Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản: Tiêu thụ tôm giảm mạnh

Mặc dù đồng Yên vẫn khá mạnh so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và giá tôm thế giới khá ổn định nhưng tiêu thụ tôm trên thị trường Nhật nữa đầu năm 2008, đặc biệt là trong thời gian từ 24/7 đến 5/8, tiếp tục giảm sút mạnh. Nguyên nhân chính là do giá mặt hàng thủy sản này liên tục tăng cao trong khi kinh tế Nhật đang có dấu hiệu suy thoái.

Báo cáo mới nhất cho thấy kinh tế Nhật đã giảm sút 0,06% trong quí 2 năm nay đã phần nào ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa. Sự tăng giá của năng lượng và thực phẩm khiến các chi tiêu khác bị cắt giảm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ tôm nguyên con trên thị trường Nhật có giảm do đang vào vụ cá chình nhưng giá vẫn không giảm do nguồn cung bị thu hẹp.
Theo Vasep, 6 tháng đầu năm 2008, tổng nhập khẩu tôm vào Nhật là 115.031 tấn, trị giá 967,78 triệu USD, giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 1 đến tháng 6 năm 2007, Nhật nhập khẩu 116.880 tấn, trị giá 940 triệu USD. Hầu hết các sản phẩm tôm nhập khẩu vào Nhật đều giảm sút ngoại trừ tôm đông lạnh chín tăng 15%. Tôm nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm 73% tổng nhập khẩu tôm vào Nhật nhưng tổng nguồn cung giảm so với năm ngoái. Trong số 10 nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Nhật, chỉ có nhập khẩu từ Việt Nam và Bănglađét là tăng lên.
Nhập khẩu vào Nhật giảm do giá chào bán tôm quá cao. Giá xuất khẩu tôm chân trắng của Thái Lan tăng nhanh và nước này đưa ra dự báo rằng sản lượng tôm chăn trắng năm nay ít hơn so với năm ngoái do nhiều hộ nuôi loài tôm này chuyển sang nuôi cá rôphi và tôm sú. Liên hiệp Các tổ chức nuôi tôm Thái Lan dự kiến chuyển đổi 30% diện tích nuôi tôm (chủ yếu là tôm chân trắng) sang nuôi cá rôphi. Tại Ấn Độ, mưa lớn ở phía Nam Ấn Độ đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động nuôi trồng và khai thác khiến giá nguyên liệu tăng vọt.
Giá chào bán tôm sú trong tuần cuối tháng 7 và tuần đầu tháng 8 từ các nước sản xuất tăng lên. Nguồn cung tiếp tục thấp hơn so với mức dự kiến. Nhu cầu từ Mỹ và EU mạnh lên, đặc biệt là các sản phẩm tôm thịt. Trong tình hình đó, Vasep dự đoán thị trường tôm Nhật vẫn sẽ trầm lắng cho đến cuối năm. Nhập khẩu vào Nhật có thể sẽ tăng lên để chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, dự báo khả năng kinh tế suy thoái ở Nhật có thể kéo theo tiêu thụ giảm xuống, đặc biệt tại các hộ gia đình. Diễn tiến này sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu tôm của Nhật.

(Theo Vinanet)