Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt

Chỉ còn hơn một tháng nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chính thức mở theo cam kết gia nhập WTO. Sự có mặt của nhiều đại gia nước ngoài, một mặt sẽ tạo ra môi trường bán lẻ phong phú và chuyên nghiệp nhưng mặt khác cũng dấy lên cuộc đua cạnh tranh khốc liệt.

Tại buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm và cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ hàng đầu Vương quốc Anh, do Cơ quan thương mại và đầu tư Anh quốc tại Việt Nam phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức ngày 18/11/2008, một số nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đây cũng là một chặng đường dài cạnh tranh đầy khốc liệt và cần có sự kiên nhẫn.
 
Hướng tới sự chuyên nghiệp và hiện đại
 
Nhận định về thị trường trong nước, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho rằng, hiện nay, nền bán lẻ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Vụ ngập lụt vừa qua tại Hà Nội là một bằng chứng cho điều đó, ông Xuân dẫn chứng. Trong cảnh lụt lội, dân tình khốn khổ vì thiếu lương thực, nhất là rau xanh thì các nhà bán lẻ trong nước lại không đủ hàng hóa cung ứng và tỏ ra lúng túng. Và đó cũng là một điểm ông Xuân lưu ý các nhà bán lẻ Anh quốc như một cơ hội trước khi họ muốn đầu tư vào Việt Nam.
 
Chính vì vậy, khi cánh cửa đã mở ra công bằng cho mọi nhà bán lẻ, cả trong và ngoài nước vào ngày 01/01/2009, một mặt, Chính phủ cũng lo ngại liệu các nhà bán lẻ trong nước có hợp tác và cạnh tranh tốt với các nhà bán lẻ nước ngoài vốn “mạnh gạo bạo tiền” và dày dạn kinh nghiệm hay không.
 
Mặt khác, Chính phủ cũng kỳ vọng các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ góp phần tạo ra một môi trường bán lẻ phong phú, đa dạng, chuyên nghiệp nhưng cũng phải rất Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt lưu tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

“Nền bán lẻ Việt Nam còn sơ khai và đang hướng dần đến sự chuyên nghiệp và hiện đại. Đó là điều tất yếu khi hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhưng trước hết, là vì sức khỏe và sự tiện ích mà người dân Việt Nam cần được hưởng thụ”, ông Xuân Khẳng định.
 
Tiềm năng và khốc liệt
 
Đại diện Cơ quan thương mại và đầu tư Anh quốc tại Việt Nam, ông Mc Thomson cho rằng, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và chưa được khai thác mấy. Tuy vậy, đây là một thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Đầu tư vào thị trường này là một chặng đường dài đầy thử thách. Do vậy, các nhà đầu tư cần phải có sự kiên nhẫn.
 
Lý giải điều này, ông Mc Thomson cho rằng, hiện nay, một khó khăn cho các nhà bán lẻ nước ngoài là thuê địa điểm kinh doanh. Bởi lẽ, một cửa hàng hay trung tâm bán lẻ cần phải tọa lạc tại vị trí trung tâm của thành phố và nằm trên những con đường lớn. Thế nhưng, tại Việt Nam, giá cho thuê mặt bằng ở các khu vực trung tâm quá đắt đỏ.
 
Theo ông, hiện nay, so với Băng Cốc hay Manila, mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam còn quá khiêm tốn. Mặt khác, các tòa nhà bán lẻ hiện có tại Việt Nam quá nhỏ, rất khó để các nhà bán lẻ muốn cải thiện lại theo cách thiết kế riêng, phù hợp với ngành hàng của mình. Đồng thời, chỗ đậu xe ở các tòa nhà cũng là một vấn đề nan giải.
 
Những khó khăn về địa điểm kinh doanh sẽ còn kéo dài trong vài năm tới cho đến khi thị trường bất động sản của Việt Nam sáng sủa hơn.
 
Về việc xác định đối tượng phục vụ, theo nhận định của Mc Thomson, sẽ là một sai lầm lớn nếu các nhà đầu tư hướng đến việc phục vụ hàng hóa cho khách du lịch. Bởi lẽ, lượng khách du lịch đến với Việt Nam quá nhỏ so với các nước khác như các nhà đầu tư từng thấy. Thay vào đó, đối tượng cần được hướng đến chính là người dân bản xứ.
 
Theo đánh giá của ông, người Việt Nam có khả năng tiêu dùng rất lớn. Họ rất chuộng những sản phẩm hiện đại và thường xuyên thay đổi đồ dùng. Điện thoại di động là một ví dụ.
 
Xem ra tiềm năng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn hơn những bất cập. Vì vậy, nhiều nhà bán lẻ hoặc các tập đoàn liên quan đến bán lẻ vẫn tỏ ra rất quan tâm đến sự kiện Việt Nam sắp mở cửa thị trường bán lẻ cho nhà bán lẻ nước ngoài.
 
Tại Hội thảo, hàng chục tập đoàn, công ty của Anh quốc thuộc nhiều lĩnh vực: thời trang, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính… cho biết, họ mong đợi đến ngày 01/01/2009 và kỳ vọng sẽ đạt được sự hợp tác tốt với các nhà bán lẻ trong nước.
 
Theo ông Spencer Young, đại diện Tập đoàn Harvey Nash, Việt Nam là một thị trường mà ông luôn muốn nhắm đến bởi nó có nhiều điểm hấp dẫn mà không phải đất nước nào cũng có được như con người thân thiện, ước vọng tiến bộ cao, tư tưởng, đạo đức lao động nghiêm túc, nhân lực trẻ, thiên nhiên ôn hòa, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao và trên hết là sự ổn định về chính trị.
 
Do vậy, tuy có những sự khác biệt về văn hóa và thời tiết so với các thị trường truyền thống, song, các nhà bán lẻ Anh quốc cho biết, họ sẵn sàng thay đổi thiết kế, kiểu dáng và nhiều yếu tố cần thiết khác để thích nghi và kích thích tiêu dùng ở Việt Nam.

(Theo Vinanet)

  • Mở cửa thị trường bán lẻ:Cơ hội cho dịch vụ phát triển kinh doanh
  • Thị trường bán lẻ: “Đại gia” rầm rộ lấn sân
  • Dự báo diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt
  • Thị trường bán lẻ trường "giờ G"
  • Lo cho DN phân phối, bán lẻ
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: DN cần có chiến lược phù hợp
  • Trao giải cho gần 100 doanh nghiệp bán lẻ xuất sắc
  • Mở cửa thị trường bán lẻ sẽ kích thích doanh nghiệp
  • Các nhà bán lẻ ngoại mở rộng hoạt động tại VN
  • Thị trường hàng tiêu dùng: Hàng ngoại “lấn sân”
  • Wal-Mart muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á
  • Nguyễn Kim vào Top 500 nhà bán lẻ châu Á Thái Bình Dương