Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần “đất lành” cho CEO “đậu”

Trước xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là khả năng quản lý và điều hành chuyên nghiệp. Đây được coi là linh hồn, là chìa khoá để tạo nên sự thành công trong việc vận hành trơn tru mọi công đoạn trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện đang “khát” các nhà điều hành chuyên nghiệp trong khi triển vọng của thị trường khá sáng sủa. Vậy CEO có thể trở thành một nghề “hot” trong tương lai không xa và liệu có đất cho các CEO dựng võ.
   
CEO - anh là ai?


CEO là viết tắt của từ Chief Executive Officer và được hiểu theo nhiều dạng khác nhau như Tổng giám đốc, giám đốc điều hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng phổ biến nhất vẫn là Giám đốc điều hành.

Được ví như “linh hồn” của doanh nghiệp, ở CEO cần hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó phẩm chất cá nhân phải vượt trội, có một tầm nhìn tốt với lối tư duy và định hướng xa, phù hợp với xu hướng biến đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh toàn cầu (suy nghĩ toàn cầu, hành động bản địa). Biết định hướng hành vi để đạt những điều mong muốn trong tương lai xa; biết lý luận để quyết định rồi hành động (suy nghĩ 80%, hành động 20%). Có trí tuệ và các tri thức về kinh doanh, điều hành, được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật trong và ngoài nước, các thông lệ quốc tế. Có sự thích nghi cao, có mối quan hệ tốt với chủ sở hữu cũng như đồng nghiệp, có phong cách lãnh đạo, có độ nhạy bén cao, tư duy sâu, lạc quan và luôn say mê công việc, chấp nhận rủi ro, có bản năng thích tìm tòi cái mới, cách suy nghĩ mới, cách làm việc mới, sản phẩm mới. Không “xói mòn”, bảo thủ, luôn khẳng định mình trong sân chơi toàn cầu hoá để luôn dành chiến thắng. Và điều cuối cùng cần có nhất ở một CEO chính là chữ “tâm”.

CEO được ví như “linh hồn” của doanh nghiệp


Nói chung, đây là người quản lý điều hành cao nhất một công ty và thường là người đại diện cho công ty về mặt pháp luật. Cấp trên của CEO là Hội đồng quản trị hay hội đồng cổ đông (nếu là công ty cổ phần) hoặc hội đồng thành viên (Công ty TNHH). Cấp dưới của CEO là các Giám đốc chức năng và toàn bộ máy nhân sự của công ty. Với vị trí và quyền hạn rất cao như thế, công việc của một CEO là lập chiến lược hoạt động cho công ty (hoạch định, chỉ đạo thực hiện và đánh giá chiến lược), thiết lập bộ máy quản lý , xây dựng văn hoá công ty, thực hiện các hoạt động tài chính (huy động, sử dụng, kiểm soát vốn) và một nhiệm vụ rất quan trọng nữa của CEO là dụng nhân, xây dựng và vận hành bộ máy nhân sự hiệu quả… Nói một cách ví von, nếu công ty như một cỗ máy thì CEO là người vận hành sửa chữa, bảo trì, nâng cấp để bộ máy ấy luôn hoạt động một cách trơn tru và hướng đến chỉ số công suất cao nhất.

CEO và triển vọng trở thành nghề “hot”

Có thể nói, cùng với chủ sở hữu, giám đốc điều hành là “chìa khoá” để tạo nên thành công cho mỗi doanh nghiệp. Trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có những nhà quản lý và điều hành giỏi để có thể “ chơi” cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, hiện chúng ta đang thiếu một thị trường CEO. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc tuyển dụng nhân sự cao cấp của Navigos Group thì ít nhất trong 4 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối đầu với cảnh khan hiếm lao động cấp cao, bởi lẽ đào tạo khó mà sản sinh lập tức nguồn cung ứng lao động cấp cao để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng.Trong khi “đất” để cho các CEO dựng võ rất nhiều. Lý do chính của tình trạng này là nước ta đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp, cơ chế kinh tế cũng như chính sách phát triển chưa cho phép doanh nghiệp vượt qua rào cản để hình thành nên một đội ngũ CEO chuyên nghiệp như nước ngoài. Sự phát triển của các doanh nghiệp chưa đủ tầm để có CEO và tâm lý chủ sở hữu doanh nghiệp còn chưa sẵn sàng để có một CEO đồng hành làm việc và chia sẻ quyền lợi cùng họ vì một phần chủ doanh nghiệp sợ “bị mất” quyền lực, quyền lợi, nảy sinh tâm lý e ngại tuyển dụng hay giao việc cho CEO. Mặt khác, phần lớn đặc thù của doanh nghiệp trong nước hiện nay còn tư duy, quản lý theo mô hình công ty gia đình thì rất khó có thể tạo ra sự kích hoạt cho thị trường CEO phát triển.

