Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CPI tháng 3 có thể quyết định việc điều chỉnh chính sách

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - tinkinhte.com
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Ảnh: TT.

“Có thể đợi đến khi có chỉ số tăng giá của tháng 3 thì chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ cho phù hợp”, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

Mức tăng giá trong 2 tháng đầu năm khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi của mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% như Chính phủ đã đề ra? Về vấn đề này, ông Thỏa nói:

- Khả năng kiềm chế lạm phát dưới 7% như chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là hết sức khó khăn nếu như chúng ta không thực hiện đồng bộ năm nhóm giải pháp lớn.

Thực tế, chỉ riêng chỉ số tăng giá dự kiến trong quý 1, khoảng 4% cũng đủ chiếm khoảng phân nửa chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, thông thường quý 1, lạm phát tăng cao vì đây là tháng tết, lễ hội. Đến quý 2 và 3, giá cả rất ổn định, thường không tăng. Tháng 11, giá mới có dấu hiệu tăng trở lại.

Khi xây dựng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay, các bộ, ngành cũng tính đến việc giá một loạt các mặt hàng thiết yếu là điện, than, nước sạch... tăng cao ngay từ đầu năm. Ngoài ra, theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, giá nguyên liệu thế giới sẽ tăng trong năm nay. Điều này dĩ nhiên cũng sẽ tác động đến mặt bằng giá của nước ta. Đây là những yếu tố đã được tính đến và chúng ta hoàn toàn chủ động khi đưa ra con số mục tiêu lạm phát này.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý phải kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp và thận trọng. Có thể đợi đến khi có chỉ số tăng giá của tháng 3 thì chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ cho phù hợp.

Mức tăng trưởng tín dụng 25% có thể hỗ trợ mục tiêu kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, ông có bình luận gì?

 Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 25% như đã đặt ra để tạo thanh khoản cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu tăng tín dụng lên chắc chắn sẽ gây khó cho việc kiềm chế lạm phát. Kinh nghiệm của thế giới, tăng trưởng tín dụng ở các nước thường chỉ ở mức 3%-3,5%.

Với chúng ta, mức 25% là quá cao, nhưng hạ tỉ lệ tăng trưởng tín dụng từ 38% năm 2009 xuống 25% trong năm nay cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả đồng vốn. Thực tế, cái hạn chế của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn, nhân lực giá rẻ và khai thác tài nguyên thô. Nếu tăng trưởng tín dụng quá cao mà không chú tâm đến hiệu quả đồng vốn sẽ gây những bất ổn lâu dài cho nền kinh tế.

Mức tăng giá điện 6,8% sẽ có tác động gì với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thưa ông?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức tăng giá điện bình quân trong năm nay là 6,8% so với giá điện bình quân năm 2009 thì giá điện đóng góp vào tăng chỉ số giá khoảng 0,6%.

Đẩy giá thành các ngành tiêu thụ nhiều điện như thép, xi măng, giấy... tăng giá khoảng 0,01 - 2,28%. Riêng đối với khu vực đời sống, với những hộ sử dụng điện dưới 50 kWh chỉ phải trả thêm 5.000 đồng mỗi tháng. Còn hộ sử dụng 51-100 kWh thì sẽ phải tăng chi phí tiền điện thêm có 8.000 đồng mỗi tháng mà thôi.

Nhiều ý kiến lo ngại từ nay giá điện sẽ không chỉ tăng một lần trong một năm?

Năm 2010, giá điện chỉ tăng một lần với mức 6,8%. Chủ trương của Chính phủ là dù có điều chỉnh giá điện nhưng cơ chế vẫn là bù chéo. Nghĩa là, giá bán điện cho các hộ nghèo, có thu nhập thấp là không tăng hoặc chỉ tăng rất ít. Giá bán điện chỉ tăng đối với điện bán phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đơn vị hành chính sự nghiệp...

Trên tinh thần đó giá điện mới của năm nay sẽ được thực hiện từ ngày 1/3 tới. Theo mức giá điện mà Bộ Tài chính đề xuất, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được tính theo bậc thang. Với 50 kWh đầu tiên, mức tăng sẽ rất thấp, thậm chí có thể giữ nguyên giá như năm 2009 là 600 đồng/kWh. Còn từ 51-100 kWh tiếp theo thì có mức tăng cao hơn mức năm 2009 là 865 đồng/kWh một chút, nhưng vẫn thấp hơn mức giá điện bình quân năm 2010.

(Theo Lê Hường // Vneconomy)

  • Quý I/2010: Gần 17.000 lao động xuất khẩu
  • Quý I/2010: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26,23% so với cùng kỳ
  • Giá trị sản xuất công nghiệp Quý I/2010 tăng 13,6%
  • Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD
  • CPI tháng 3 tăng 0,75%: Báo hiệu rủi ro lạm phát
  • Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 14 tỷ USD
  • TPHCM: huy động vốn tháng 3 đã khởi sắc
  • CPI tháng 3 có thể quyết định việc điều chỉnh chính sách
  • TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường
  • Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I/2010: Công nghiệp chế biến đang “dẫn dắt” sản xuất
  • Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,75%