Tờ Diplomat của Nhật Bản vừa có bài bình luận về mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ với tựa đề 'Quan hệ Trung – Mỹ không thể tin nhau', cho rằng Mỹ, Trung Quốc luôn coi nhau là đối thủ tiềm ẩn, khi cần có thể sẵn sàng 'rút kiếm' giao chiến.
Địch thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
Khi bàn về chiến thuật đối phó với kẻ thù không đội trời chung Liên Xô trong Chiến tranh lạnh trước đây, tổng thống Mỹ Reagan rất thích dùng câu nói “Tin tưởng nhưng phải xác minh”. Đây thực sự là một lời phát ngôn khá nực cười. Bản chất của “tin tưởng” là không “xác minh”, nếu đã phải “xác minh” thì không gọi là “tin tưởng”. Làm thế nào để hai cường quốc có sự xung đột trong mục tiêu, chiến lược và lợi ích có thể “tin tưởng” vào nhau?
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường thêm binh lực. Mỹ dự tính sẽ đưa 6 cụm tàu sân bay xung kích, các máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 và tàu ngầm tấn công lớp Virginia tới châu Á -Thái Bình Dương theo chiến lược xoay trục. |
Tờ Diplomat cho rằng hiện nay sự cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn tồn tại, chỉ có điều đã thay đổi hình thức – Một Trung Quốc với nhiều tham vọng lớn và ngày càng tự tin đang trỗi dậy ở khu vực mà từ lâu Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Một số nhà quan sát cho rằng, sức mạnh và sự ảnh hưởng của nước Mỹ trên toàn cầu ngày càng đi xuống. Mặc dù Trung Quốc không phải là Liên Xô ngày trước, nhưng sự hòa bình và xung đột giữa hai cường quốc lớn lại một lần nữa trở thành tâm điểm thu hút của cả thời đại ngày nay. Chính phủ hai nước đều cho rằng việc xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung theo mô hình “tin tưởng nhau về mặt chiến lược” là cần thiết.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các quan chức cấp cao và các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ nhắc nhiều đến một quan điểm. Nói một cách đơn giản là sự hiện đại hóa cấp tốc về mặt quân sự và sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến Mỹ và các nước thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc.
Phía bên ngoài cho rằng, Trung Quốc không cần thiết phải rầm rộ mở rộng quy mô quân sự để bảo vệ mình, chính vì thế họ đang nghi ngờ người Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các cuộc chiến tranh bành trướng hoặc kế hoạch thách thức hiện trạng khác.
Kết quả, quan hệ Mỹ - Trung cần tăng cường sự minh bạch để xóa bỏ những nghi ngờ này. Tăng cường trao đổi để hai bên hiểu về nhau hơn, từ đó có thể “tin tưởng” nhau hơn, có sự tin tưởng sẽ thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa hai bên.
Thủy quân lục chiến Mỹ-Hàn tập trận chung. Mỹ sẽ điều động thêm một số lữ đoàn tinh nhuệ nhất tới châu Á trong thời gian tới. |
Tờ The Diplomat cho rằng, quan điểm khi tin tưởng nhau sẽ tạo dựng mối quan hệ hòa bình cần có tiền đề là những nghi ngờ, dò đoán giữa Trung Quốc và Mỹ không có căn cứ, sau khi hai bên tăng cường đối thoại, những mối nghi ngờ này sẽ được xóa bỏ. Nhưng điều bất hạnh là, một số mối nghi ngờ hoàn toàn có căn cứ. Giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại những bất đồng không thể hòa giải trong một số vấn đề mang tính chiến lược căn bản.
Thứ nhất, luật quốc tế hiện đại có thích hợp cho hoạt động quản lý các sự vụ trong khu vực hay không, ngược lại với đó là quay trở lại với sự sắp đặt “lịch sử” thuộc phạm vi thế lực Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc có thể đưa ra yêu cầu mở rộng chủ quyền lãnh thổ một cách ngang ngược, không tuân theo luật pháp quốc tế, những yêu cầu này xâm phạm đến lợi ích then chốt của các nước láng giềng hay không?
Các nhà quan sát nghiêm túc nhất có thể phát hiện ra rằng, Mỹ và Trung Quốc là hai đối thủ tiềm ẩn nguy hiểm nhất, khi cần thiết sẵn sàng 'rút kiếm' giao chiến với nhau. Kể cả các nhà lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ, chén tạc chén thù cũng không thể xóa bỏ được những sự hiểu lầm này.
'Không tin tưởng' và 'hiếu chiến'
Vấn đề không nằm ở chỗ hai bên đã hiểu lầm đối phương là nước hiếu chiến. Cả hai nước đều muốn duy trì nền hòa bình, nhưng lại muốn làm theo ý của mình. Sự “phòng ngự” mà Trung Quốc nói đến, trong mắt người khác lại giống sự tấn công. Còn sự “ổn định” mà Mỹ đề cập lại bị Trung Quốc hiểu là “kiềm chế”.
Đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng ở mức hai con số trong nhiều năm trở lại đây cũng như thái độ cứng rắn trong giải quyết các vấn đề tranh chấp với láng giềng khiến thế giới ngờ vực về sự 'trỗi dậy hòa bình' của nước này. |
Hai chữ “tin tưởng” chỉ thích hợp với hai nước hoặc nhiều nước có cùng chung chí hướng. Nếu trên trường chính trị quốc tế có cái gọi là “tin tưởng” này thì cũng chỉ xảy ra khi các nước khác nhau tin rằng giữa họ có quan niệm giá trị và lợi ích cơ bản chung.
Như lời Alexander Wendt - Giáo sư Đại học Ohio, chuyên gia trong khoa học chính trị và triết học: Người Mỹ hoàn toàn yên tâm khi nước Anh có 500 vũ khí hạt nhân, nhưng họ lại không thể chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu 5 vũ khí hạt nhân. Giữa Mỹ và một số chính phủ tồn tại mối quan hệ tin tưởng tương tự, giữa họ có hình thái ý thức chính trị tự do, chế độ chính trị dân chủ chung, đã từng là đồng minh lâu năm của nhau…Trong mối quan hệ Mỹ - Trung, các nhân tố này đều không tồn tại.
Trung Quốc đang dồn sức phát triển tàu sân bay với tham vọng siêu cường, đẩy lùi thậm chí thay thế vai trò của Mỹ. Sau khi ra mắt tàu sân bay Liêu Ninh và máy bay trên hạm J-15, Trung Quốc có kế hoạch tự đóng thêm 2 tàu sân bay nội địa. |
Trong một tương lai có thể dự đoán, Mỹ và Trung Quốc không thể đạt tới sự tin tưởng về mặt chiến lược. Sự hợp tác giữa hai nước trong rất nhiều lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng kể, sự hợp tác này nên tiếp tục duy trì, không cần phải chờ đợi sự “tin tưởng” thúc đẩy.
Tờ Diplomat kết luận trong những lĩnh vực nhạy cảm hơn, cả hai nước cần cố gắng kiềm chế bầu không khí căng thẳng không thể tránh khỏi liên quan đến chiến lược của cả hai bên, đạt được thống nhất chung trong những lĩnh vực quan trọng mà hai bên đều có lợi ích chung. Đối với hai địch thủ tiềm ẩn này, quan trọng là “xác minh” chứ không phải “tin tưởng”.
(Theo Tienphong Online // Diplomat)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com