Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'

Không phải là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, nhưng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tuần qua trở thành tâm điểm của giới truyền thông toàn cầu. 

Tạm gác thực tế Mỹ và TQ là hai nền kinh tế đứng đầu thế giới, cũng như những diễn biến ngày càng nóng trong cuộc cạnh tranh vị thế ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương (châu Á-TBD) giữa hai cường quốc, đây lần đầu tiên “quan hệ nước lớn kiểu mới” được giới truyền thông nhắc tới như khái niệm mới trên vũ đài chính trị toàn cầu.

Thứ nhất, việc ông Tập đến thăm Mỹ chỉ hai tháng sau khi lên nắm quyền và chuyến thăm kéo dài tới hai ngày cũng là điều chưa từng xảy ra trong giới lãnh đạo TQ. Người tiền nhiệm của ông Tập, ông Hồ Cẩm Đào, chỉ đến Washington sau khi đã cầm quyền 3 năm. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Giang Trạch Dân không đến Mỹ cho đến khi đã tại vị 4 năm.

Đáng nói là, tất cả cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh và Washington từ trước tới nay chỉ kéo dài 1-2 giờ, có khi chỉ 30 phút bên lề các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, ông Tập đã dành tới 48 giờ cho lịch trình làm việc tại Mỹ.

Thứ hai, lịch sử thế giới hiện đại chưa từng chứng kiến nghịch lý: Sức mạnh kinh tế của quốc gia được cho là “siêu cường duy nhất” lại phụ thuộc rất lớn vào chính đối thủ cạnh tranh vị thế “siêu cường” với mình.

Các thống kê cho thấy, 25% thị phần của Mỹ hiện dành cho các mặt hàng xuất khẩu TQ, trong khi Bắc Kinh nắm giữ 8% nợ quốc gia của Washington, vốn được xem như “thòng lọng” lơ lửng trên đầu nước Mỹ. Khoảng 8 vạn người Mỹ đang sống và làm việc ở TQ, trong khi có hơn 20 vạn người TQ du học ở Mỹ.

Thứ ba, là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ và TQ có GDP chiếm xấp xỉ 1/3 GDP toàn cầu; kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Trung dự kiến vượt 500 tỷ USD trong 2013. Vì thế, cả ông Obama và ông Tập đều hiểu rằng, bất kỳ biến động nào trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ lập tức tác động tới nền kinh tế của hai nước cũng như kinh tế toàn cầu.

Vị thế nước lớn, sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế… là những nhân tố khiến đối đầu Mỹ - Trung khó có thể đẩy hai quốc gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, bất chấp những xung đột giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng mở rộng từ vị thế địa-chính trị lan sang quân sự.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa, sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập, Washington và Bắc Kinh sẵn sàng gạt sang một bên những tham vọng ngày càng lớn của cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”, hay “Siêu cường duy nhất” trên thế giới cũng như các vấn đề khúc mắc giữa hai nước, từ an ninh mạng, mất cân bằng thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên... Cả Washington lẫn Bắc Kinh vẫn luôn có những toan tính khiến đối phương không thể không cảm thấy bất an. Bản thân chuyến công du tới Mỹ-Latin của ông Tập, và “món quà đáp từ” mà ông Obama dành sẵn cho người đứng đầu nhà nước TQ phần nào cho thấy điều đó.

Trước khi tới Mỹ, ông Tập tới Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico - những quốc gia được xem là “sân sau” của Mỹ tại châu Mỹ Latin. Thống kê cho thấy, doanh số thương mại giữa TQ và Mỹ Latin năm 2012 vượt mốc 261 tỷ USD. Ngoài ra, các nền kinh tế Mỹ Latin hiện tiếp nhận 13% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của TQ, tương đương 31 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2015, TQ sẽ vượt Mỹ để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ Latin. Trong lúc Washington hướng mục tiêu quân sự, ngoại giao về châu Á-TBD, tập trung đầu tư kinh tế vào châu Phi để đánh bại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các khu vực này, TQ lập tức bắt tay với các nước Mỹ Latin, tranh giành ảnh hưởng ngay tại “sân sau” giàu tài nguyên của Mỹ.

Đáp lại, ngày 10/6, một ngày sau khi ông Tập rời California, lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ & Nhật Bản tái khởi động cuộc tập trận vốn bị trì hoãn bởi chuyến thăm Mỹ của ông Tập (đây lần đầu tiên trong lịch sử nền ngoại giao TQ, Bắc Kinh phải yêu cầu đối phương không thực hiện diễn tập quân sự).

Cuộc tập trận hai tuần tại căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton ở San Diego và đảo San Clemente theo kịch bản là các lực lượng sẽ đổ bộ lên một hòn đảo và nã đạn tấn công các đơn vị trên đảo. Kịch bản gợi nhắc xung đột chủ quyền quần đảo (mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi TQ gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Có thể thấy rằng, “món quà đáp từ” mà ông chủ Nhà Trắng dành tặng ông Tập không khác gì viên thuốc đắng.

Thế kỷ 20, Liên Xô và Mỹ tránh được các cuộc xung đột tổng lực do cùng chắc chắn về sự hủy diệt hạt nhân. Mối quan hệ giữa TQ và Mỹ hiện nay được xác định bằng nguy cơ mà hai bên cùng chắc chắn về sự hủy diệt kinh tế lẫn chính trị.

“Chung sống” với những toan tính và bất đồng để cùng phát triển, nhưng không quên “nuôi dưỡng” tham vọng chờ thời cơ, phải chăng đây là xu thế của cái gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới” trong thế kỷ 21, khi mà Chiến tranh Lạnh đã không còn đất tái sinh?

(Theo Tienphong Online)

  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn bất ổn mới
  • Chủ nghĩa dân tộc không được ngủ yên
  • Chính sách ngoại giao kiểu "lính trên chiến địa"
  • Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới