Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lo cho DN phân phối, bán lẻ

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2008, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường bán lẻ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Ngô Quang Xuân chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư..
”Tôi khá lo lắng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước trong việc cạnh tranh với các tập đoàn phân phối, bán lẻ thế giới khi chúng ta mở cửa thị trường này”.

Ông lo ngại trước việc mở cửa thị trường bán lẻ ở khía cạnh nào?
Trên thực tế, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn thiết lập cơ chế thị trường, sự cạnh tranh trên thị trường phân phối, bán lẻ mới được hình thành khoảng vài chục năm. Trong khi đó sự cạnh tranh trên thị trường này tại các nước phát triển trên thế giới đã có hàng trăm năm. Chỉ nhìn trên khía cạnh này có thể nhận thấy, sức cạnh tranh của DN bán lẻ Việt Nam còn quá thấp, còn ít kinh nghiệm thực tiễn so với DN nước ngoài. Cũng do mới hình thành nên sự liên kết giữa DN phân phối với nhau hiện cũng rất thấp, trong khi đó sự liên kết giữa các tập đoàn bán lẻ toàn cầu đã được thiết lập từ lâu nên họ có nhiều chính sách để chiếm lĩnh thị trường.

Thưa ông, để giữ được thị phần, các DN Việt Nam sẽ phải làm gì?
Các DN phân phối, bán lẻ của Việt Nam vốn đã quá nhỏ mà phải cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu nên cần phải có chiến lược, sách lược cụ thể mới giữ vững được thị phần trong nước. Trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ thì nguồn hàng là yếu tố tối quan trọng, quyết định sự thành bại của DN. Hiện tại, một số DN phân phối lớn đã có chiến lược hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất, nhưng các DN nhỏ vẫn hoạt động theo kiểu mua đứt, bán đoạn.

Muốn hay không Việt Nam vẫn phải mở cửa thị trường bán lẻ vào năm tới, nên muốn tồn tại, các DN trong nước một mặt phải liên kết với nhau xây dựng thành chuỗi cửa hàng, siêu thị liên hoàn trên toàn quốc hoặc trên một địa bàn; mặt khác phải hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng, số lượng hàng hoá đầu vào.

Trong khi DN nước ngoài chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn, còn thị trường rộng lớn hơn là nông thôn thì họ chưa để ý tới. Song các DN trong nước gần như cũng bỏ ngỏ thị trường rộng lớn này?
Tôi cũng đã đặt câu hỏi này với các cơ quan quản lý nhà nước. Các DN Việt Nam cần coi trọng và phát triển thị trường nông thôn - một thị trường rộng lớn và ngày càng phát triển nhờ thu nhập của người dân ngày một nâng cao. Để chiếm lĩnh thị trường nông thôn, không đơn thuần là xây dựng chuỗi cửa hàng, siêu thị mà cần học cách phân phối của DN nước ngoài.

Các DN nước ngoài không chỉ quan hệ với những nhà sản xuất hàng gia dụng, điện tử - điện máy, thiết bị xây dựng..., mà còn quan hệ trực tiếp với người nông dân, với trang trại, hợp tác xã để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hoá dồi dào, bảo đảm chất lượng cho hệ thống siêu thị của họ tại đô thị, vừa mở ra một đối tượng khách hàng mới là nông dân.

Việc mở cửa thị trường bán lẻ mang lại lợi gì cho người tiêu dùng, thưa ông?
Mặc dù chúng ta chưa mở cửa hoàn toàn thị trường này, nhưng trên khắp các đô thị lớn của Việt Nam đã xuất hiện một số tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Big C, Metro... Khi mở cửa hoàn toàn thị trường sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán lẻ nữa đến Việt Nam.

Việc mở cửa thị trường cũng có 2 mặt, một mặt sẽ tăng áp lực cạnh tranh đối với DN trong nước, mặt khác họ đưa công nghệ quản lý, kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào. Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất nhờ việc mở cửa thị trường này vì hàng hoá sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn, nên không những người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, mà còn được mua sản phẩm với giá cả, chất lượng bảo đảm.

Thời gian qua thị trường trong nước có thời điểm rơi vào tình trạng “khó kiểm soát”. Nhiều người cho rằng, đây là hệ quả của việc gia nhập WTO, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Việt Nam đang thực hiện mở cửa thị trường theo đúng lộ trình, đúng cam kết gia nhập WTO, theo tôi, nhận định trên không xác đáng. Với nền kinh tế mở cửa, thị trường Việt Nam đã trở thành một phần của thị trường thế giới, cho dù Bộ Tài chính có áp mức thuế nhập khẩu cao nhất theo cam kết nhưng do sự chênh lệch về giá cả giữa thị trường nội địa và thị trường thế giới nên gần đây xuất hiện cả việc nhập khẩu một số hàng hoá tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh, trước đây nhập rất ít hoặc không nhập khẩu như muối, thịt gia súc, thịt gia cầm, hoa quả, gạo...

Việc nhập khẩu những mặt hàng này do DN tự thực hiện trên cơ sở cung-cầu. Việt Nam đang phấn đấu để thế giới công nhận là có nền kinh tế thị trường nên các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể cấm nhập khẩu một cách tuyệt đối mặt hàng nào đó bằng mệnh lệnh hành chính, khi thị trường trong và ngoài nước có sự chênh lệch.

Cách tốt nhất để giảm tình trạng này là đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, khi sản phẩm hàng hoá trong nước dồi dào với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý thì dù có khuyến khích cũng không DN nào lại đi nhập nhữung hàng hoá đã dồi dào trong nước như muối ăn, nông sản, thực phẩm...

( Cổng thông tin kinh tế )

  • Mở cửa thị trường bán lẻ:Cơ hội cho dịch vụ phát triển kinh doanh
  • Thị trường bán lẻ: “Đại gia” rầm rộ lấn sân
  • Dự báo diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt
  • Thị trường bán lẻ trường "giờ G"
  • Lo cho DN phân phối, bán lẻ
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: DN cần có chiến lược phù hợp
  • Trao giải cho gần 100 doanh nghiệp bán lẻ xuất sắc
  • Mở cửa thị trường bán lẻ sẽ kích thích doanh nghiệp
  • Các nhà bán lẻ ngoại mở rộng hoạt động tại VN
  • Thị trường hàng tiêu dùng: Hàng ngoại “lấn sân”
  • Wal-Mart muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á
  • Nguyễn Kim vào Top 500 nhà bán lẻ châu Á Thái Bình Dương