Tuy nhiên, trước đây, ở Việt Nam đã có CEO, nhưng là tự phát và hình thành một cách manh mún ở một số doanh nghiệp mang đậm mô hình gia đình khi chủ sở hữu thuê một người về làm thuê cho họ và quản lý, điều hành một bộ phận sản xuất chứ chưa phải là toàn bộ doanh nghiệp, hoặc CEO vừa là người quản lý, sở hữu và điều hành. Như vậy, CEO ở Việt Nam thực sự chưa hình thành một cách chuyên nghiệp, trong khi đó số lượng CEO đáp ứng được các yếu tố cần có chưa nhiều. Thế hệ CEO thứ nhất do hoàn cảnh lịch sử, xã hội nên không có cơ hội được đào tạo chính quy, bài bản, thế hệ CEO thứ hai vẫn chưa xuất hiện một cách rõ ràng. Song có rất nhiều yếu tố để khẳng định rằng, CEO sẽ trở thành một nghề “hot” trong tương lai.

Với sự phát triển của nền kinh tế cùng việc hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, Chính phủ đã và sẽ ban hành nhiều cơ chế mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê CEO.

Quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp sẽ hình thành những mô hình doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá mạnh, một số tập đoàn nổi lên. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2010, cả nước cần có 500.000 doanh nghiệp. Như vậy, từ nay đến đó, sẽ có khoảng gần 200.000 doanh nghiệp mới ra đời và sẽ cần đội ngũ CEO rất lớn.

Sự chuyên môn hoá về sản xuất không cho phép một người ôm quá nhiều công việc, sự di chuyển lao động tự do giữa các quốc gia có xu hướng gia tăng, sự lớn mạnh về tài chính cũng như đa dạng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vượt xa khả năng của chủ sở hữu... đòi hỏi doanh nghiệp cần một người có khả năng quản lý và điều hành doanh nghiệp chuyên nghiệp và bài bản. Do đó, nhu cầu cần CEO ngày càng lớn, có triển vọng phát triển. Nhưng một vấn đề đặt ra là cung cần nhưng cầu có thể đáp ứng khi mà “ tre đã già nhưng măng thì chưa mọc”, khi “măng mọc” thì liệu “tre’ có nhường chỗ cho “măng” và có  “đất” để sẵn sàng cho các CEO dựng võ.

Cần “đất lành” cho CEO  “đậu”

Thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam đang rất thiếu các CEO, đặc biệt là các CEO chuyên nghiệp, trong khi nhu cầu cần CEO bắt đầu “nóng” lên trong thời gian tới. Vậy, các doanh nghiệp có thể làm gì để thu hút các CEO.

Giải bài toán này, yếu tố trước tiên mà các doanh nghiệp tính đến đó là khoản thù lao trả cho các CEO. Vẫn biết rằng, lương không phải là vấn đề chính của người lao động, tuy nhiên với vị trí nhân sự cao cấp như CEO, doanh nghiệp cũng cần tính toán kỹ khi trả lương cho người nắm giữ vận mệnh toàn bộ doanh nghiệp sao cho xứng với công sức họ bỏ ra và đây cũng là động lực để họ phục vụ lâu dài và hết mình cho công việc. Tuy nhiên, một vấn đề gây khó đối với các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là Chính phủ quy định mức lương doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trả cho CEO là 25.000.000 đồng Việt Nam/ tháng trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn có lãi, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Với mức lương như vậy, liệu các DNNN có thể thuê được một CEO trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã trả cho CEO người Việt mức lương cao gấp 6 lần quy định. Còn ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính, ở các tổng công ty lớn, các doanh nghiệp tư nhân và các tập đoàn.... mức lương của tổng giám đốc, chuyên viên cao cấp đã được trả cao hơn con số này ít nhất 2 lần. Như vậy, các DNNN sẽ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động cao cấp.

