Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
NHÃN HIỆU TẬP THỂ, NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÓ LỢI NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI CÁC SME?
Đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), có được sự nhận biết và sự trung thành của người tiêu dùng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Không tính đến chất lượng hàng hóa, việc tiếp cận các cửa hàng bán lẻ, các thị trường trong nước và mạng lưới phân phối, việc làm cho người tiêu dùng biết đến hàng hóa đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể có thể vượt quá ngân sách của nhiều doanh nghiệp. Với quy mô sản xuất nhỏ, nhiều SME sẽ gặp khó khăn khi phát triển một chiến lược marketing hiệu quả cho phép định vị sản phẩm và tạo danh tiếng cho cho hàng hóa để hấp dẫn người tiêu dùng. Vậy có lựa chọn nào cho doanh nghiệp?
Một câu ngạn ngữ đã nói rằng “Nếu không thể đánh bại, hãy gia nhập’’. Có rất nhiều ý nghĩa trong câu nói này. Cùng hợp tác, các SME có thể phát triển một chiến lược marketing chung cho các sản phẩm của mình sử dụng các nhãn hiệu tập thể. Thực tế, có nhiều tranh cãi rằng một trong số các thách thức đối với SME không phải là vì quy mô của họ mà vì sự phân lập của họ. Nhãn hiệu chứng nhận có thể cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa các SME sản xuất các sản phẩm tương tự, hỗ trợ làm tăng cường khả năng nhận biết và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm.
Các SME cũng có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của họ nếu xét thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa sản phẩm và khu vực địa lý nơi làm ra sản phẩm. Điều này đảm bảo sự độc quyền thông qua việc sử dụng chỉ dẫn địa lý (ví dụ: “champagne’’ hoặc “tequila’’) nhằm khuếch trương các sản phẩm của họ.
Cuối cùng, có thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để chứng nhận những sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định qua đó chỉ dẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm của họ đã được kiểm nghiệm bởi một tổ chức có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm và đáp ứng những yêu cầu cần thiết. Điều này cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm và nâng cao hình ảnh của mình đối với người tiêu dùng.
NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Trong luật sở hữu trí tuệ của hầu hết các nước đều có những điều khoản quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể thường được định nghĩa là các dấu hiệu phân biệt nguồn gốc địa lý, nguyên vật liệu, mô hình sản xuất hoặc các đặc tính chung khác của hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể. Chủ sở hữu có thể là hiệp hội mà các doanh nghiệp là thành viên hoặc chủ thể khác là một tổ chức công hoặc một hợp tác xã.
Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có trách nhiệm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu nhất định của các thành viên (thường được quy định trong quy chế liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể). Do đó, chức năng của nhãn hiệu tập thể là chỉ dẫn cho công chúng về những đặc tính cụ thể nhất định của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nước yêu cầu rằng đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu tập thể nộp kèm theo bản sao quy chế điều chỉnh việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đó.
Nhãn hiệu tập thể thường được sử dụng nhằm khuếch trương các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định. Trong các trường hợp như vậy, việc tạo ra một nhãn hiệu tập thể không chỉ hỗ trợ tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong nước và có thể trên thị trường quốc tế mà còn cung cấp cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong nước. Việc tạo nhãn hiệu tập thể, trên thực tế phải đi kèm với sự phát triển các tiêu chuẩn nhất định cùng với một chiến lược chung. Khi đó, nhãn hiệu tập thể mới có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho phát triển trong nước.
Cần xem xét các sản phẩm có những đặc tính nhất định đặc trưng riêng của người sản xuất ở một vùng nhất định có liên quan đến các điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng. Một nhãn hiệu tập thể có thể được sử dụng để thể hiện các đặc trưng đó và là cơ sở để marketing các sản phẩm nói trên, do đó đem lại lợi ích cho tất cả các nhà sản xuất.
Do đó, hiệp hội các SME có thể đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm tiếp thị chung các sản phẩm của một nhóm các SME và nhằm nâng cao nhận biết về sản phẩm. Nhãn hiệu tập thể cũng có thể được sử dụng cùng với các nhãn hiệu riêng của người sản xuất hàng hóa nhất định. Điều này cho phép các doanh nghiệp phân biệt hàng hóa của chính doanh nghiệp với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác, trong khi cùng thu được lợi ích từ sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể.
