Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

HSBC: DNNVV Việt Nam vẫn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2009

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) vẫn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ được duy trì ở mức độ ổn định hoặc cao hơn trong nửa đầu năm 2009 - Theo kết quả cuộc khảo sát vừa được Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) công bố.

Đây là cuộc khảo sát về mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) khu vực Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện 6 tháng/lần. Cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 10 và 11/2008 với sự tham gia của hơn 3.000 DNVVN tại 10 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Bangladesh, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia, trong đó có  300 DNNVV Việt Nam- những công ty với doanh số bán hàng hàng năm nhỏ hơn 10 triệu USD. Đợt khảo sát đầu tiên được tiến hành vào quý 4 năm 2007.

Trong cuộc khảo sát, lãnh đạo của các doanh nghiệp được hỏi về kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế trong nước 6 tháng sắp tới, kế hoạch tăng giảm vốn đầu tư, nhân sự, cũng như dự đoán của họ về khối lượng mậu dịch với Trung Quốc đại lục, các quốc gia còn lại ở châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Kết quả cho thấy, các DNNVV tại Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ lạc quan nhất, trong khi đó, các doanh nghiệp ở Singapore, Đài Loan và Hồng Kông có thái độ bi quan nhất.

55% khẳng định sẽ giữ nguyên số nhân sự

 

Về kế hoạch tuyển dụng, các DNVVN tham gia cuộc khảo sát tỏ ra khá ổn định trong nửa đầu năm 2009 khi rất ít các doanh nghiệp có các kế họach cắt giảm nhân sự. Bangladesh là quốc gia lạc quan nhất với 51% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang lên kế họach tăng nhân sự. Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tỏ ra khá lạc quan với 55% công ty giữ nguyên mức nhân sự, 40% kỳ vọng sẽ tăng nhân sự và rất ít công ty có kế hoạch cắt giảm nguồn nhân lực.

Về triển vọng giao thương quốc tế với Trung Quốc đại lục, các quốc gia còn lại tại Châu Á và trên toàn thế giới; tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, phần lớn các doanh nghiệp được hỏi dự đoán sẽ hoạt động giao thương quốc tế với Trung Quốc, các quốc gia còn lại tại Châu Á và trên toàn thế giới sẽ giảm.

Bangladesh là quốc gia lạc quan nhất về sự tăng trưởng thương mại với Trung Quốc đại lục với 80% mong đợi khối lượng mậu dịch tăng cao hơn mức 2008, tiếp theo là Việt Nam (46%) và Ấn Độ (29%). Về kỳ vọng tăng trưởng giao thương quốc tế với các nước còn lại ở châu Á, Bangladesh dẫn đầu với 68%, tiếp theo là Việt Nam (46%) và Ấn Độ (37%). Tại Hồng Kông, chỉ 10% doanh nghiệp được hỏi tin vào sự tăng trưởng giao thương với các nước còn lại của Châu Á, gần một nửa (48%) cho rằng khối lượng giao thương sẽ giữ nguyên và 43% cho rằng sẽ giảm. Bangladesh cũng là nước lạc quan nhất về vấn đề giao thương với các quốc gia còn lại trên thế giới với 76% tin vào sự tăng trưởng, tiếp theo sau là Việt Nam (45%).

 

DNNVV Việt Nam vẫn có xu hướng lạc quan dù kinh tế suy thoái

Về quan điểm về triển vọng kinh tế năm 2009, DNNVV tại các thị trường đang phát triển ở châu Á như Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ vẫn khá lạc quan, với đại đa số kỳ vọng sự phát triển kinh tế nội địa tiếp tục giữ nguyên hoặc thậm chí tốt hơn năm 2008. 58% DNNVV tại Bangladesh kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng, tiếp theo là Việt Nam với 44%.

Tại Việt Nam, một số lượng nhỏ hơn (24% so với 33% của quý II năm 2008) nghĩ rằng nền kinh tế chung sẽ suy giảm, 32% tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn giữ nguyên (năm ngoái là 26%) và 30% kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng hơn 4%, 6 tháng trước con số này chỉ ở mức 21%.

 

Về kế hoạch đầu tư vốn, trong sự bất ổn kinh tế hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp trong khu vực đang trì hoãn các kế hoạch đầu tư vốn trong sáu tháng tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ có thể giữ nguyên mức cũ hay thậm chí tăng mức đầu tư. Tại Việt Nam, 45% các doanh nghiệp sẽ giữ nguyên, 28% sẽ tăng ít và 20% sẽ tăng đáng kể mức đầu tư.

 

Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp ngân hàng HSBC nhận định, năm  2008 là một năm đầy biến động, chỉ số lạc quan của các DNNVV Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cao nhất của 10 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

 

"Các doanh nghiệp này tin tưởng vào nền tảng vững chắc cho triển vọng phát triển lâu dài và mạnh mẽ của Việt Nam với nguồn lao động trẻ năng động, nền chính trị ổn định, vị trí địa lý quan trọng trong khu vực và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng nội địa"-Ông Quang nói.


(Theo HNMO)

  • Hơn 60% số HTX ở Hưng Yên hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả
  • Doanh ngiệp vừa và nhỏ Indonexia hướng vào thị trường nội địa
  • Singapore với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản và bài học rút ra cho Việt Nam
  • Tại sao sở hữu trí tuệ lại có tính quyết định đối với việc tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ SME của bạn?
  • Sở hữu trí tuệ có thể nâng cao cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bạn như thế nào?
  • Tại sao nhãn hiệu lại liên quan tới sự thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa của bạn?
  • Sử dụng thông tin Patent vì lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)
  • Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý có lợi như thế nào đối với các SME?
  • Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ 37 tỷ USD
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn lạc quan về tình hình kinh tế đầu năm 2009
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩ gì về triển vọng kinh doanh 2009?
  • HSBC: DNNVV Việt Nam vẫn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2009
  • Báo cáo mới nhất về doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn khủng hoảng kinh tế: Hàng ngàn lao động mất việc