Để thu hút được nhân tài, đặc biệt thu hút được các CEO trong nước cũng như ngoài nước, Nhà nước nên để cho doanh nghiệp tự thoả thuận lương và thay bằng chuyển thu thuế từ doanh nghiệp sang thuế thu nhập cá nhân. Điều này vừa làm cho doanh nghiệp công khai hoá mức lương, minh bạch trong giấy tờ sổ sách lại thu hút và giữ chân được nhân tài. Mặt khác, Chính phủ cần thống nhất về chủ trương thu hút CEO, đặc biệt là CEO nước ngoài và coi họ là một đối tượng cấu thành trong hệ thống chính sách giống như trong thu hút FDI; có quy định liên quan đến các chế tài để tránh hiện tượng lừa đảo, chống gây ra hệ thống dây chuyền đổ vỡ cho doanh nghiệp làm tổn thất đến nền kinh tế đất nước. Mặt khác, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính cho các CEO là người nước ngoài với các quy định xuất nhập cảnh, cư trú, và các dịch vụ cần thiết về mặt y tế, giáo dục, giải trí... Đồng thời, khuyến khích các hoạt động liên quan đến việc “săn đầu người”. Cấp phép cho một số trường đại học hoặc các trung tâm đào tạo có uy tín đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CEO mới một cách chuyên nghiệp và phù hợp với cơ chế kinh tế cũng như quy luật kinh tế hiện nay để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.

Đối với doanh nghiệp cần ý thức trong việc chuyển giao quyền quản lý cho CEO, đáp ứng những yêu cầu mang tính nguyên tắc và nghề nghiệp của họ như: một môi trường làm việc dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, tổ chức có hiệu quả làm việc theo nhóm, doanh nghiệp biết chia sẻ, tôn trọng và quan tâm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân viên, biết tạo ra và phát triển cơ chế, chính sách thu hút và lưu giữ người tài. Hơn nữa CEO cần một môi trường học tập và rèn luyện. Doanh nghiệp phải tạo ra một môi trường biết chia sẻ kinh nghiệm thất bại. Việc nghiên cứu thất bại còn quan trọng hơn là việc nghiên cứu những thành công, bởi thành công có thể sẽ được lặp lại hay không lặp lại, còn thất bại, sai lầm thì nhất thiết không để cho lặp lại. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thống nhất về nhận thức, chủ trương trong việc trả lương cho các CEO; tạo môi trường liên kết, hợp tác với một số công ty chuyên “săn đầu người” để thu hút được các CEO chuyên nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần xác định rõ, họ cần gì ở các CEO, các CEO cần gì ở doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể trao những quyền gì cho CEO để tránh việc thuê CEO như một trào lưu, một sự đánh bóng tên tuổi và khi có CEO rồi, doanh nghiệp cũng nên có chiến lược đào tạo và bỗi dưỡng các lớp CEO mới để khi “tre già thì măng đã kịp mọc”. Mặt khác, doanh nghiệp nên đón đầu, khai thác lực lượng, trí thức trẻ Việt Nam được đào tạo quản lý bài bản ở nước ngoài trở về. Đồng thời, tạo ra sự kết nối giữa CEO với CEO, CEO thế hệ 1 với CEO thế hệ 2 để cùng trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tạo ra một sân chơi cho các CEO hoạt động và bảo vệ quyền lợi cho nhau./.
    

(Ngọc Nương - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Nghệ thuật và khoa học đánh giá sự thực thi của CEO
  • Sếp lớn của Citigroup và BoA có nguy cơ mất chức
  • Mất chức chủ tịch Bank of America vì lừa cổ đông
  • Khi CEO có "vai vế" ... đi học
  • CEO Bank of America tố quan chức bịt miệng vụ Merrill
  • Đồng sáng lập MySpace từ chức CEO
  • CEO Exxon Mobil được thưởng lớn
  • Khi các giám đốc điều hành cấp cao (CEO) quảng cáo cho thương hiệu – Phần 1
  • Khi các giám đốc điều hành cấp cao (CEO) quảng cáo cho thương hiệu – Phần 2
  • Khi các giám đốc điều hành cấp cao (CEO) quảng cáo cho thương hiệu – Phần 3
  • Mười kiểu CEO có thể đưa công ty đến bờ vực phá sản
  • Cần “đất lành” cho CEO “đậu”
  • Chuyện PR ở AIG
  • TT Mỹ gặp CEO các ngân hàng thảo luận khủng hoảng
  • Hãng xe hơi lớn thứ hai châu Âu sa thải CEO