Trung Quốc, điểm đến của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản, giờ đây các doanh nghiệp muốn cho nghỉ việc từ 40 lao động trở lên phải được sự cho phép của sở lao động và bảo hiểm xã hội địa phương.

Theo thống kê chính thức, trong chín tháng đầu năm nay, đội quân thất nghiệp ở Sơn Đông đã tăng thêm 680 nghìn người.

Ông Li, Tổng giám đốc một công ty dệt có bốn nhà xưởng với hơn 1.000 công nhân ở TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cho rằng, nếu quy định mới được áp dụng, việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn. “Các xưởng không có đủ đơn đặt hàng, một số công nhân không có việc gì để làm cả. Tôi đang nghĩ sẽ cho thôi việc một số người để giảm chi phí. Nhưng nếu chính quyền không đồng ý thì tôi biết làm sao đây? Tôi không đủ tiền để trả lương cho tất cả bọn họ,” ông Li nói.

Tương tự, Sở Lao động và Bảo hiểm xã hội của Hồ Bắc cho biết, các doanh nghiệp ở tỉnh này muốn cho thôi việc từ 50 lao động, hoặc 10% số lao động, trở lên, phải thông báo cho chính quyền địa phương trước 30 ngày.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Trung Quốc đang bị tác động mạnh bởi giá nhân công và giá nguyên liệu tăng, trong khi giá đồng nội tệ vẫn ở mức cao và đơn đặt hàng xuất khẩu, đặc biệt từ Mỹ, giảm. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và không ít ông chủ đã bỏ trốn, rũ sạch trách nhiệm với người lao động.

Theo Trung Quốc nhật báo, trong chín tháng đầu năm, hơn 7.000 doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Đông đã đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác. Tháng 10 vừa qua, chính quyền TP Đông Hoàn ở tỉnh này đã phải chi hơn 3,5 triệu USD để trả lương cho hơn 7.000 công nhân của một công ty khi chủ công ty bí mật bỏ trốn.

Tuần trước, Trung Quốc vừa công bố kế hoạch kích thích kinh tế 586 tỷ USD, trong đó có mục tiêu tạo thêm việc làm cho người dân.

(Theo NDĐT)