Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'

Tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ sau Đại suy thoái, và cuộc khủng hoảng hiện nay cũng không có ảnh hưởng gì nhiều giúp thay đổi xu hướng này, với 1% những người thu nhập cao nhất đóng góp hơn 93% tổng tăng thu nhập trong tròn 1 năm phục hồi kinh tế.

 

Chênh lệch ngày một rộng giữa người giàu và người nghèo - và những vấn đề chính trị mà khoảng cách ấy gây ra đối với hoàn cảnh khó khăn của tầng lớp trung lưu - đã khiến cho tinh thần chống Phố Wall tăng cao và tạo hiệu ứng đến chiến dịch tranh cử tổng thống. Hiện tại, đã có các cứu kinh tế chỉ ra rằng chênh lệch giàu nghèo đồng nghĩa nghĩa tốc độ tăng trưởng cũng sẽ chậm lại và số việc làm được tạo ra sẽ ít hơn trong những năm tới.

"Tăng trưởng trở nên mong manh hơn" ở các quốc gia có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao như Mỹ, Jonathan D. Ostry, chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận xét. Trong nghiên cứu của mình, ông chỉ ra rằng, từ những năm 1980, gia tăng bất bình đẳng đã làm giảm 1/3 tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Hạn chế bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn có thể là "hai mặt của đồng tiền", nghiên cứu công bố năm ngoái của IMF kết luận.

Từ những năm 1980, các hộ gia đình giàu có tại Mỹ có thu tỷ lệ nhập ngày càng lớn trong tổng thu nhập. Một phần trăm gia đình giàu có nhất có thu nhập bằng khoảng 1/6 tổng thu nhập của các hộ gia đình Mỹ và 10% hộ giàu nhất chiếm khoảng 1 nửa, theo thống kê tổng hợp của 2 nhà kinh tế kỳ cựu Emmanuel Saez (ĐH California, Berkeley) và Thomas Piketty (ĐH Kinh tế Paris).

Trong suốt nhiều năm, các nhà kinh tế học thường chỉ coi những sự bất bình đẳng như vậy là "tác dụng phụ" của các chính sách thúc đẩy động năng kinh tế của nước này - như ưu đãi thuế đối với thu nhập từ đầu tư. Và các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB) và IMF, dù đều có trụ sở tại Washington, nhưng nhìn chung chưa thể giải quyết bất bình đẳng tại đầu não kinh tế của thế giới này.

Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia kinh tế đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) năm nay đã đưa ra cảnh báo về "hệ quả tiêu cực" của bất bình đẳng thu nhập cao ở Mỹ, và kiến nghị thực hiện một loạt những thay đổi lớn trong các chương trình thuế khóa và chi tiêu để khắc phục tình trạng đó.

IMF cũng lên tiếng cảnh báo Mỹ. "Một số người đã coi thường vấn đề bất bình đẳng và thay vào đó chỉ chú trọng tăng trưởng chung - với lý do, thực tế, thủy triều lên thì thuyền cũng nổi lên theo", một bình luận của các nhà kinh tế học IMF nhận xét. "Một số thuyền buồm trở thành những tàu biển trong khi số còn lại vẫn chỉ là những chiếc ca nô chậm chạp, đôi khi còn trục trặc nghiêm trọng".

Việc thu nhập rơi tập chung vào người giàu không chỉ đồng nghĩa với một xã hội bất công hơn, mà các nhà kinh tế học còn tin rằng, nó cũng có nghĩa là một sự tăng trưởng kinh tế kém ổn định và ì ạch hơn.

Đây là kết luận được hai chuyên gia kinh tế IMF Ostry và Andrew G. Berg rút ra. Hai ông phát hiện, tại cả các nước giàu và nghèo, bất bình đẳng tương quan mạnh với chu kỳ tăng trưởng ngắn hơn, hay nói cách khác là tăng trưởng chậm lại theo thời gian.

Và bất bình đẳng dường như có ảnh hưởng đối với tăng trưởng nhiều hơn các nhân tố khác, như đầu tư nước ngoài, độ mở thương mại, cạnh tranh tỷ giá và sức mạnh của các thể chế chính trị.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, bất bình đẳng kèo lùi tăng trưởng thông qua các kênh rõ ràng hơn. Đơn cử, bất bình đẳng có thể làm gia tăng bất ổn xã hội và dẫn tới bạo lực và hủy hoại kinh tế, điều này đã được thể hiện qua những biến động vừa diễn ra các quốc gia trong Mùa xuân Ả-rập, như Ai Cập và Syria.

Đối với Mỹ, những kênh truyền dẫn như vậy đang là chủ đề quan tâm nghiên cứu sôi nổi, khi các nhà kinh tế học muốn xác minh khả năng cũng như bằng cách nào chênh lệch giàu nghèo thúc đẩy suy thoái cũng như hệ lụy của nó ra sao.

