Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bong bóng dầu lửa sắp vỡ?

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya khiến giá dầu trên thế giới tăng 'phi mã' và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế các nước nhập khẩu như Việt Nam.

Thông tin mới nhất từ các phiên giao dịch dầu mỏ trên thế giới cho thấy giá của loại “vàng đen” này vẫn đang tiếp tục đà “thăng hoa”. Theo đó, dầu thô giao tháng 4 trên thị trường New York tăng 2,6 USD lên 102,23 USD một thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Tại thị trường London, giá dầu Brent cũng tăng 93 xu lên 116,35 USD một thùng.

Khi giá dầu thô tăng, chắc chắn xăng cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Tại Mỹ, giá xăng có thể lên mức 3,5 USD một gallon trong thời gian tới, buộc người dân nước này phải cắt giảm chi tiêu. Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng tăng thêm một xu, thì người tiêu dùng Mỹ lại thiệt hại 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn được cho là sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Bắc Phi hơn so với phần lớn các nước châu Âu và châu Á, vì các nhà máy lọc dầu lớn của nước này có thể chế biến cả dầu ngọt và dầu chua.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng tức thời nhiều nhất từ tình hình căng thẳng ở Libya. Hơn 85% lượng xuất khẩu dầu của Libya là sang châu Âu, trong đó hơn 1/3 sang Italy. Phần lớn số dầu còn lại được xuất sang châu Á, 5% được xuất sang Mỹ.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng dầu lửa mới

Nếu bất ổn địa chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông tiếp diễn, khó đoán trước thế giới sẽ chấn động thế nào. Nếu cuộc khủng hoảng chính trị này tiếp tục xấu đi, sẽ có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng dầu lửa mới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, kể từ khi bạo loạn nổ ra đến cuối tuần qua, sản lượng khai thác tại Libya giảm ít nhất 750.000 thùng dầu mỗi ngày thay vì công suất bình thường là 1,6 triệu thùng mỗi ngày. Tệ hơn nữa, không ai biết khi nào các chuyên gia  nước ngoài có chuyên môn, tay nghề, các hãng khai thác nổi tiếng có thể trở lại Libya. Julian Lee, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng toàn cầu ở London nói: "Người ta không hề chắc chắn tương lai Libya sẽ diễn ra thế nào. Các công ty có hợp đồng rất béo bở tại Libya và họ không muốn bị tổn thất”.

Theo New York Times, thị trường thế giới còn lo ngại, nguồn cung dầu từ khu vực có thể giảm mạnh thêm trong những ngày tới, khi mà bất ổn lan rộng tới các quốc gia sản xuất dầu lớn khác như Algeria. Trong khi đó, tình hình ở Algeria, nguồn cung nhập khẩu dầu lớn thứ 7 của Mỹ, cũng đang chứa đựng nhiều bất ổn. Trong vài tuần qua, Algeria đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tình trạng tăng giá lương thực, thực phẩm, tỷ lệ thất nghiệp cao, và đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.

Sở dĩ tình hình ở Libya có tác động mạnh tới giá dầu quốc tế vì loại dầu thô “ngọt” của nước này không dễ thay thế trong việc sản xuất xăng, dầu diesel và xăng hàng không, đặc biệt tại những nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á vốn không được trang bị để lọc loại dầu “chua” có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn. Arab Saudi, nước “anh cả” của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có công suất dự trữ hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng phần lớn số dầu này là dầu chua.

Các chuyên gia về dầu lửa cho rằng, nếu bất ổn ở Libya còn kéo dài thêm một vài tuần nữa, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu sẽ buộc phải mua dầu thô ngọt từ Algeria và Nigeria, hai nguồn cung cấp dầu ngọt chính của nước Mỹ hiện nay. “Các nhà máy lọc dầu thô ngọt sẽ bị đẩy vào một cuộc chiến chào giá. Vấn đề chất lượng đang được đặt lên trước vấn đề số lượng”, ông Lawrence J. Goldstein, một chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu chính sách năng lượng của Mỹ, nhận định.

Giới đầu tư cũng lo ngại các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra tại một số nước Bắc Phi và Trung Đông có thể lan rộng sang các vựa dầu của thế giới, làm giá dầu tăng và ảnh hưởng đến tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu. "Các nhà đầu tư đang lo lắng giá dầu tăng không chỉ đe dọa mà còn là lực cản với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay", hãng Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo mới công bố.

Tại châu Á, giá dầu tăng cao đang gây áp lực lớn hơn với các ngân hàng trung ương, buộc họ phải tăng lãi suất cao hơn nữa để chống lại lạm phát có nguy cơ leo thang. Nhưng nếu lãi suất tăng quá cao, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.


Biểu đồ cho thấy giá dầu tăng liên tục trong tuần qua. Ảnh: Reuters

Các nước nhập khẩu ‘bó tay’


Tiến sĩ Stelzer Irwin, kinh tế gia và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Hudson, Mỹ, phân tích: “Người ta đang nghĩ tới cái gọi là hiệu ứng domino. Cái mà người ta sợ nhất là nó sẽ lan đến Arab Saudi. Dĩ nhiên là bây giờ sự việc này chưa xảy ra, nhưng nó cũng đủ làm thế giới lo lắng. Thêm một điều nữa, sự lo lắng này xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng kinh tế và sự bùng nổ kinh tế ở châu Á làm mức cầu về xăng dầu gia tăng đáng kể”.

Ông cũng cho biết thêm: “Thị trường xăng dầu là thị trường quốc tế. Xuất khẩu dầu đi đâu không quan trọng. Khi dầu khan hiếm thì nó sẽ ảnh hưởng giá cả mọi nơi. Nếu mà cuộc khủng hoảng lan sang Arab Saudi thì ảnh hưởng xấu cho Mỹ vì nước này cần nhiều xăng dầu. Và thậm chí đối với các nước đang phát triển, ảnh hưởng này còn xấu hơn vì người dân khó có đủ tiền chi tiêu như vậy. Không ai có thể phủ nhận rằng khi dầu khan hiếm, không những giá xăng dầu tăng mà các mặt hàng khác cũng tăng”.

Nhận định về việc giá dầu đang ở mức kỷ lục như hiện nay, tiến sĩ Irwin cho rằng: “Mỗi khi giá dầu vượt mức 100 USD một thùng, thì nó ảnh hưởng không nhỏ đến GDP một quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam”.

Tuy tác động của giá xăng dầu tăng cao là không nhỏ đối với các nước đang phát triển nhưng theo ông Irwin các nước nhập khẩu dầu khó có thể thay đổi được thế cục. “Trong tương lai xa, nếu xã hội dùng những nguồn năng lượng khác để thay thế xăng dầu thì đó là chuyện khác. Arab Saudi luôn muốn giữ giá dầu không cao quá bởi họ e rằng khi giá quá cao người ta sẽ chuyển sang dùng các nguồn năng lượng khác như từ gió hay từ mặt trời chẳng hạn”, ông nói.

(Báo Đất Việt)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'