Do đó, nhãn hiệu tập thể có thể là công cụ hữu hiệu cho các SME trong việc hỗ trợ họ vượt qua những thách thức vì quy mô nhỏ và sự phân lập trên thị trường. Các cơ quan sở hữu công nghiệp có thể cung cấp các thông tin về thủ tục đăng ký, sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
Xem thêm các tình huống cụ thể "Chirimoya Cumbe" [link] và "APDL Cajamarca" [link] minh họa thực tế nhãn hiệu tập thể.
CHỈ DẪN ĐỊA LÝ LÀ GÌ?
Chỉ dẫn địa lý là một dấu hiệu sử dụng trên hàng hóa có nguồn gốc địa lý đặc thù và có chất lượng hoặc doanh tiếng nhờ nguồn gốc đó. Nói chung, một chỉ dẫn địa lý bao gồm tên vùng xuất xứ của sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp điển hình có chất lượng nhờ vùng sản xuất của họ và chịu ảnh hưởng của các nhân tố đặc trưng của vùng như thời tiết, thổ nhưỡng. Liệu một dấu hiệu có chức năng như một chỉ dẫn địa lý hay không là vấn đề của luật pháp quốc gia và nhận thức của người tiêu dùng. Chỉ dẫn địa lý có thể được sử dụng cho nhiều sản phẩm nông nghiệp như “Tuscany’’ cho dầu ôliu được sản xuất tại một vùng cụ thể ở Italia (ví dụ, được bảo hộ tại Italia theo Luật số 169, ngày 5/2/1992) hoặc “Roquefort’’ cho pho mát được sản xuất tại Pháp (được bảo hộ tại Cộng đồng châu Âu theo Quy chế (EC) số 2081/192 và tại Hoa Kỳ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ số 571.798).
Chỉ dẫn địa lý chỉ có thể sử dụng cho các sản phẩm nông nghiệp?
Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý không giới hạn cho các sản phẩm nông nghiệp. Chỉ dẫn địa lý còn làm nổi bật chất lượng đặc thù của hàng hóa có được nhờ nhân tố con người tại vùng xuất xứ của sản phẩm như các truyền thống và các kỹ năng sản xuất đặc thù. Vùng xuất xứ có thể là một làng hoặc thị trấn, một vùng hoặc một quốc gia. Ví dụ về một quốc gia là “Switzerland’’ hoặc “Swiss’’ được công nhận là chỉ dẫn địa lý ở nhiều nước cho các sản phẩm sản xuất tại Thụy Sỹ, đặc biệt là đồng hồ.
Tên gọi xuất xứ là gì?
Tên gọi xuất xứ là một loại chỉ dẫn địa lý đặc biệt, sử dụng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù hoàn toàn hoặc về cơ bản nhờ vào môi trường địa lý nơi sản xuất sản phẩm. Khái niệm chỉ dẫn địa lý bao hàm cả tên gọi xuất xứ.
Chức năng của chỉ dẫn địa lý?
Một chỉ dẫn địa lý chỉ ra vùng hoặc khu vực sản xuất cụ thể quyết định chất lượng đặc thù của sản phẩm có nguồn gốc tại vùng đó. Điều quan trọng là sản phẩm có được chất lượng và danh tiếng nhờ vùng đó. Vì chất lượng phục thuộc vào nơi sản xuất, tồn tại một “mối liên hệ” cụ thể giữa sản phẩm và nguồn gốc nơi sản xuất sản phẩm đó.
Tại sao cần bảo hộ chỉ dẫn địa lý?
Chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng nhận biết là chỉ dẫn nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Nhiều sản phẩm có danh tiếng lớn nhưng nếu không được bảo hộ thỏa đáng, có thể bị chỉ dẫn sai lệch bởi những doanh nghiệp thương mại không trung thực. Việc sử dụng sai lệch chỉ dẫn địa lý bởi các bên không có thẩm quyền gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất hợp pháp. Người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng để mua các sản phẩm thật với chất lượng và đặc trưng cụ thể, trong khi trên thực tế họ lại nhận được sản phẩm nhái không có giá trị. Các nhà sản xuất phải chịu thiệt hại vì công việc kinh doanh phát đạt bị mất đi và danh tiếng gây dựng nên cho sản phẩm bị thiệt hại.
Khác biệt giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu?