Trong mấy năm trở lại đây, nghiên cứu của Viện Brookings, IMF và một số nhà kinh tế tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu đã bắt đầu kết lại câu chuyện thuyết phục hơn.

Bắt đầu từ những năm 1970, thu nhập của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình bắt đầu thu hẹp lại. Họ vay mượn để cải thiện mức sống - mua những ngôi nhà vượt quá khả năng tài chính của mình và sử dụng ngôi nhà này như những con lợn đất. Các gia đình đặt cược rằng giá cả nhà đất sẽ còn tiếp tục tăng, biến một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở ngoại ô Phoenix trở thành một kho dự trữ của cải an toàn. Nhưng bong bóng bất động sản đã vỡ và kéo theo cả nền kinh tế xì hơi.

Nghiên cứu của giáo sư ĐH Chicago Raghuram Rajan cũng nhấn mạnh nguyên nhân từ việc bãi bỏ các quy định. "Bắt đầu từ đầu những năm 1970, các nền kinh tế phát triển ngày càng gặp khó khăn trong tăng trưởng", ông viết. "Phản ứng chính trị ngắn hạn đối với những lo âu của những người bị tụt lại phía sau là mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng. Trước việc các quy định ít khắt khe hơn, các ngân hàng đã đặt cược vào các khoản cho vay rủi ro".

Do vậy, bất bình đẳng có thể giúp giải thích cho tình trạng suy thoái vừa qua cũng như phục hồi chậm chạp sau đó. Nhưng hiện tại, các nhà kinh tế học và chuyên gia chính sách đang vấp phải một vấn đề gai góc và nặng tính chính trị liên quan đến bất bình đẳng hơn tại Mỹ là bất bình đẳng sẽ để lại những hệ lụy ra sao trong nhiều năm tới.

Suy thoái dường như đã củng cố thêm bất bình đẳng thu nhập và của cải tại Mỹ, thay vì giúp làm đảo ngược lại xu thế đó. Tỷ trọng trong tổng thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất còn cao hơn cả những năm 1930. Thu nhập của nhóm 1% giảm sụt đôi chút trong giai đoạn suy thoái, nhưng đã phục hồi trở lại. Ngược với đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình lao động vẫn tiếp tục giảm trong giai đoạn phục hồi yếu ớt.

Phân phối của cải cũng trở nên tập trung hơn. Một gia đình có thu nhập càng thấp, của cải của họ càng có xu hướng đổ vào nhà cửa của họ. Giá trị nhà đất đã và đang giảm, và không có khả năng phục hồi trong một vài năm hay thậm chí trong thập niên tới. Cùng với đó, giá nhiều trái phiếu đang tăng cao và giá cổ phiếu cũng đang nhích lên, càng làm lợi cho các gia đình thu nhập cao có xu hướng nắm giữ các khoản đầu tư.

Một nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Economic Policy Institute ở Washington, đã phát hiện, nhóm 1% gia đình giàu nhất nắm giữ lượng của cải trong tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ còn lớn hơn của 90% hộ gia đình phía đáy.

Các chuyên gia kinh tế và chính trị gia trong bộ máy chính trị - bao gồm cả Tổng thống Obama và Mitt Romney - đều tin tưởng việc khôi phục lại tầng lớp trung lưu sẽ đóng vai trò quyết định tới thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng họ bất đồng sau sắc về lựa chọn chính sách phù hợp, đặc biệt trong các chính sách thuế và chương trình chuyển nhượng chính phủ.

Joseph E. Stiglitz, nhà kinh tế học từng giành giải thưởng Nobel và từng nghiên cứu sâu rộng về bất bình đẳng, chia sẻ: "Điều khiến tôi lo lắng là chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn. Bất bình đẳng gia tăng đồng nghĩa với một nền kinh tế yếu hơn, kinh tế yếu hơn làm gia tăng bất bình đẳng, và bất bình đẳng lại khiến nền kinh tế yếu hơn. Bất bình đẳng kinh tế đó lại ảnh hưởng đến kinh tế chính trị, do đó khả năng ổn địn nền kinh tế trở nên khó khăn hơn".

Rea S. Hederman, chuyên gia kinh tế của quỹ Heritage Foundation, Washington, thì phát biểu, "vấn đề là các chính sách khuyến khích tăng trưởng cũng kích thích bất bình đẳng", lấy ví dụ là thuế suất ưu đãi cho thu nhập đầu tư. "Điều đó có nghĩa là tái phân phối thu nhập sẽ hạn chế tăng trưởng".

 


Tác giả: Đình Ngân dịch từ FT
Theo Tuần Việt Nam

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn bất ổn mới
  • Chủ nghĩa dân tộc không được ngủ yên
  • Chính sách ngoại giao kiểu "lính trên chiến địa"
  • Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
  • Cỗ máy tăng trưởng thế giới rệu rã
  • Kinh tế Indonesia sẽ 'vượt mặt' Anh, Đức?
  • Ván bài năng lượng của Putin
  • Ấn Độ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc