Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường hàng tiêu dùng: Hàng ngoại “lấn sân”

Khảo sát sơ bộ tại nhiều siêu thị, trung tâm bán lẻ ở TP.HCM cho thấy hàng ngoại đang “lấn sân” mạnh mẽ hàng trong nước. Nhiều mặt hàng như may mặc, nhựa... lâu nay cứ ngỡ hàng trong nước thống lĩnh nhưng giờ đây đang phải nhường bước cho hàng ngoại. Theo Tổng cục Thống kê, tám tháng đầu năm có sáu nhóm mặt hàng nhập khẩu tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ôtô nguyên chiếc tăng 206%.

Hachihachi, một siêu thị mini ở TP.HCM do một doanh nhân VN thành lập, gần đây đã thu hút khá nhiều khách hàng nhờ chuyên bán hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản. Hàng hóa ở Hachihachi chủ yếu là những vật dụng đơn giản sử dụng trong gia đình, từ hộp nhựa đựng thuốc uống có chia bảy ngăn đủ màu cho dễ sử dụng, đến miếng xốp chỉ cần nhúng nước là có thể tẩy bất kỳ vết bẩn nào...
Không phải hàng hóa ở đây đều được sản xuất ở Nhật mà có cả ở Trung Quốc hay Ba Lan, nhưng tất cả đều được nhập về Nhật Bản rồi mới xuất khẩu sang VN. Hàng hóa ở đây được các công ty Nhật sản xuất hoặc đặt hàng cho người Nhật dùng hằng ngày. Người tiêu dùng Nhật vốn kỹ tính và đề cao sự tiện dụng nên hàng hóa ở đây được nhiều người VN tin dùng. Mỗi ngày ở đây xuất ra khoảng 160 hóa đơn bán hàng - một con số mơ ước cho bất kỳ cửa hàng nhỏ nào. Khách hàng phần đông là phụ nữ ở độ tuổi trên 30, những người chịu chi cho mỗi hóa đơn mua hàng vài trăm nghìn đồng/lần mua.
Tại các siêu thị hàng điện máy có thể thấy hàng nhập khẩu nhan nhản. Ngoài các nhãn hiệu quen thuộc của Nhật, Hàn Quốc... gần đây rất nhiều nhãn hiệu mới cũng xuất hiện và được giới thiệu đến từ Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... Thống kê của hải quan cho thấy đây là một trong những mặt hàng nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian qua.
Đặc biệt, hàng may mặc lâu nay nhiều người cứ ngỡ hàng trong nước thống lĩnh, song thực tế hoàn toàn ngược lại.
Theo giám đốc một công ty may ở TP.HCM, hàng may mặc sẵn VN đang bị “đánh” hai đầu. Ở phân khúc cao cấp thì các nhãn hiệu thời trang lớn từ châu Âu, Hàn Quốc, Hong Kong chiếm giữ. Còn hàng cấp thấp cho đa số đối tượng sử dụng - vốn có phân khúc thị trường rộng nhất - thì hàng Trung Quốc đang “làm mưa làm gió”. Với phân khúc thị trường trung bình mà các doanh nghiệp VN thắng thế lâu nay đang bị thu hẹp dần. Chính vị giám đốc này thừa nhận công ty của ông đang phải hình thành một bộ phận đi mua hàng nhập khẩu về bán.
Thuế giảm đã tạo đà cho hàng nhập. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc đang thấp hơn đáng kể so với các nước thành viên WTO khác. Đặc biệt theo “Chương trình thu hoạch sớm” giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, mỗi năm đã có hàng trăm dòng thuế giảm được đưa vào áp dụng. Vì thế hàng hóa Trung Quốc có điều kiện thâm nhập VN mạnh hơn. Nhưng quan trọng hơn là nhiều mặt hàng của Trung Quốc cạnh tranh hơn của VN.
Thống kê không chính thức của các siêu thị cho thấy tỉ lệ hàng may mặc sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm bình quân 30-40% tại các siêu thị, còn lại phần lớn là hàng nhập từ Trung Quốc do đáp ứng được các yếu tố giá rẻ, hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng thời trang sang trọng, vốn có thương hiệu riêng, đã chọn cách bán hàng mua từ Trung Quốc thay vì sản xuất trong nước như trước đây.

(Theo TTO)

  • Mở cửa thị trường bán lẻ:Cơ hội cho dịch vụ phát triển kinh doanh
  • Thị trường bán lẻ: “Đại gia” rầm rộ lấn sân
  • Dự báo diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt
  • Thị trường bán lẻ trường "giờ G"
  • Lo cho DN phân phối, bán lẻ
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: DN cần có chiến lược phù hợp
  • Trao giải cho gần 100 doanh nghiệp bán lẻ xuất sắc
  • Mở cửa thị trường bán lẻ sẽ kích thích doanh nghiệp
  • Các nhà bán lẻ ngoại mở rộng hoạt động tại VN
  • Thị trường hàng tiêu dùng: Hàng ngoại “lấn sân”
  • Wal-Mart muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á
  • Nguyễn Kim vào Top 500 nhà bán lẻ châu Á Thái Bình Dương