Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Singapore là một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á, nằm giữa Malaysia và Indonesia. Tổng diện tích tự nhiên là 682,7 km2, dân số 4,6 triệu người; mật độ dân số cao, nguồn tài nguyên khoáng sản không có, nông nghiệp không phát triển. Nhìn chung, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Singapore gặp nhiều khó khăn, khó có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây Singapore có những bước tiến thần kỳ: tốc độ tăng trưởng cao, GDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng hàng đầu thế giới, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được đầu tư phát triển hiện đại, môi trường sống sạch sẽ đứng thứ nhất châu Á...
Các ngành sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh ở đây là cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, lọc dầu, lắp ráp máy móc tinh vi, sản xuất hàng điện tử, hàng bán dẫn... Ngành thương mại và dịch vụ có nhiều ưu thế, chiếm đến 40% thu nhập quốc dân. Thời gian vừa qua Singapore cũng đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, hoạt động đào tạo đem lại cho họ một nguồn thu không nhỏ, số lượng sinh viên, học sinh từ nhiều nước trên thế giới đến du học ở đây mỗi năm một tăng. Nhiều cơ sở đào tạo đạt chất lượng rất cao, có trường đại học của Singapore đã lọt vào tốp 50 trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Để có được những thành tựu nêu trên Chính phủ Singapore đã có nhiều chính sách đổi mới, trong đó phải kể đến những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển. Bởi vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội khác như: giải quyết việc làm cho lao động, giảm các tệ nạn, cải thiện đời sống người dân... Việc hỗ trợ của Chính phủ không chỉ dành cho các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Singapore khi họ đến đăng ký kinh doanh ở đây. Hiện tại số doanh vừa và nhỏ chiếm tới 99% tổng số doanh nghiệp; 62% tổng số lao động; 48% tổng số giá trị gia tăng của Singapore.
Trước hết, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên tài năng, có ý tưởng tốt nhưng gặp khó khăn đã được Chính phủ lựa chọn hỗ trợ vốn để thành lập doanh nghiệp, từ đó nhiều người đã khởi nghiệp thành công và họ đã trở thành doanh nhân xuất sắc. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tính sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển trong tương lai cũng được Chính phủ xem xét hỗ trợ về mặt tài chính. Chính sách hỗ trợ được thực hiện thông qua việc Chính phủ bảo lãnh với ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai hoặc những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng cũng được Nhà nước giúp đỡ thông qua việc can thiệp, bảo lãnh với cơ quan thuế cho doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Là một trong hai mươi quốc gia nhỏ nhất thế giới nên nếu các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước thì khó có điều kiện phát triển vì thị trường nhỏ hẹp, nguồn tài nguyên khoáng sản khan hiếm... Do đó, 60% doanh nghiệp của Singapore có khuynh hướng đầu tư ra nước ngoài hoặc hướng tới hoạt động xuất khẩu. Nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài hoặc tham gia vào thị trường xuất khẩu, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí hình thành quỹ đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các giám đốc, nhà quản lý để họ có kiến thức sâu rộng khi tham gia kinh doanh tại các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nga... Trường Đại học Công nghệ Nanyang là một trong những cơ sở được Nhà nước đặt hàng và đã thực hiện tốt chương trình đào tạo này. Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo của Chính phủ, họ chỉ phải đóng một phần nhỏ tiền học phí còn phần lớn được Nhà nước hỗ trợ nhưng lại được tiếp thu những kiến thức kinh tế mới nhất, những kinh nghiệm quản trị kinh doanh tốt nhất từ các giáo sư, chuyên gia kinh tế, các nhà kinh doanh thành đạt.
Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp cũng là một kênh hỗ trợ quan trọng của Chính phủ. Tổ chức Phát triển doanh nghiệp (IE) trực thuộc Bộ Công Thương Singapore có trên ba mươi văn phòng ở nhiều nước trên thế giới; riêng ở Việt Nam có 2 văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các văn phòng này có trách nhiệm tập hợp và cung cấp các thông tin thị trường; Phối hợp tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp trong nước đi các nước khảo sát, tìm kiếm đối tác; Hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài; Tăng cường hợp tác, quan hệ với các nước để họ hiểu hơn về Singapore... Thông qua các văn phòng này các doanh nghiệp trong nước có được những thông tin cần thiết về môi trường kinh doanh ở các nước trước khi đi đến lựa chọn quyết định đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng nắm được các thủ tục, biết rõ các yêu cầu, những thuận lợi khó khăn khi xin phép đầu tư vào Singapore. Ngay từ giữa năm 2007, Bộ Công Thương Singapore cũng đã có cổng thông tin điện tử giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp; Các giám đốc có thể hỏi đáp trực tuyến với các chuyên gia kinh tế hàng đầu về kinh nghiệm và thông lệ kinh doanh quốc tế. Đây cũng là nơi tập hợp, lưu giữ hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển thị trường.
Các cơ quan quản lý Nhà nước còn xuất bản một số tờ tạp chí dành riêng cho giới doanh nghiệp để phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Chính phủ có liên quan đến doanh nghiệp; Thông tin về những biến động của thị trường trong nước và quốc tế; Hướng dẫn các doanh nhân xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu... Đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi quan điểm của mình về những thuận lợi hoặc lực cản từ cơ chế quản lý của Nhà nước, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, thông tin về đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất... Ngoài ra các tổ chức này còn in các tờ gấp giới thiệu chi tiết về địa chỉ các văn phòng, các dịch vụ thông tin, các chương trình đào tạo, hỗ trợ... để các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn.
Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp cũng được Chính phủ quan tâm nhiều. Cơ quan quản lý các cấp hàng năm đều thực hiện rà soát các văn bản pháp quy xem còn phù hợp với tình hình thực tế không; Kiến nghị kịp thời cấp có thẩm quyền thay thế, sửa đổi các văn bản lạc hậu, không có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cuối mỗi năm Chính phủ đều mời các doanh nghiệp đến gặp gỡ và lắng nghe ý kiến đóng góp của họ; đồng thời tổ chức cho các doanh nghiệp chấm điểm cho các cơ quan thuộc Chính phủ để đánh giá chất lượng phục vụ doanh nghiệp của các cơ quan này. Những cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp có điểm đánh giá thấp đều phải rà soát lại cung cách làm việc, cải tiến lề lối tránh gây phiền hà. Các cơ quan có điểm đánh giá cao được Chính phủ biểu dương, khen thưởng kịp thời./.
( Lê Duy - Tạp chí Kinh tế và dự báo )
( Lê Duy - Tạp chí Kinh tế và dự báo )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com