Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h qua: Sống bằng rác thải

Ngày càng có nhiều người tại Đức tham gia phong trào "sống bằng rác thải", hay còn gọi là “freegan”. Những “freegan” này sử dụng triệt để thức ăn bị loại bỏ ở các siêu thị hoặc sử dụng đồ ăn người khác bỏ đi.

Mục đích của phong trào này là phản đối việc tiêu thụ thực phẩm phung phí, trong bối cảnh thế giới có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo công bố của Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm thế giới leo lên mức cao kỷ lục trong tháng 2, do đà tăng vọt của giá sữa, ngũ cốc và thịt.

Chỉ số giá của 55 loại thực phẩm tăng 2,2% lên 236 điểm từ mức 230,7 điểm trong tháng 1, đánh dấu tháng gia tăng thứ 8 liên tiếp. FAO dự báo, sản lượng thực phẩm sẽ phải tăng 70% trong giai đoạn từ 2010-2050, khi dân số thế giới tăng và thu nhập ngày càng tăng cao thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sữa và thịt.

Chi phí thực phẩm ngày càng cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cuộc nổi dậy và bạo loạn gần đây tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, dẫn dến việc lật đổ Tổng thống Tunisia và Ai Cập trong năm nay. Bên cạnh đó, hạn hán khắc nghiệt tại Nga đã khiến các quốc gia khác nhanh chóng ban hành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc vào năm ngoái và đẩy giá cả lên cao.

Cố vấn viên Ross Garnaut của Chính phủ Australia cho rằng, giá thực phẩm toàn cầu chắc chắn gia tăng trong nửa đầu của thế kỷ này, do dân số ngày càng đông và thu nhập cao, sản lượng mùa màng tăng trưởng chậm và thay đối khí hậu.

Còn David Hallam, Giám đốc bộ phận giao dịch và thị trường của FAO tại Rome nhận định: “Đà tăng bất thường của giá dầu có thể khiến thị trường thực phẩm càng thêm thận trọng và triển vọng giá cả càng thêm bất ổn”.

Theo Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Naoyuki Shinohara, giá dầu mỏ và hàng hóa phi dầu mỏ tăng đáng kể trong năm 2010, do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giữa lúc có những lo ngại về nguồn cung và sức ép giá cả có thể còn tiếp tục trong năm này. Ở các nền kinh tế mới nổi, lạm phát giá tiêu dùng tăng trong năm 2010 một phần là do giá lương thực tăng mạnh.

Tại châu Á, lạm phát cơ bản bắt đầu tăng - với mức độ khác nhau ở các nước, cho thấy sức ép về giá cả đang lan rộng. Các điều kiện kinh tế của khu vực cũng làm tăng giá hàng hóa.

Một mặt, đó là lương thực tế tăng tại một số nền kinh tế châu Á, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp và thiếu lao động lành nghề. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng - vốn chậm lại đáng kể trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lại tăng mạnh khắp châu Á.

Các nhà kinh tế thế giới cũng nhận định rằng châu Á đang chịu sức ép lạm phát lớn nhất thế giới, và nỗi lo lạm phát tăng vọt đang lan rộng trên toàn châu lục này.

Theo họ, sức ép lạm phát ở châu Á lớn hơn các khu vực khác vì tăng trưởng của châu lục này vượt khá xa tăng trưởng kinh tế của Mỹ và châu Âu. Hiện chính phủ các nước châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc, đã phải sử dụng nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng giá cả leo thang.

Hôm 2/3, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đã họp với 9 quan chức cấp cao khác nhằm tìm ra giải pháp bình ổn giá bảo đảm đời sống của người dân. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết hạn chế đến mức tối thiểu việc tăng chi phí dịch vụ công, đồng thời thông báo giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu như thịt lợn, bơ và kim loại.

