Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần qua: Lo ngại về những bất ổn tác động tiêu cực thị trường dầu mỏ

Tình hình không ổn định tại một số nước Bắc Phi và Trung Đông, trong đó có những nước xuất khẩu dầu mỏ tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.  

Bất ổn ở Libya, nước xuất khẩu 1,6 triệu tấn dầu mỏ mỗi ngày (chiếm 3% thị trường dầu mỏ toàn cầu) đã khiến nhiều tập đoàn dầu mỏ các nước ngừng hoạt động hoặc rút khỏi Libya.

Nhiều chuyên gia cảnh báo các hoạt động này có thể đe dọa sự ổn định của thị trường dầu thế giới giống như cuộc khủng hoảng năm 2003 trong chiến tranh tại Iraq. Khi đó, Iraq, nước xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, đã ngừng mọi hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu, làm xáo động thị trường dầu thế giới.

Tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, hai khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng làm giới đầu cơ lo sợ đã khiến giá dầu và giá vàng tăng vọt.

Giá dầu tại London đã vượt ngưỡng 105 USD/thùng - giá cao nhất kể từ tháng 9/2008, trong khi giá vàng đã tăng lên hơn 1.400 USD/ounce, mức kỷ lục mới trong vòng 7 tuần qua. Hoạt động trên các thị trường chứng khoán thế giới cũng đã giảm một cách đáng kể.

Do lo ngại ảnh hưởng từ tình hình các nước như Tunisia và Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), nước được coi là một trong những quốc gia chính trị ổn định nhất ở Trung Đông - vừa công bố một số cải cách về bầu cử, trong khi chính quyền Syria và Maroc cũng công bố các hình thức hỗ trợ cho người dân.

Syria đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa cơ bản nhằm chống tình trạng tăng giá, đồng thời giải ngân một quỹ trị giá 250 triệu USD để hỗ trợ các gia đình khó khăn.

Chính phủ Maroc đã cam kết hỗ trợ 1,9 tỷ USD nhằm giảm bớt gánh nặng giá cả leo thang cho người dân. Quốc gia Oman cũng đã tăng lương tối thiểu cho người lao động làm việc trong khu vực tư nhân thêm 43%, nhằm nâng cao mức sống của công nhân.

Kuwait cho biết mỗi người dân sẽ được nhận 1.000 đôla Kuwait (tương đương 3.500 USD) và lương thực cơ bản miễn phí trong 13 tháng. Chính phủ Jordan tháng trước cũng công bố một gói hỗ trợ trị giá khoảng 550 triệu USD nhằm tăng lương công nhân, lương hưu và trợ giá thực phẩm...

Trong khi đó tại châu Á, tình hình biên giới giữa hai nước láng giềng Campuchia và Thái Lan đã có chiều hướng lắng dịu sau khi ASEAN đứng ra làm trung gian hòa giải.

Cả Thái Lan và Campuchia đều đã đồng ý giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới một cách ôn hòa và mời Indonesia, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2011 giữ vai trò quan sát viên tham gia các cuộc đàm phán sắp tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa gọi cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần này là một cuộc họp lịch sử vì các nước thành viên ASEAN đã tin tưởng vào sự giúp đỡ của các thành viên khác trong lúc khó khăn.

Liên quan đến các vấn đề kinh tế, trong tuần, dư luận thế giới tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về giá lương thực tăng trên quy mô toàn cầu.

Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cho biết trong tháng 1/2011, chỉ số giá lương thực đã tăng lên 231, mức cao kỷ lục so với con số 100 trong giai đoạn 2002-2004. Chỉ số này đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm ngoái và đạt mức cao thứ 2 chỉ sau mức đỉnh hồi tháng 6/2008.

Theo FAO, tình trạng tăng giá lương thực hiện nay có thể sẽ kéo dài.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • "Cần sớm tháo ngòi nổ quả bom dân số thế giới"
  • Những vấn đề lớn của thế kỷ 21
  • Gió đang… góp lại ở kinh tế Mỹ
  • Kinh tế 24h qua: Lời tỷ phú đáng tin hơn?
  • Khủng hoảng kinh tế làm thay đổi hành vi tiêu dùng
  • Thế giới tuần 21-27/2: Cú sốc dầu lửa
  • 5 dự đoán sai lầm nhất năm 2010
  • Năm 2011, bùng nổ M&A lĩnh vực khai thác mỏ và kim loại