Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TPHCM: huy động vốn tháng 3 đã khởi sắc

Huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong tháng 3 đã có phần khởi sắc. Ảnh: Lê Toàn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cuối tháng 3 ước đạt 608.000 tỉ đồng, tăng 0,77% so với đầu năm, trong khi vào cuối tháng 2 con số này là âm 0,45%. Như vậy, huy động vốn của TPHCM trong tháng 3 đã khởi sắc hơn hai tháng đầu năm.

Tuy nhiên, về cơ cấu, vốn huy động bằng đồng Việt Nam vẫn giảm nhẹ 0,54%, trong khi vốn huy động bằng ngoại tệ tăng mạnh đến 4,19% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết việc vốn huy động trong quí 1 của các ngân hàng giảm phần lớn là do tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm, do các tổ chức này tận dụng hết nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh. Riêng tiền đồng huy động từ dân cư vẫn tăng trên 5% trong ba tháng đầu năm, ông nói.

Trong khi đó, tình hình cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong tháng 3 có vẻ không lạc quan lắm khi mức tăng trưởng cho vay vào cuối quí 1 ước tăng chỉ 0,37% so với đầu năm, không cao hơn bao nhiêu so với con số tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm đã là 0,34%. Tổng cho vay trên địa bàn cuối tháng 3 ước đạt 562.000 tỉ đồng.

Trong cơ cấu dư nợ cho vay, thì dư nợ bằng tiền đồng trong quí 1 giảm đến 1,81% trong khi dư nợ bằng ngoại tệ tăng đến 7,2%.

Theo các công ty chứng khoán, tình hình thanh khoản của các ngân hàng đặc biệt là huy động vốn, sẽ có tác động nhiều lên thị trường chứng khoán. Thị trường ngày 29-3 đi ngang một phần là do các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin về tình hình huy động của ngân hàng.

Trong báo cáo ngày 19-3, Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) nói điểm quyết định cho thị trường nằm ở việc liệu tốc độ tăng trưởng huy động trong hệ thống ngân hàng có tăng lên hay không. Với lãi suất vay thực tế ở vào mức khá cao (15- 18%), thì các doanh nghiệp sẽ có xu hướng rút tiền gửi trong ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn thay vì đi vay thêm.

Trong khi đó, với trần lãi suất huy động 10,5% thì hiện tại các khách hàng gửi tiền cá nhân sẽ không mấy mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng. Do đó, tăng trưởng huy động vốn tính cho tới thời điểm này vẫn còn chậm, là nguyên nhân giải thích cho xu hướng biến động lình xình trong thời gian qua của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo công ty này, trong thời gian tới sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất là lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài giảm có thể sẽ khiến các cá nhân gửi tiền chấp nhận mức lãi suất thấp và sẽ gửi tiền vào ngân hàng.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước có thể nâng trần lãi suất huy động mà không cần nâng lãi suất cơ bản để từ đó giúp giải quyết vấn đề tăng trưởng huy động vốn.

Dù kịch bản nào xảy ra thì cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, HSC nhận định.

(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Quý I/2010: Gần 17.000 lao động xuất khẩu
  • Quý I/2010: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26,23% so với cùng kỳ
  • Giá trị sản xuất công nghiệp Quý I/2010 tăng 13,6%
  • Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD
  • CPI tháng 3 tăng 0,75%: Báo hiệu rủi ro lạm phát
  • Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 14 tỷ USD
  • TPHCM: huy động vốn tháng 3 đã khởi sắc
  • CPI tháng 3 có thể quyết định việc điều chỉnh chính sách
  • TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường
  • Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I/2010: Công nghiệp chế biến đang “dẫn dắt” sản xuất
  • Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,75%