Theo số liệu của cơ quan thống kê xứ sở kim chi, tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này trong tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất trong 27 tháng qua, một phần do giá lương thực trên thế giới tăng đồng thời bất ổn chính trị tại Trung Đông đẩy chi phí năng lượng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc tháng 2 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,8% so với tháng 1.

Cũng liên quan tới kinh tế Hàn Quốc, hôm qua, ngân hàng trung ương nước này (BOK) công bố dự trữ ngoại tệ tính đến tháng 2 vừa qua đạt 297,67 tỷ USD - mức cao kỷ lục mới, sau khi đạt 295,96 tỷ USD trong tháng 1. Kết quả trên có được là nhờ lợi nhuận hoạt động trong tháng 2 tăng cao, kèm theo đó là đồng Euro và đồng bảng Anh tăng giá so với USD.

Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc bắt đầu tăng đều kể từ sau khi sụt giảm còn 200,51 tỷ USD trong tháng 11/2008, khi giới chức tiền tệ nước này tung tiền mặt để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

BOK cho biết dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc chủ yếu được đầu tư vào chứng khoán và tiền gửi. Trong tháng 1, Hàn Quốc được xếp hạng 7 về mức dự trữ ngoại tệ trên thế giới, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Đài Loan, Ấn Độ và Brazil.

Cùng ngày, Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Một tăng nhanh hơn dự kiến nhờ nhu cầu lớn ở nước ngoài, đặc biệt là nhu cầu ôtô và các sản phẩm bán dẫn. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc tháng Một tăng 13,7%, nhiều hơn mức tăng 10,6% trong tháng 12/2010 và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2009 đến nay.

Chính phủ Trung Quốc đang đề xuất nâng ngưỡng đánh thuế thu nhập cá nhân cũng như điều chỉnh mức thuế, loại thuế nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những người có thu nhập thấp. Đề xuất trên sẽ được xem xét tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, khai mạc ngày 5/3 tới.

Thời gian qua, đã nổ ra tranh luận gay gắt xung quanh ngưỡng đánh thuế thu nhập. Hiện nay, mức này đang là 2.000 Nhân dân tệ (tương đương 303,3 USD). Theo đề xuất mới, những người có thu nhập từ 3.000 Nhân dân tệ mỗi tháng trở lên mới phải đóng thuế thu nhập.

Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh: “Nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho những người có thu nhập trung bình và thấp, cần thiết phải xem xét lại thuế thu nhập cá nhân và tăng ngưỡng bắt đầu đánh thuế”. Ngưỡng này đã liên tục được điều chỉnh trong năm 2006 và 2008, tăng từ 800 nhân dân tệ lên 1.600 nhân dân tệ rồi sau đó là 2.000 nhân dân tệ như hiện nay.

Vấn đề điều chỉnh ngưỡng đánh thuế thu nhập đã được Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nêu lên trong cuộc giao lưu trực tuyến với dư luận nước này hồi cuối tuần qua. Theo ông Ôn Gia Bảo, một khi các quy định mới được áp dụng, nó sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ những người hưởng lương từ công nhân cho đến viên chức.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Hillary Clinton cho hay, nền kinh tế Mỹ đang phải tìm cách giải bài toán hóc búa trong cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển nhanh khác nhằm duy trì vị thế đầu tàu của mình.

Mỹ đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như việc giành tầm ảnh hưởng toàn cầu và các dự án năng lượng. Do đó, việc cắt giảm ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao, đặc biệt là ngân quỹ dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể gây ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược của Mỹ trên toàn thế giới.

Ngoại trưởng Hillary cũng lưu ý Washington cần nỗ lực tận dụng các khoản đầu tư vào khu vực Tây bán cầu. Bà nhấn mạnh vai trò thiết yếu của mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin, trong đó có Colombia.

Trước đó, phát biểu với Hiệp hội thống đốc bang, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng Washington đang phải cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển nhanh như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, đồng thời yêu cầu các thống đốc bang khẩn trương giải quyết thách thức nhằm duy trì vị thế đầu tàu của Mỹ.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'