Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (12): Chính sách mới và đệ nhị thế chiến

CHÍNH SÁCH MỚI VÀ ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Vào đầu những năm 1930, Tổng thống Franklin Roosevelt đã đề xuất Chính sách mới - một kế hoạch được xây dựng nhằm đưa nhân dân Mỹ ra khỏi cuộc Đại suy thoái trong thời gian nhanh nhất. Ông cũng lưu ý rằng sự biến mất của nền dân chủ tại những quốc gia khác trong thời điểm đó không phải vì nhân dân phản đối dân chủ mà vì họ đã quá mệt mỏi vì nạn thất nhiệp và mất an ninh. Dưới sự lãnh đạo của ông, một tập đoàn liên bang đã được thành lập để bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Các quy định cũng được áp dụng trong việc mua bán chứng khoán. Các đạo luật được thông qua nhằm đảm bảo quyền của công nhân được các công đoàn đại diện. Nông dân nhận được trợ cấp đối với những loại hoa màu nhất định và sự hỗ trợ trong phòng chống xói mòn đất. Tập đoàn Civilian Conservation tuyển những nam thanh niên để trồng cây, nạo vét đường thủy và cải thiện cơ sở vật chất trong các công viên quốc gia. Cục Công trình Công cộng thuê các lao động có tay nghề làm việc trong các dự án quy mô lớn, chẳng hạn như xây dựng đập và cầu. Nhà chức trách ở Tennessee Valley cung cấp việc kiểm soát lũ lụt và điện cho khu vực đói nghèo đó. Cục Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang phân phối trợ cấp, thường dưới dạng chi trả trực tiếp.


Trong giai đoạn thứ hai của các chương trình, các công nhân được tuyển dụng để xây dựng đường sá, sân bay và trường học, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhà văn được thuê làm việc, trong khi thanh niên được cung cấp việc làm bán thời gian. Trong giai đoạn này, Hệ thống An sinh Xã hội cũng được thành lập để giúp đỡ người nghèo, khuyết tật và cao tuổi.

Nhìn chung, người Mỹ thường băn khoăn trước ý tưởng về một chính phủ lớn, nhưng họ lại muốn Chính phủ có trách nhiệm nhiều hơn đối với quyền lợi của thường dân. Và trong khi Chính sách mới cung cấp sự trợ giúp hữu hình cho hàng triệu người Mỹ thì nó lại chưa bao giờ thành công trong việc phục hồi sự thịnh vượng.

Hoa Kỳ cố gắng duy trì sự trung lập trong bối cảnh các chế độ độc tài ở Đức, Italia và Nhật đang mở rộng quyền kiểm soát ở các nước láng giềng. Tranh cãi gia tăng sau khi Đức xâm lược Pháp và bắt đầu ném bom Anh. Bất chấp tư tưởng cô lập sâu sắc (của người Mỹ), Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ cưỡng bức quân dịch và tăng cường quân đội.

Hầu hết mọi người đều tập trung vào những diễn biến ở châu Âu khi Nhật Bản đe dọa sẽ chiếm những nguồn nguyên liệu thô được sử dụng trong các ngành công nghiệp phương Tây. Để đáp lại, Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận đối với hàng hóa thiết yếu nhất của Nhật - dầu mỏ, và yêu cầu Nhật rút khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm. Nhật Bản từ chối, và vào ngày 7/12/1941, họ mở một cuộc tấn công hủy diệt nhằm vào hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii. Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật. Đức và Italia, khi đó là đồng minh của Nhật, tuyên chiến với Hoa Kỳ.

Công nghiệp và nông nghiệp Hoa Kỳ được khai thác để phục vụ chiến tranh. Việc sản xuất thiết bị quân sự tăng vọt: 300.000 máy bay, 5.000 tàu chở hàng, 60.000 tàu đổ bộ và 80.000 xe tăng trong chưa đầy 4 năm. Phần lớn công việc được đảm nhiệm bởi phụ nữ - những người đã đến làm việc trong các nhà máy khi đàn ông ra trận.

Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô liên minh để chống lại mối đe dọa Quốc xã và quyết định rằng các hoạt động quân sự chủ chốt của họ phải tập trung ở châu Âu. Họ quyết tâm phá vỡ gọng kìm của Đức - Italia ở Địa Trung Hải và ngăn chặn sự sụp đổ của Mát-cơ-va. Sau đó, họ sẽ giải phóng Rome, Paris và cuối cùng là Berlin.

Kể từ khi quân Đức chiếm đóng Ba Lan năm 1939 cho đến khi họ đầu hàng năm 1945, chiến tranh ở châu Âu đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, binh lính cũng như thường dân. Hàng triệu người khác đã bị giết trong của đợt tàn sát người Do Thái, một chính sách diệt chủng có hệ thống của Đức Quốc xã chống lại người Do Thái và các nhóm tộc người khác.

Chiến tranh ở châu Á về cơ bản là một loạt những cuộc chiến của hải quân và những cuộc tấn công đổ bộ nhằm phá vỡ phòng tuyến của quân Nhật trên các đảo ở Thái Bình Dương. Cuộc chiến ở đây vẫn tiếp diễn sau khi chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc. Những trận đánh cuối cùng là những trận đẫm máu nhất trong chiến tranh. Hầu hết người Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Harry Truman, tin rằng một cuộc xâm lược của Nhật Bản thậm chí có thể là tồi tệ hơn. Truman khi đó sẵn sàng sử dụng loại bom nguyên tử mới được phát minh để chẩm dứt chiến tranh. Khi Nhật từ chối đầu hàng, ông đã ra lệnh ném bom các thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Kế hoạch thành công. Nhật Bản đầu hàng, và Đệ nhị Thế chiến cuối cùng đã kết thúc vào tháng 8 năm 1945. Mãi về sau này, người ta mới nhận thức được đầy đủ về sức mạnh khủng khiếp và hủy diệt của vũ khí hạt nhân.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (12): Chính sách mới và đệ nhị thế chiến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (13): Chiến tranh lạnh, xung đột ở Triều Tiên và Việt Nam
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (14): Biến đổi văn hóa: 1950-1980
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (15): Kết thúc thế kỷ XX