Ngay khi nền kinh tế Mỹ có vẻ như đang nhận lại được vị thế của mình, một số trở ngại mới đã xuất hiện khiến nó có thể lại vấp ngã.
Giá dầu tăng đột biến bởi bất ổn chính trị lan rộng tại Trung Đông là vấn đề nổi cộm nhất, trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, song không chỉ có vậy. Các nhà kinh tế của nước này cũng lo lắng về sức ép cắt giảm chi tiêu của chính phủ, sự kết thúc của các chính sách kích thích kinh tế từ Fed (Quỹ Dự trữ liên bang) cũng như chu kỳ điều chỉnh của TTCK.
Nếu chỉ riêng một trong các nhân tố trên thì không đủ để đẩy nền kinh tế Mỹ trở lại với suy thoái, song chúng đang cùng nhau "góp gió thành bão", David Wyss, Kinh tế trưởng của Standard & Poor's cảnh báo.
Mối nguy thứ nhất: Sự tăng lên đột biến của giá dầu không chỉ khuấy động phong trào bán rẻ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nó còn khiến các nhà kinh tế hạ thấp đánh giá của mình về sức hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết đều tin rằng, giá dầu ở mức 100 USD/thùng thực sự chưa đủ cao để trở thành vấn đề nghiêm trọng. "Giá dầu ở 100 USD/thùng là một vấn đề đáng ngại, nhưng nó không phải là kẻ hủy diệt", Wyss nói. Wyss cho rằng, giá dầu đạt tới 150 USD/thùng mới là vấn đề.
"Chúng ta đã chứng kiến, những thay đổi lớn về địa chính trị đã không dừng lại ở Tunisia và cũng không dừng lại ở Ai Cập, vì vậy, chưa có lý do gì để có thể nói rằng nó sẽ dừng lại ở Libya", James Hamilton, giáo sư kinh tế của Đại học California-San Diego, lập luận và dẫn dắt tiếp: "Nếu làn sóng lây lan bất ổn chính trị bị chặn lại ở Ả Rập Xê-út (nhà nước này dự định chi ra hàng trăm tỷ USD để làm điều này), đó cũng là sự kết thúc ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế thế giới".
Tuy nhiên, một số người vẫn e rằng, giá dầu ở mức hiện nay sẽ gây ra một cuộc suy thoái mới, mặc dù có thể mất vài tháng để biết chắc chắn, chẳng hạng như David Rosenberg, kinh tế trưởng của Guskin Sheff. Ông này tin rằng, sự tăng giá dầu như hiện nay là một vấn đề đối với nền kinh tế (đang tăng trưởng, nhưng vẫn còn yếu). "Khi giá dầu đạt đến các mức kỷ lục trong vài năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 5% chứ không phải 9% như hiện nay", Rosenberg nói.
Mối nguy thứ hai: Cắt giảm chi tiêu đột ngột. Áp lực cắt giảm chi tiêu chính phủ là một "cơn gió độc" khác.
Goldman Sachs đã đưa ra một điều cần lưu ý hôm thứ Ba tuần trước, ước tính rằng, đề xuất của Đảng Cộng hòa về cắt giảm 61 tỷ USD chi tiêu chính phủ trong khoảng thời gian từ giữa tháng Ba đến 30/9/2011 có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế đi 1,5 - 2 điểm phần trăm trong các các quý II và III. Ngân hàng này cũng nói rằng, nếu chính quyền liên bang phải tạm dừng cung cấp một số dịch vụ công (government shutdown), GDP nước này có thể giảm 0,2% mỗi tuần cho đến khi các dịch vụ này được cung cấp trở lại. Rủi ro này có thể xảy ra nếu đến hết ngày 4/3 tới, các cơ quan của nước này không thông qua được một kế hoạch ngân sách cho năm tài chính mới.
Hiện tại, ngân sách trung ương và địa phương của Mỹ cũng đang được cắt giảm và có thể tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay, khi năm tài khóa mới bắt đầu.
Mối nguy thứ ba: Sự kết thúc của Gói nới lỏng định lượng 2 (QE2). Các nhà kinh tế cũng đang tự hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ một khi Fed dừng bơm tiếp 75 tỷ USD vào nền kinh tế (thông qua mua trái phiếu chính phủ).
Chừng nào QE2 còn tồn tại, nó có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các thị trường, Keith Hembre, kinh tế trưởng của Nuveen Asset Management nói. Nhưng chương trình này sẽ kết thúc vào tháng 6 và có thể làm giảm sự hỗ trợ quan trọng cho giá cổ phiếu.
Mối nguy thứ tư: Giá cổ phiếu rơi. Nếu thị trường tăng trưởng, gấp đôi giá trị của các cổ phiếu trong gần 2 năm qua dừng lại đột ngột, nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế. Những sự mất mát của cải sẽ được cảm nhận, nhất là với những người mà thu nhập duy nhất của họ là từ lợi tức của các quỹ lương hưu, được đầu tư vào cổ phiếu, Wyss của S&P's nói.
Người Mỹ đã nghe thấy tiếng rít của 4 "cơn gió độc" nói trên, tuy nhiên, nó vẫn còn ở đâu đó và chưa chập lại thành một. Một khi chúng hiển hiện lên trước mắt và góp lại thành cơn lốc, hậu quả mà nó có thể gây ra đối với nền kinh tế Mỹ là khó lường.
(ĐTCK)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com