Nhãn hiệu là dấu hiệu của một doanh nghiệp nhằm phân biệt hàng hóa và dịch vụ của họ với hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp khác. Chủ sở hữu nhãn hiệu có độc quyền ngăn cấm sử dụng nhãn hiệu của mình. Chỉ dẫn địa lý chỉ dẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa được sản xuất ở một vùng nhất định và có những đặc trưng nhất định có được nhờ vùng sản xuất đó. Chỉ dẫn địa lý có thể được sử dụng bởi tất cả những người sản xuất sản phẩm tại vùng được chỉ định mang chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm của họ có chất lượng đặc thù.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như thế nào?
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phù hợp với luật pháp quốc gia và theo một loạt các quy định như các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh, quy định về bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hoặc các quy định (luật) riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ. Về bản chất, các bên không có thẩm quyền không được sử dụng chỉ dẫn địa lý nếu việc sử dụng đó có khả năng chỉ dẫn sai lệch cho công chúng về nguồn gốc thực sự của sản phẩm. Các chế tài có thể áp dụng như lệnh của tòa án nhằm ngăn chặn việc sử dụng trái phép, yêu cầu bồi thường thiệt hại, xử phạt hoặc trong trường hợp nghiêm trọng có thể bắt giam.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở cấp độ quốc tế như thế nào?
Nhiều điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý có quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó đáng chú ý nhất là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp 1883 và Thỏa ước Lisbon về bảo hộ tên gọi xuất xứ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ. Ngoài ra, các điều 22 –24 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) đề cập đến việc bảo hộ quốc tế chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Chỉ dẫn địa lý “có đặc điểm chung (generic)” là gì?
Nếu một thuật ngữ địa danh được sử dụng như là tên gọi của một loại sản phẩm hơn là chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm đó, thì thuật ngữ này không còn chức năng chỉ dẫn địa lý. Điều này đã xảy ra ở một quốc gia sau một thời gian dài, đã phát hiện ra rằng người tiêu dùng đã hiểu thuật ngữ địa danh vốn chỉ nguồn gốc của sản phẩm, ví dụ, “Dijon Mustard” là một loại mù tạt có nguồn gốc từ thị trấn Dijon của nước Pháp bây giờ lại được hiểu là một loại mù tạt nhất định mà không quan tâm đến nơi sản xuất loại mù tạt đó.
Vai trò của WIPO trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý?
WIPO có trách nhiệm quản lý các điều ước quốc tế có liên quan hoặc một phần liên quan đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý (xem cụ thể Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp 1883 và Thỏa ước Lisbon về bảo hộ tên gọi xuất xứ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ). Ngoài ra, thông qua các hoạt động của Ủy ban thường trực về Luật nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp và Chỉ dẫn địa lý gồm đại diện các nước thành viên và các tổ chức có liên quan, WIPO khảo sát các cách thức mới để tăng cường bảo hộ quốc tế đối với chỉ dẫn địa lý.
NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Một số nước cũng có quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận thường được cấp cho những đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn xác định mà không có hạn chế bất kỳ về tư cách thành viên. Nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng bởi chủ thể bất kỳ mà có thể chứng nhận rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định đã được đặt ra. Nhãn hiệu chứng nhận nổi tiếng như WOOLMARK chứng nhận rằng hàng hóa mang nhãn hiệu này làm hoàn toàn (100%) bằng len.
Ở nhiều nước, khác biệt chính giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ được sử dụng cho một nhóm doanh nghiệp cụ thể, ví dụ các thành viên của hiệp hội, trong khi nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng cho bất kỳ chủ thể nào đáp ứng các tiêu chuẩn xác định của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Một yêu cầu quan trọng đối với nhãn hiệu chứng nhận là chủ thể nộp đơn đăng ký phải được xem là “có thẩm quyền chứng nhận” hàng hóa có liên quan.
Nhãn hiệu chứng nhận cũng có thể được sử dụng cùng với các nhãn hiệu riêng của nhà sản xuất hàng hóa nhất định. Nhãn hàng hóa sử dụng như nhãn hiệu chứng nhận là bằng chứng chứng tỏ rằng sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể được đặt ra khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
( Tài liệu của: Bộ phận doanh nghiệp vừa nhỏ - Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO - http://www.wipo.int/sme)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com