Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đàm phán EPA Việt-Nhật có bước tiến triển

Từ ngày 20-22/8, tại thủ đô Tôkyô (Nhật Bản) đã diễn ra vòng đàm phán thứ 8 về Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn đàm phán nước ta do nguyên Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ dẫn đầu và đoàn Nhật Bản do ông Jun Yokota, Đại sứ về quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế Bộ Ngoại giao Nhật Bản, làm trưởng đoàn.

Phát biểu sau khi kết thúc đàm phán, ông Phan Thế Ruệ đánh giá vòng đàm phán lần này đã có những tiến triển đáng kể. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung yêu cầu trong hiệp định. Phía Nhật Bản đã rút lại một số yêu cầu và thống nhất được nhiều vấn đề quan trọng như dịch vụ, đầu tư, thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn bất đồng về 4 vấn đề cơ bản, bao gồm mở cửa thị trường sản phẩm công nghiệp, hàng nông nghiệp, xuất xứ hàng dệt may và di chuyển thể nhân.
Về vấn đề mở cửa thị trường sản phẩm công nghiệp, phía Nhật Bản cho rằng sản phẩm ô tô và thép là những mặt hàng nhạy cảm và đề ra yêu cầu cao, trong khi Việt Nam cần tính toán để ngành ô tô và ngành thép có điều kiện phát triển nên chưa chấp thuận những đề nghị của phía Nhật Bản. Về vấn đề di chuyển thể nhân, mặc dù không chấp thuận yêu cầu ban đầu do phía Việt Nam đưa ra, song Nhật Bản đề xuất sáng kiến gồm 4 nội dung nhằm tạo điều kiện để Việt Nam có thể đưa y tá và hộ lý sang Nhật Bản làm việc lâu dài, trong đó có chương trình hỗ trợ đào tạo y tá tại Nhật Bản trong vòng 3 năm, sau đó những đối tượng được đào tạo sẽ làm việc tại Nhật Bản 7 năm; Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm kiểm định tay nghề gồm hệ thống các trường đào tạo y tá và hộ lý; thực hiện các chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện cho y tá và hộ lý Việt Nam làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Những vấn đề về di chuyển thể nhân sẽ được thảo luận trong một hiệp định mới và thời gian thương lượng có thể kéo dài trong vòng một năm.
Theo Trưởng đoàn Phan Thế Ruệ, nhiều khả năng những vấn đề bất đồng giữa hai bên sẽ được giải quyết dứt điểm tại vòng đàm phán thứ 9, dự kiến diễn ra ở Hà Nội vào giữa tháng 9 tới. Cả hai trưởng đoàn đều lạc quan về khả năng tiến trình đàm phán EPA giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể kết thúc đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Việc ký kết EPA sẽ tạo điều kiện tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, góp phần phát triển toàn diện hơn nữa quan hệ Việt - Nhật.

Tại hội thảo “Chuẩn bị cho việc bùng nổ nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam”, tổ chức chiều 21/8, tại Hà Nội, Vụ Công nghiệp nặng cho rằng dòng xe dưới 9 chỗ sẽ dẫn dắt sự phát triển của thị trường thời kỳ “ô tô hóa” góp phần tạo việc làm cho lao động trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ đồng thời giảm thâm hụt thương mại.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)