Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không mơ hồ với khủng hoảng

Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới kinh tế nước ta là rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.

Đó là nhận định chung của trên 130 đại biểu gồm các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách tham dự Hội thảo Tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới - Chính sách ứng phó của Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào cuối tuần qua tại Hải Dương.

Với những gì diễn ra từ đầu quý II/2008 đến nay, nhận định trên đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra. Thế nhưng, đến tận thời điểm này, theo TS. Lê Đăng Doanh, thì "vẫn chưa lượng hoá hết được những tác động cụ thể tới Việt Nam". "Những nhận định cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia ra khỏi khủng hoảng sớm nhất cũng chưa có cơ sở chứng minh thực sự vững chắc", ông Doanh nhận xét.

Ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, những đánh giá, nhận định về tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam rất khác nhau, dự báo về tương lai của nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng rất khác nhau, nhưng đều chung xu hướng là các dự báo mỗi ngày một thiếu tích cực hơn.

Ông dẫn chứng: tháng 10/2008, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 của thế giới là 2,2%, nhưng đến tháng 1/2009, chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng 0,5% và đến cuối tháng 3/2009, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 của thế giới một màu "xám xịt": âm 5%. Tương tự, nếu tháng 11/2009, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP thế giới là 0,9%, thì đến tháng 3/2009 dự báo âm 1,7%.

Mặc dù coi các dự báo chỉ là những thông tin tham khảo và khi những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu xảy ra quá nhanh, thì tính chính xác của mọi dự báo chỉ có xác suất 50/50, nhưng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, ông Bùi Thanh Quyến, đã không khỏi lo lắng trước thực trạng kinh tế quý I/2009.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý I/2009 chỉ đạt 3,1%, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,5%; xuất khẩu tăng 2,4%, nhưng nếu trừ đi kim ngạch xuất khẩu vàng và kim loại quý (trên 2,5 tỷ USD) thì giảm 15%...

Với Hải Dương - một trong những địa phương có tỷ trọng kinh tế lớn của cả nước, ông Quyến cho biết, tốc độ tăng trưởng của những ngành công nghiệp mũi nhọn trên địa bàn như cơ khí, xi măng, ô tô… đã bắt đầu có sự giảm sút từ giữa năm 2008 và ngày càng giảm mạnh, đã khiến nợ xấu gia tăng, thu ngân sách trên địa bàn nhiều khả năng giảm tới 800 tỷ đồng.

"Trong 3 tháng đầu năm nay, Hải Dương chỉ thu hút được 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn vỏn vẹn 20 triệu USD, các khu công nghiệp không thu hút được bất cứ dự án đầu tư nào, một số khu công nghiệp trọng điểm đang ngày một thưa thớt công nhân", ông Quyến cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, việc nhiều nhà kinh tế từng phản bác mạnh một số ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ chịu tác động gián tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã cho thấy các nhà kinh tế, cũng như các cơ quan hoạch định chính sách không hề mơ hồ về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân và nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động rất lớn đến Việt Nam, tuy vậy, đây lại là cơ hội rất lớn để thay đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng để khi ra khỏi suy thoái, nền kinh tế nước ta có bộ mặt hoàn toàn mới.

"Mặc dù nhiều chỉ tiêu kinh tế quý I/2009 giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tình hình ngày càng sáng sủa đã cho thấy những chính sách tài chính, tiền tệ mà Chính phủ ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã phát huy hiệu quả", ông Tuyển phát biểu.

Là người có sự am hiểu về kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nguyên là Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, bà Susan J.Adams cho rằng, Chính phủ và các nhà kinh tế Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới kinh tế trong nước và đã thực hiện nhiều chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt để ứng phó.

"Liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản, hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn, miễn giảm hàng loạt loại thuế, thực hiện bảo lãnh tín dụng, tăng an sinh xã hội… là những giải pháp thiết thực mà Chính phủ Việt Nam thực thi để ngăn chặn suy giảm kinh tế", bà Susan J.Adams nói.

Theo bà, với những giải pháp đang thực hiện, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao trên thế giới. "Tuy vậy, để bảo đảm tăng trưởng bền vững, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực, không nên quyết tâm tăng trưởng kinh tế cao bằng mọi giá và đặc biệt, không nên đánh đổi lạm phát để lấy tăng trưởng GDP", bà Susan J.Adams khuyến nghị.

(Theo Mạnh Bôn - Báo Đầu tư )

  • Thận trọng với “tín hiệu” phục hồi: Hai cái bẫy
  • Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục tại khu vực đồng Euro trong tháng 3/2009
  • Thế giới: Thêm 100 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo
  • Trung Quốc lập quỹ hợp tác đầu tư 10 tỷ USD với ASEAN
  • "Chuyện lạ" ở Bắc Ninh
  • Các kịch bản hồi phục kinh tế
  • Sáu công ty khổng lồ được sinh ra trong thời khủng hoảng
  • Làm gì để đứng vững nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài?
  • EU chi 3.000 tỉ euro chống khủng hoảng kinh tế
  • Hội nghị ASEAN và đối tác: Cụ thể hoá quỹ 120 tỷ USD chống khủng hoảng
  • Không mơ hồ với khủng hoảng
  • Tại sao “vênh” số người thất nghiệp trong năm 2009?
  • Diễn biến mới của suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam
  • Thất nghiệp tăng, kinh tế tăng trưởng 3,1%
  • Khủng hoảng kinh tế: Thực và ảo