Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
BBC cho biết, tại Trung Quốc, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm vào năm 2009 bởi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế nước này cũng đang sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Sinh viên Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. (Ảnh: THX) |
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nói rằng, vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Theo BBC, năm 2010 dự báo sẽ có 6,5 triệu sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc tìm kiếm việc làm. Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng tạo ra 9 triệu việc làm cho các sinh viên này và cho cả những người đã tốt nghiệp ở những năm trước. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2008 theo ước tính đạt dưới 8%.
Những người mới tốt nghiệp phải đối mặt với 3 vấn đề: thứ nhất, kinh tế sụt giảm kéo theo sẽ có ít việc làm hơn; thứ hai, tình trạng dư thừa lao động đang phổ biến đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần những người có kinh nghiệm hơn những người vừa mới được đào tạo ở giảng đường đại học mà chưa qua một trường lớp thực tế nào; thứ ba, nhiều người tốt nghiệp ở những năm trước vẫn đang thất nghiệp khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, đồng thời thu hẹp cơ hội tìm được việc làm.
Hầu hết mọi người đều nghĩ Cao Shanshan, tốt nghiệp ngành Quản trị triển lãm tại Trường Kinh doanh Thượng Hải, dễ dàng xin việc vì thành phố này sẽ tổ chức một cuộc triển lãm thế giới vào năm 2010. Tuy nhiên, trải qua hàng chục cuộc phỏng vấn tại các hội chợ việc làm, Shanshan vẫn chưa tìm được công việc như cô mong muốn.
Shanshan cho biết, cô đang kiếm được 230 USD/tháng, hơn một số bạn học cùng lớp tốt nghiệp cùng đợt với cô và đã tìm được việc làm, nhưng thu nhập hiện tại như thế vẫn không như mong ước. Thực tế, những người mới tốt nghiệp như Shanshan có được việc làm là điều may mắn nhưng lại được hưởng mức lương thấp. Vì thế, Shanshan dự kiến sẽ quay lại trường để tiếp tục học cao học bởi nếu có bằng cấp cao hơn thì hy vọng sẽ dễ tìm được việc với mức thu nhập tốt hơn.
Trung Quốc có đội ngũ lao động trình độ đại học cao hơn trong những năm gần đây. Theo BBC, 6% lực lượng lao động tốt nghiệp đại học, vẫn ít hơn so với nhiều nước phát triển, nhưng thị trường lao động vẫn chưa mở rộng nhanh chóng đủ để đón nhận tất cả số người này. Sandra Hu thuộc Công ty Nhân lực hải ngoại Bắc Kinh nói rằng, một số sinh viên tốt nghiệp ở những trường đại học hàng đầu tất nhiên sẽ có cơ hội làm việc với mức lương cao, nhưng đại đa số người mới tốt nghiệp lúc này chỉ hy vọng tìm được việc làm là tốt lắm rồi.
Các hội chợ việc làm tại tỉnh Phúc Kiến, tại Bắc Kinh và tại tỉnh Hồ Bắc đều diễn ra cảnh hàng nghìn người chen lấn tìm việc.(Ảnh: Reuters) |
Tại Mỹ, nhiều trường đại học, nhà máy, thậm chí bệnh viện đang yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương như một biện pháp tiết kiệm chi phí cho chủ lao động. Còn ở Trung Quốc, Sandra Hu cũng cho biết, tận dụng những người có kinh nghiệm để đảm đương nhiều phần việc khác là cách để các công ty có thể tiết kiệm tiền, thay vì phải bỏ tiền để “đào tạo lại” những sinh viên mới tốt nghiệp. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên các công ty phải “thắt lưng buộc bụng”, nhiều công ty muốn thuê nhân viên có thể đóng góp nhiều nhất với giá rẻ nhất.
Teresa Yan, sinh viên ngành báo chí của Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, than rằng tìm việc làm thuộc ngành báo chí và quan hệ cộng đồng (PR) hiện rất khó khăn. Teresa Yan nói: “Tôi không ở Thượng Hải, nên cuộc sống sẽ rất chật vật khi tôi chỉ tìm được việc làm với mức lương 150 USD/tháng”.
Trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, vấn đề công ăn việc làm của người lao động là mối lo hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Theo dự báo, thị trường việc làm sẽ còn tiếp tục co lại trong thời gian tới. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những lao động nhập cư ngoại tỉnh vì họ buộc phải trở về làng quê sau khi các nhà máy đóng cửa.
Một thống kê cho thấy, đã có hơn 65.000 nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa từ đầu năm 2008 đến nay và con số này vẫn sẽ còn tăng lên khi các đơn đặt hàng xuất khẩu đang ngày càng bị thu hẹp và cắt giảm. Chính phủ Trung Quốc đặt ra 2 ưu tiên là tìm kiếm công việc cho những người mới tốt nghiệp và cho các công nhân nhập cư ngoại tỉnh, bởi tình trạng thất nghiệp sẽ dễ dẫn đến những bất ổn xã hội.
(Theo báo Đà nẵng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com